Ngày hội du học Úc 2023 - Into the Future
“Ngày hội du học Úc 2023 - Into the Future” đã được tổ chức dưới hình thức Talkshow kết hợp University Fair, với sự tham dự của hơn 200 bạn học sinh và quý phụ huynh; Cùng sự góp mặt của các bạn sinh viên trong vai trò là đại diện của ngôi trường mình đang theo học và 3 anh chị diễn giả khách mời.
Họ đều là cựu du học sinh Úc, dày dặn kinh nghiệm và đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực của mình: Anh Nguyễn Văn Kiền (Thạc sĩ Kinh tế Tài nguyên thiên nhiên tại Đại Học Queensland và hiện đang công tác tại Bộ Đầu tư của bang New South Wales - Úc), chị Nguyễn Hoàng Mai (cử nhân ngành Truyền thông tại Đại học Monash, hiện đang công tác tại Trung tâm Phát thanh thuộc Bộ Quốc phòng - Việt Nam) và anh Nguyễn Tuấn Đạt (Hiện đang theo học ngành Truyền thông tại Đại học Sydney, với nhiều năm kinh nghiệm làm mentor cho các bạn học sinh, sinh viên tại Úc). Các bạn học sinh đã nhận được nhiều lời khuyên, chia sẻ có giá trị từ 3 diễn giả của chương trình.
Khi được hỏi về hệ thống giáo dục và chất lượng đào tạo của Úc, diễn giả Nguyễn Văn Kiền đã chia sẻ: “So với các nước khác, hệ thống đào tạo của Úc luôn được đánh giá rất cao, là một trong những điểm đến du học lý tưởng của các bạn trẻ.
Úc được thừa hưởng nền giáo dục từ Anh, áp dụng phương pháp ‘học đi đôi với hành’ - nghiên cứu song hành với sách vở. Chính vì vậy, các bạn học sinh sẽ có nhiều trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc cạnh tranh sau khi tốt nghiệp”.
Không những thế, để trả lời cho một trong những băn khoăn của các bạn học sinh về vấn đề apply học bổng, anh Kiền đã nhấn mạnh: Úc có rất nhiều nguồn học bổng khác nhau, như học bổng chính phủ, các quỹ học bổng hay học bổng của từng trường. Tất nhiên, học bổng là cạnh tranh nhưng nếu chúng ta nỗ lực đạt kết quả cao trong học tập, tham gia các hoạt động xã hội, đội nhóm, các bạn hoàn toàn có thể tự tin nộp hồ sơ xin học bổng.
Tiếp đến với vị diễn giả thứ hai, chị Nguyễn Hoàng Mai đã có những lời khuyên cho các bạn học sinh khi lựa chọn thành phố cho những năm tháng du học. Cụ thể, mỗi điểm đến đều có những cái hay, cái đẹp riêng, nhưng chọn lựa điểm đến nên dựa theo điều kiện kinh tế gia đình, tính cách và mong muốn của bản thân. Theo chị, cân nhắc kỹ lưỡng là điều cần thiết khi mới bắt đầu hành trình du học, còn khi cứng cáp rồi thì lại nên hướng bản thân là đi đâu cũng được, dù là thành phố nào cũng có thể thích nghi, phát triển.
Cuối cùng, khi đưa ra những nhận xét về môi trường học tập tại Úc, chị Mai không giấu được niềm tự hào khi đã từng được trải nghiệm một nền giáo dục tuyệt vời đến như vậy. Môi trường đại học ở Úc rất thân thiện, các thầy cô quan tâm đến du học sinh và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào cần, có nhiều hoạt động giao lưu khiến các bạn sinh viên gắn kết như một gia đình thứ hai.
Chị Mai còn nhấn mạnh thêm: “Ở Úc, sự cạnh tranh đi kèm với các cơ hội. Rất nhiều cơ hội để sinh viên thể hiện bản thân, thậm chí là cả cơ hội ghi điểm với công ty mơ ước của mình (VD: các cuộc thi, các buổi giao lưu networking do khoa, do trường tổ chức). Đặc biệt, các cơ hội đều công bằng cho tất cả các bạn sinh viên.”
Và vị diễn giả cuối cùng - anh Nguyễn Tuấn Đạt, là người đã gắn bó với nước Úc và nền giáo dục nơi đây được 5 năm, anh đã đưa ra những chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi mới đi du học và cách để cân bằng cuộc sống dựa trên trải nghiệm của chính bản thân mình.
Theo anh, điều trở ngại lớn nhất mà anh gặp phải ban đầu chính là làm quen với môi trường mới, đặc biệt là môi trường học tập ở đại học, nơi chúng ta sẽ cần phải trau dồi kiến thức tự học và nghiên cứu, kỹ năng viết luận, paraphrasing với tổng hợp nguồn và đặc biệt là làm nguồn trích dẫn (reference).
Kế tiếp, khi được hỏi về cách cân bằng cuộc sống từ việc đi học, đi làm rồi tham gia các hoạt động ngoại khóa, diễn giả cho rằng quản lý thời gian là điều quan trọng nhất. Mỗi người chúng ta ai cũng có một cách khác nhau, đôi khi ta phải thử nhiều cách, thử nhiều lần thì mới tìm ra được phương pháp hiệu quả nhất cho mình.
Diễn giả đã đưa ra một số gợi ý, đơn cử như xếp lịch học thuận tiện (cố dồn 2-3 ngày, thời gian còn lại trong ngày cố gắng học bài môn đó), những ngày còn lại có thể đi làm thêm kiếm tiền và tham gia hoạt động tập thể. Anh cũng nhấn mạnh, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng nên dành thời gian chăm sóc bản thân, biết điểm dừng, đừng để cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi vì làm việc quá sức (burnt out).