Niềm đam mê nghề báo của nữ phóng viên “tay ngang”
Lan tỏa những tấm gương sáng để phóng viên trẻ học tập Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đạt giải thưởng Ngòi bút trẻ 2024 Cần “lá chắn” bảo vệ các phóng viên tác nghiệp |
Tổng biên tập Nguyễn Mạnh Hưng cùng cán bộ, phóng viên Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô khu vực miền Trung và Tây Nguyên |
Nghề khó trong những nghề khó
Văn phòng đại diện báo Tuổi trẻ Thủ đô khu vực miền Trung và Tây Nguyên - nơi đã cho “kẻ tay ngang” như tôi có những kiến thức về nghiệp vụ báo chí, một người chưa từng viết tin bài bước vào nghề báo với bao bỡ ngỡ.
Ngược lại với những bạn trẻ học ngành báo chí nhưng ra trường đi làm ngành khác, là một lực lượng những người làm báo trái nghề. Họ có thể học ngành sư phạm, tài chính, kinh tế, luật… nhưng yêu nghề báo.
Ban đầu cộng tác với các cơ quan báo chí bằng các bài viết trong lĩnh vực của mình, rồi lâu dần, tình yêu nghề thấm vào trong máu, họ chuyển luôn sang làm báo.
Xuất phát là cử nhân kinh tế, đam mê nghề báo, nhiều khi đọc các loạt bài phóng sự điều tra của đồng nghiệp hay đơn giản chỉ là một tin pháp luật, trong tôi luôn đầy sự ngưỡng mộ và ngập tràn bao câu hỏi: Làm thế nào họ có thông tin hay vậy? Cách trình bày bố cục một tác phẩm báo chí có công thức chung hay không? Tại sao họ có được những hình ảnh đặc sắc như thế?
Tác giả trong một lần tác nghiệp trên đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn |
Với tôi, báo chí là một nghề khó trong những nghề khó. Giấc mơ xếp 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt thành một tác phẩm báo chí với tôi không dễ dàng. Mỗi đề tài mới lại mở ra cho tôi một chân trời mới về kiến thức, không thể là một “tay mơ” khi viết những bài báo mang màu sắc chuyên môn của các ngành nghề khác nhau.
Khi mới bắt đầu tiếp xúc với công việc cập nhật thông tin thời sự hàng ngày, tôi thật sự choáng ngợp. Tôi choáng ngợp bởi những áp lực, những đòi hỏi mới: Nhanh, nóng hổi, kịp thời, độc đáo... Choáng ngợp bởi phong cách làm việc mới: Gắn kết với tập thể, chuyên nghiệp, bài bản, quy trình các bước để xuất bản một tác phẩm báo chí…
“Đọc thật nhiều”, “so sánh tin đã biên tập và xuất bản so với tin mình viết”, đây là lời chỉ bảo của các đồng nghiệp đi trước đã giúp tôi có những tác phẩm được đăng đầu tiên. Rồi dần dần học hỏi các bậc “tiền bối”, tôi cũng hiểu ra cách tìm đề tài, thu thập thông tin, nghệ thuật phỏng vấn, xử lý thông cáo báo chí, và cách hoàn thiện bài báo.
Dù là dân “tay ngang” nhưng khi quen nghề, tôi trở nên say nghề. Điều tâm đắc nhất trong nghề báo với tôi đấy là được đi, được nghe, được thấy, được trải nghiệm và chiêm nghiệm. Nghề báo đã cho tôi cơ hội để hiểu thêm về mình, hiểu thêm về cuộc đời, giúp tôi biết lắng nghe, tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc, để tư duy và hành động đúng.
Do đó, dù không được đào tạo từ các trường lớp chuyên nghiệp về báo chí nên để có những kỹ năng cơ bản trong viết tin bài, tôi đọc báo hàng ngày để hiểu “bản sắc” tờ báo mà mình đang công tác, đọc những bài viết ở mảng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để hiểu sâu hơn về công tác Đoàn và các dạng đề tài được triển khai.
Hạnh phúc trong ngôi nhà chung
Giữa bao khó khăn, tôi may mắn được sự định hướng, động viên của đồng chí trưởng văn phòng đại diện; được sự dìu dắt, chỉ dẫn tận tình từng câu chữ của các đồng nghiệp đi trước. Sau những lời nhận xét của các anh, chị biên tập viên, tôi như thấy mình trưởng thành hơn trong từng câu viết.
