Nghiên cứu áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe để tránh nhờn luật
Đảm bảo công khai, minh bạch tránh tiêu cực
Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.
Trung bình hằng năm, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 500.000 trường hợp. Tình hình tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, không ít vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người.
Trong khi đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, còn hình thức. Việc quản lý người lái xe sau khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng. Do đó, mới đây Bộ Công an đã lấy ý kiến về một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung liên quan đến việc trừ điểm đối với giấy phép lái xe.
Bộ Công an cho biết đang đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội Nghị quyết thí điểm về trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, nhằm chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông Đường bộ, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự luật được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Trong đó, Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại giấy phép lái xe sau 6 tháng. Dự kiến mỗi người sẽ có 12 điểm/năm. Với giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Qua đó giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện việc chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Việc trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên người dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. "Mỗi lần bị trừ điểm được coi như tiếng chuông cảnh báo, giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn" - Bộ Công an nhìn nhận.
Bộ Công an cũng cho biết mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu cụ thể, bảo đảm không chồng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác. Việc phục hồi điểm sẽ được thực hiện đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin, tránh gây phiền hà cho người vi phạm.
Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc giấy phép lái xe bị trừ điểm, hệ thống cơ sở dữ liệu tự động trừ điểm và phục hồi điểm nên không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, không phát sinh tiêu cực.
Góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Anh Trần Anh Tú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Việc Bộ Công an tiến hành trừ điểm bằng lái xe là phù hợp với tình hình thực tế tham gia giao thông ở Việt Nam. Qua việc trừ điểm lái xe sẽ nâng cao được ý thức của người dân, xây dựng được văn hóa tham gia giao thông an toàn, văn minh”.
Anh Tú cho rằng, việc trừ điểm bằng lái sẽ đánh thẳng vào nỗi sợ phải đi sát hạch lại tốn kém thời gian, tiền bạc. Bên cạnh đó, việc trừ điểm trên hệ thống điện tử cũng đảm bảo được tính công khai, minh bạch tránh tiêu cực.
Trước thông tin Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, không ít người vẫn nhờn luật giao thông. Việc áp dụng hình thức trừ điểm bằng lái có tính chất nghiêm khắc và răn đe hơn xử phạt hành chính.
Trừ điểm bằng lái xe sẽ tạo cho tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh hơn |
Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, trừ điểm bằng lái xe sẽ tạo cho tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh hơn, bởi họ sợ hơn sau mỗi lần bị trừ hết điểm dẫn đến phải học lại, thi sát hạch lại.
Hiện nay, Bộ Công an và các bộ, ngành đã có sự liên thông về dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc quản lý người lái xe trên môi trường điện tử thông qua số định danh điện tử và căn cước gắn chíp là một lợi thế. Hơn nữa, biển số xe cũng đã được định danh cá nhân. Bởi vậy, việc trừ điểm bằng lái xe không khó để có thể thực hiện ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể, chi tiết về việc mỗi điểm trên bằng lái xe tương ứng với các lỗi vi phạm như thế nào. Cần quy định rõ lỗi nào sẽ bị trừ điểm, lỗi nào không bị trừ điểm hoặc nhiều lỗi cộng gộp lại mới bị trừ một điểm”, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay.
Theo chuyên gia này, việc trừ mỗi điểm trên bằng lái xe cần được xây dựng theo quy chuẩn của pháp luật. Khi đó, cơ quan quản lý mới đánh giá được lỗi đó sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.
Thực tế, việc tước giấy phép lái xe hiện nay là chế tài rất nghiêm khắc, nếu tài xế vô tình vi phạm quy định có áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe thì việc này đồng nghĩa tài xế sẽ mất việc hoặc không đủ điều kiện để diều khiển phương tiện, việc này đồng nghĩa với việc mất thu nhập, cuộc sống sẽ bị xáo trộn,…
Mặc dù, đã bị tước giấy phép lái xe, nhiều tài xế vẫn cố tình lái xe để kiếm sống hoặc mua, bán giấy phép lái xe giả nhằm che mắt lực lượng tuần tra, kiểm sát giao thông. Nếu quy định mọi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0 sẽ tạo điều kiện cho lái được hành nghề sau khi vi phạm bị trừ điểm, bởi trên thực tế nhiều lỗi vi phạm giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan cũng có, chủ quan cũng có. Hầu hết, không tài xế nào muốn bị tước giấy phép lái xe, bởi vì nếu bị tước giấy phép lái xe đồng nghĩa sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp mất đi “cần câu cơm” của họ.
Vì vậy, Bộ Công an đề xuất quy định về điểm và trừ điểm giấy phép lái xe đối với tài xế có hành vi vi phạm vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp. Nếu Luật được thông qua thì đồng thời phải rà soát toàn bộ các quy định có liên quan đến pháp luật giao thông đường bộ, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để bãi bỏ các quy định có liên quan đến việc tước giấy phép lái xe; đồng thời bổ sung quy định về trừ điểm giấy phép lái xe nếu tài xế xảy ra hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiệu quả có thể xử phạt và trừ điểm giấy phép lái xe tự động không để xảy ra sai sót. Muốn vậy, ngành Công an phải đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là đào đạo nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này.
Ngoài ra, nếu quy định mọi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm và bị trừ điểm nếu vi phạm thì có biện pháp giám sát, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra như tài xế sẽ có thể “hối lộ”, "xin xỏ" để không bị trừ điểm giấy phép lái xe.