Những người dành trọn thanh xuân truyền lửa nghề báo
Nghề báo và những câu chuyện đời… Phát động sáng tác văn học nghệ thuật về nghề báo, người làm báo |
“Người lái đò” trên dòng sông tri thức
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ 2013 tới tháng 4/2024. Hiện nay, cô là giáo viên thỉnh giảng của trường.
Trong những năm làm giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giảng viên Nga Huyền đã hướng dẫn, truyền đạt cho sinh viên về những kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Cô không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế, từ đó rèn luyện kỹ năng và niềm đam mê với nghề báo.
"Với tôi, việc giảng dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là truyền lửa niềm đam mê. Tôi muốn các sinh viên cảm nhận được sự hấp dẫn của nghề báo, khám phá tiềm năng bản thân và trở thành những người làm báo thực thụ" tiến sĩ Nga Huyền chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền giảng dạy khóa Sáng tạo podcast tại Trung tâm Hoa Kỳ Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ |
Hơn 10 năm giảng dạy có rất nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm cô đã trải qua cùng các học trò. “Tôi cảm thấy hạnh phúc, đáng nhớ khi thấy sự chuyển biến, tiến bộ của học trò mà mình đã trao giá trị kiến thức, kỹ năng. Các bạn dám vượt qua giới hạn bản thân, biến những điều không thể thành có thể”, cô Nga Huyền bồi hồi kể.
Với phương pháp giảng dạy sáng tạo, cô Nga Huyền đã tạo ra nhiều hoạt động thú vị kích thích sự tò mò và sáng tạo của sinh viên thông qua từng tiết dạy. Một trong số đó là việc tổ chức buổi học gặp mặt trực tiếp các nhà báo, biên tập viên nổi tiếng, nhằm giúp sinh viên tiếp cận với thực tế của ngành Báo chí.
"Việc tiếp cận trực tiếp không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghề báo mà còn giúp họ khám phá thêm về các lĩnh vực trong ngành. Đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên hỏi đáp, trao đổi và nhận được những lời khuyên quý báu từ những người có kinh nghiệm", cô Nga Huyền nói.
Nghề báo vinh quang nhưng những cám dỗ, khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Cô Nga Huyền cho rằng: “11 năm công tác tại học viện, tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng cho sinh viên để các bạn hiểu nghề qua đó, sẽ có bản lĩnh vững vàng, rèn luyện trở thành những nhà báo tương lai”.
Theo cô Nga Huyền, việc được đào tạo bài bản rất quan trọng. Vì thế, dù làm báo hay giảng dạy báo chí đều có những giá trị cốt lõi đóng góp vào việc phản biện xã hội, tạo ra những điều tích cực cho xã hội; tôn vinh, lan tỏa giá trị đẹp đẽ.
Ngoài ra, nữ giảng viên còn tham gia những chuyến tham quan cùng sinh viên đến các cơ quan báo chí lớn, nơi các em có cơ hội tham gia vào quy trình làm báo và trực tiếp gặp gỡ nhà báo hàng đầu. Điều này giúp sinh viên nắm vững kiến thức thực tế, hiểu rõ hơn về công việc và môi trường làm việc trong ngành báo chí.
Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực tế, cô Nguyễn Nga Huyền còn luôn truyền đạt niềm đam mê và tình yêu với nghề báo qua từng trải nghiệm làm việc. Các chuyến tham quan này giúp sinh viên nhìn thấy được những thách thức và cơ hội trong nghề báo. Bên cạnh đó, qua việc gặp gỡ và trò chuyện với các nhà báo, sinh viên có thể học hỏi từ kinh nghiệm của họ và xây dựng mối quan hệ trong ngành.
Tiến sĩ Nga Huyền dẫn đoàn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đến thực tế tại báo HàNộimới |
Qua những nỗ lực không ngừng, gần 11 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy, nhiều sinh viên đã được cô truyền lửa đã phát triển niềm đam mê với nghề báo. Nhiều sinh viên đã trở thành những người làm báo xuất sắc và góp phần vào sự phát triển của ngành Báo chí.
