Nghi án bé gái 6 tuổi bị bạo hành tử vong: Người không can ngăn cũng có thể bị xử lý hình sự
Đánh con là vi phạm pháp luật
Ngày 20/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn đang tạm giữ hình sự ông Lê Thành Công (sinh năm 1978, bố của bé gái H.A, ở phường Xuân Đỉnh), để điều tra dấu hiệu bạo hành cháu bé, khiến nạn nhân tử vong.
Trước đó vào tối 16/9, bé gái H.A được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh viện xác định, bé gái đã tử vong ngoại viện, trên người có vết bầm dập, có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan Công an.
Cảnh sát đã niêm phong ngôi nhà bé gái cùng gia đình đang ở để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ án |
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an phường Láng Thượng đã phối hợp Công an quận Bắc Từ Liêm và phường Xuân Đỉnh khẩn trương vào cuộc điều tra. Sau đó, bố cháu bé đã được cơ quan Công an triệu tập lấy lời khai để làm rõ sự việc và ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bước đầu, người bố thừa nhận vào trưa 16/9 có dạy con học. Do cháu tiếp thu chậm nên trong cơn nóng giận đã dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con nhiều phát vào chân, tay, mông và một phần lưng cháu trong thời gian học và sau khi kết thúc.
Buổi chiều, cháu ăn hết hộp cháo xong thì có biểu hiện nóng người nên gia đình cho cháu đi tắm, gội đầu. Thấy cháu bị sốt nên tiếp tục cho uống 1 viên thuốc panadol. Sau đó cháu được bố bế và nôn vào vai. Thấy vậy, bố mẹ cháu đưa cháu bằng xe máy đến Bệnh viện Nam Thăng Long cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương bằng xe cấp cứu. Mặc dù đã được các y, bác sĩ sơ cứu trên xe cứu thương nhưng bé gái đã tử vong trước khi vào viện...
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định: Hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con để dạy dỗ là sai. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi tác động vào cơ thể cháu bé sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc xử lý hành vi phạm tội sẽ căn cứ theo tính chất, mức độ, hậu quả gây ra. Đặc biệt cần đợi kết luận giám định nguyên nhân chết và các cơ chế hình thành thương tích của cháu để có thể xử lý người cha tương ứng theo nhóm tội phạm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
“Rất có thể trường hợp tử vong của cháu không phải do hành vi của người bố đánh cháu vào chân, tay, mông trực tiếp gây ra nhưng nó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra những biến chứng trong cơ thể dẫn tới cháu bị tử vong. Do đó, người cha có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp này, người bố thuộc trường hợp cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả nên có thể phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nói.
Cũng theo luật sư Thơm, cần phân biệt với tội giết người khi hậu quả chết người xảy ra là do hành vi sử dụng vũ lực tác động trực tiếp gây nên thì theo lý luận tội phạm sẽ thuộc trường hợp giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, để xem xét cụ thể hành vi của người bố cần đợi kết quả điều tra, làm rõ cơ chế hình thành vết thương trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cần xác định nguyên nhân bé gái tử vong…
Cùng trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết, cần xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé để xem xét trách nhiệm hình sự đối với người bố. Nếu xác định nguyên nhân cháu bé chết do bị đánh, cần làm rõ động cơ, mục đích của bố cháu bé khi thực hiện hành vi.
Luật sư Trần Xuân Tiền nêu quan điểm giải quyết vụ án bé gái nghi bị bạo hành tử vong |
Trường hợp người bố đánh cháu bé không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng, hậu quả chết người nằm ngoài ý muốn thì có thể bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích với tình tiết định khung tăng nặng là làm chết người. Mức hình phạt cao nhất theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 là 14 năm tù giam. Nếu người đàn ông tác động ngoại lực vào những bộ phận nguy hiểm trên cơ thể cháu bé nhằm tước đoạt tính mạng con gái mình thì có thể bị truy cứu về tội giết người theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật này, mức hình phạt cao nhất đến tử hình.
Đối với hai tội trên, nếu không xem xét kĩ đôi khi có thể gây nhầm lẫn vì biểu hiện của hành vi có thể rất giống nhau. Ở tội “giết người”, hành vi tấn công của người phạm tội bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những vùng nguy hiểm của cơ thể như: Sọ não, gáy, ngực, ổ bụng…
Đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như chân, tay, mông.
Thực tiễn, nhiều trường hợp người phạm tội chỉ khai không muốn làm nạn nhân chết. Do đó, phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay cố ý gây thương tích, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về cơ chế hình thành vết thương, đặc biệt là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân.
Sự việc được báo cho cơ quan Công an khi phát hiện nhiều vết bầm dập trên cơ thể bé gái |
“Những người chứng kiến việc cháu bé bị đánh mà không can ngăn dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong thì có thể bị xem xét, xử lý về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự, hình phạt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn có quan niệm cho rằng mình có quyền đánh con tùy ý để dạy dỗ, giáo dục con. Tuy nhiên, có thể thấy những hậu quả của việc dùng bạo lực để giáo dục con cái rất rặng nề, nhiều người phải vướng vào vòng lao lý do lạm dụng điều này và thiếu hiểu biết pháp luật.
Vụ việc là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con cái một cách đúng đắn, tôn trọng quyền nhân thân của con, vừa giúp con cái có định hướng, phát triển phù hợp”, luật sư Tiền nói.
Cũng theo luật sư Tiền, dù người bố bạo hành con phải hứng chịu hình phạt nào, xét về đạo đức, đứng trên cương vị là bậc cha mẹ nhưng người bố có hành vi bạo hành con mình là điều không thể chấp nhận được. Hành vi này không những ảnh hưởng tới phát triển tâm sinh lý bình thường của con cái, nghiêm trọng hơn là nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người bố sẽ phải chịu sự phê phán từ cộng đồng, sự trừng phạt của tòa án lương tâm bởi đã gây nên cái chết cho chính con gái ruột của mình.