Tôi đã thuần thục dần cách triển khai viết một cái tin, chọn đề tài, cách nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ nhằm tiếp cận sự thật chính xác. Tôi được tiếp cận và đào tạo qua các lớp hướng dẫn nghiệp vụ báo chí, sử dụng giao diện CMS do văn phòng tổ chức… và hạnh phúc khi được nhận là phóng viên chính thức tại báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Công việc hiện tại giúp tôi có cơ hội được tiếp xúc, làm việc nhiều hơn với những phóng viên, biên tập viên… Tôi nhận ra rằng đã là phóng viên thì dù là nam hay nữ, bất kể ngày hay đêm cũng phải cầm máy ảnh lên và chạy ngay đến hiện trường để trực chiến; bất kể mưa bão, đường sá khó khăn để thông tin được cập nhật chân thực, nhanh nhất và chính xác nhất.
Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tham gia tác nghiệp mà tôi ấn tượng nhất, đó là dịp cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân gồm 27 địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước và cán bộ, phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí đã mang tấm lòng và những món quà hương vị Tết từ đất liền đến với quân và dân nơi đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dịp Tết Nguyên đán.
Tại vùng biển Cồn Cỏ, thời tiết xấu bất thường, sóng to, biển động dữ dội, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 200 đại biểu, Chính ủy, Chuẩn Đô đốc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân Nguyễn Đăng Tiến đã quyết định không lên đảo.
Độc giả Đặng Phi Hoàng (bên trái) bày tỏ vui mừng khi nhận được ấn phẩm đặc biệt xuân Giáp Thìn 2024 từ phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Hàng hóa và quà Tết được vận chuyển bằng thuyền, ca nô chuyên dụng vào Cồn Cỏ, việc chúc Tết được tổ chức theo phương án trực tuyến trực tiếp từ tàu KN-390. Nhiều người trong đoàn công tác tiếc nuối vì lỗi hẹn với quân và dân đảo Cồn Cỏ, dù đảo đã ở ngay trước mặt.
Đoàn công tác đành gửi quà Tết đồng thời qua sóng live stream, chúc Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ đảo Cồn Cỏ, các lực lượng đang công tác, đóng quân trên huyện đảo và Nhân dân dồi dào sức khỏe, bám biển, bám đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc...
Buổi lễ diễn ra trong không khí xúc động, dù tín hiệu âm thanh đôi lúc gián đoạn, lẫn trong tiếng sóng biển rì rào. Chỉ trong một ngày, đoàn công tác trên tàu KN-390 đã chứng kiến 2 cuộc điện đàm chúc Tết, dù cách nhau không xa mà không thể gặp mặt, không thể có những cái bắt tay thật chặt.
Nghề báo vất vả, gian khổ nhưng luôn mang lại cho tôi hạnh phúc, nhất là hiệu ứng xã hội tốt khi có những bài viết kịp thời, chính xác, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được bạn đọc đón nhận.
Để viết được những bài báo hay, sáng tạo với tinh thần đấu tranh và xây dựng thì chỉ có thể là những phóng viên đúng nghĩa, đáp ứng những điều kiện cần và đủ, đó là “mắt sáng, tâm trong và bút sắc”.
Trong đó, “mắt sáng” là khả năng đặc biệt, nhanh nhạy trước mọi vấn đề của đời sống xã hội. Phóng viên, nhà báo là người nhìn đâu cũng thấy vấn đề có thể viết được. “Tâm trong” chính là đạo đức, phẩm chất của người cầm bút, giữ vững quan điểm, phản ánh đầy đủ bản chất sự việc. “Bút sắc” chính là sức mạnh của nội dung bài viết tác động đến công chúng, phơi bày sự thật trước công chúng, chống lại cái xấu xa.
Ngày 21/6 - ngày hội của báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin được chúc các đồng nghiệp, các anh, chị sức khỏe, vững vàng với tâm sáng của nghề sẽ còn tiếp tục cống hiến và gửi tới độc giả những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực cuộc sống và mang hơi thở, tiếng nói của chính người dân và độc giả của mình.