Gửi gắm tới những thế hệ sinh viên đang rèn luyện trở thành những cây bút sắc sảo trong tương lai, tiến sĩ Nga Huyền nói: “Tôi mong các em hiểu được nghề nhiều nhất để trang bị, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết. Tôi cũng mong các em trân trọng vinh quang của nghề và vững vàng trước những thách thức, biến khó khăn thành động lực, dần hoàn thiện và phát triển bản thân để tự hào với nghề; có trái tim nhân văn đứng về lẽ phải và một cái đầu lạnh kiên quyết lên án cái xấu”.
“Truyền lửa” qua từng trải nghề
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa, một cây bút có kinh nghiệm 40 năm làm báo đã lựa chọn cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” thông qua những giờ lên lớp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đặc biệt thầy từng có nhiều năm gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô trên cương vị là Tổng Biên tập. Thầy Quang Hòa chia sẻ: “Tôi bắt đầu giảng dạy tại trường báo từ khóa 16. Tôi dạy viết phóng sự và sau này rất nhiều sinh viên năm ấy trở thành những cây phóng sự nổi tiếng”.
Theo thầy Hòa, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ là người đưa sinh viên vào môi trường làm việc thực tế mà còn là người truyền lửa qua từng trải nghiệm làm nghề. Bằng những câu chuyện, kinh nghiệm và tình yêu dành cho nghề báo, họ khơi gợi niềm đam mê và khát vọng cho sinh viên.
Thầy Quang Hòa nói: “Người làm báo không chỉ giỏi nghề mà còn phải rèn đạo đức và cái tâm với từng con chữ”.
Khi giảng dạy về phóng sự, thầy Quang Hòa ấn tượng nhất với một sinh viên có tên Hồng Vân bởi bài viết có tiêu đề “Xây nhà đêm”. Đặc biệt, phần sapo của bài báo khiến thầy không thể quên về sinh viên này: “Mới đọc thấy lạ, không hiểu tại sao nhà số 4 Hàng Lược lại phải xây về đêm, cứ tầm 9 giờ tối cho tới 3 giờ sáng hôm sau, còn ban ngày thì nghỉ. Chả nhẽ họ sợ ánh sáng hay thợ không quen làm ngày. Đối với những người dân xung quanh thì không có gì khó hiểu bởi nhà xây không phép mà không phép thì họ xây buổi tối khi chính quyền phường đã nghỉ, chả còn ai bắt”, Tiến sĩ Quang Hòa nhớ lại.
Thầy Quang Hòa luôn tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi và tìm hiểu về lĩnh vực báo chí |
Nói về kiến thức, kỹ năng cần thiết trang bị cho sinh viên báo chí, thầy Quang Hòa nói: “Trong kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng, quan trọng nhất là các thể loại báo chí. Muốn bài báo hay thì phải lấy được tài liệu tốt, phát hiện đề tài hay và say mê với công việc, tích cực thâm nhập cuộc sống”.
Thầy Quang Hòa dành nhiều tâm tư với thế hệ làm báo trẻ: “Các sinh viên muốn viết tốt thì phải say mê với nghề. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cần rèn luyện về văn hóa ứng xử. Chỉ có rèn luyện mới có thể giúp các sinh viên tiến bộ trong nghề”.
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tiến sĩ Quang Hòa nhắn nhủ các sinh viên báo chí: “Muốn làm nghề thì phải chịu khó dấn thân, chịu khó đi viết, càng viết sẽ càng học hỏi được nhiều kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Nếu muốn trở thành những cây phóng sự có tiếng, các bạn phải tập nhìn cuộc sống qua nhiều lăng kính, rèn luyện phong cách, kỹ năng viết. Tôi tự hào khi nhìn thấy các sinh viên của mình thành công trong nghề báo. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của một giảng viên".
Đó là lý do giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ được coi là người lái đò trong nghề mà còn là người truyền lửa qua từng trải nghiệm làm nghề. Từ đó, nhiều sinh viên đã trở thành những nhà báo tài năng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền báo chí Việt Nam.