Nghề báo với những chuyến đi xa
Những người dành trọn thanh xuân truyền lửa nghề báo Niềm đam mê nghề báo của nữ phóng viên “tay ngang” |
Trường Sa - hành trình mang nặng nghĩa tình
Với tôi, ấn tượng, ý nghĩa và vinh dự hơn cả phải kể đến chuyến thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 năm 2018 của đoàn cán bộ TP Hà Nội.
Nhà báo Quang Anh trên chuyến tàu tuần tra biển của đồn biên phòng Dung Quất (Quảng Ngãi) |
12 ngày đêm (từ ngày 11 - 22/4/2018), vượt qua hơn 1.000 hải lý, con tàu KN 490 đã đưa đoàn đến 10 đảo và nhà giàn DK1/19, mang theo tình cảm, sự tri ân cũng như những món quà nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô dành tặng cho những người con ưu tú của mảnh đất thiêng liêng. Tôi đã đồng hành cùng cuộc hành hải trình ý nghĩa này, ghi lại những ấn tượng mãi mãi không phai...
Nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (tỉnh Kon Tum) |
Hải trình thuận lợi, xuôi chèo, mát mái đã đưa đoàn đến thăm quân, dân 10 đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tốc Tan A, Phan Vinh B, Trường Sa Đông, Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/19.
Đoàn đã thăm nơi ăn, chốn ở, vườn rau thanh niên... và gửi tặng những món quà rất thiết thực chứa đựng tình cảm của Thủ đô, từ những sản vật, đặc sản quê hương Hà Nội như: Kẹo lạc Phú Xuyên, giò lụa Thanh Oai, miến dong, phật thủ Hoài Đức, hạt rau giống... đến kỉ vật mang biểu tượng văn hóa Thăng Long - Hà Nội (lá đề thời Lý trang trí hình rồng); ngoài ra còn có lư hương men ngọc bích thời Nguyễn do nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng Trần Độ làm; những lá cờ Tổ quốc của Đảng bộ, Nhân dân huyện Thường Tín; những bức thư của học sinh trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) và THCS Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ) gửi tặng... Đó là những món quà thấm đẫm tình yêu của Hà Nội dành cho Trường Sa.
Chuyến đi đó thật nhiều cảm xúc và lắng đọng trong tôi kỷ niệm khó phai mờ. Quên sao được lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, nghiêm trang, bi tráng và hào hùng. Quên sao được hình ảnh bùi ngùi xúc động, nước mắt nghẹn ngào của các sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội khi chia tay các anh lính trẻ trên đảo. Quên sao được hình ảnh các chiến sĩ nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng từng khóm rau trên nhà giàn DK...
Đi để trải nghiệm và cảm nhận
Năm 2003, ngày tôi vừa mới được tiếp nhận vào báo Tuổi trẻ Thủ đô, Ban Biên tập cử đi công tác cùng đoàn sinh viên tình nguyện 14 ngày tại xã Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, Lào Cai) do Thành đoàn Hà Nội tổ chức trong chiến dịch hè tình nguyện. Tại nơi đó, tôi sinh hoạt cùng các bạn sinh viên. Những sinh viên tình nguyện kém mình vài tuổi nhưng hồn nhiên, nhiệt tình và vui tính. Hằng ngày tôi cùng các bạn trẻ lên thôn bản, gặp gỡ và ghi nhận những chia sẻ của các cô giáo dưới xuôi, “cắm bản” vùng núi... Qua chuyến đi đó, phóng sự "Gian nan cái chữ vùng cao" đã ra đời và sau đó tôi đã gửi báo qua đường bưu điện, tặng các cô giáo.
Tác giả cùng học sinh trường Tiểu học Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang |
Bẵng đi chừng 3 tháng, một cô giáo đã viết thư tay gửi về tòa soạn cho tôi. Cô khoe nhờ bài báo đó, một chiến sĩ biên phòng ở Lào Cai đọc được, đã liên hệ làm quen. Sau đó, hai người yêu nhau và chuẩn bị làm đám cưới. Tôi đã rất vui, cảm động và mừng cho cô giáo khi đọc những dòng thư đó.
Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức những chuyến đi thực tế cho hội viên tại các Đồn Biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa. Tôi may mắn được tham gia một vài chuyến thực tế như thế ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Ngãi… được đồng hành cùng các đồng nghiệp, qua chuyến đi cũng học hỏi được từ các bạn rất nhiều kiến thức sống và kinh nghiệm nghề.
Tôi nhớ những lần tham gia cùng hội nhóm thiện nguyện trao quà cho các học sinh nghèo ở thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang. Ở những điểm trường, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, đường giao thông đi lại khó khăn, có những đoạn đường xấu đến mức, các thành viên trong đoàn phải xuống xe đi bộ, mang vác theo cơ man vật dụng cá nhân và quà trao tặng.
Gắn bó với trường phải kể đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Từ những chuyến đi này, tôi đã có những bài viết về chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” - những chương trình có giá trị nhân văn cao cả.
Mỗi chuyến đi càng giúp tôi thêm trưởng thành, có thêm nhiều góc nhìn trong cuộc sống và thêm yêu công việc của mình hơn. Mỗi phóng viên, nhà báo tự nhủ sẽ luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ độc giả.