Ngoài hưởng trợ cấp, người lao động có thêm nhiều lợi ích khi đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cho cả "cầu câu" và "con cá"
Tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc, được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí...
Có thể nói vào thời điểm người lao động mất việc làm, khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Tuy nhiên, nhiều người lao động chỉ biết đến việc sẽ được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà ít để ý đến việc được hưởng hỗ trợ học nghề để sớm tìm được công việc mới phù hợp.
Ảnh minh hoạ |
Theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng điều kiện: Đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở các tỉnh thành; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề.
Hiện mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, thì tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học.
Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào mức phí, học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định và căn cứ theo thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
Để được hỗ trợ học nghề từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần có giấy tờ chứng minh đã chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động; có sổ bảo hiểm; các giấy tờ liên quan, và đến nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm; có đơn đề nghị được học nghề.
Đáp ứng các yêu cầu này, người lao động sẽ được cấp quyết định học nghề miễn phí, có thể đăng ký chọn nghề ở bất kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào mà đã được cấp phép.
Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, một số Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn như: học lái xe, làm bánh, kế toán, các kỹ năng khác.
Đây chính là sự nhân văn của bảo hiểm thất nghiệp khi vừa cho người lao động "con cá" vừa cho "cần câu"ngay khi họ thất nghiệp, không biết bấu víu vào đây để lo chi phí sinh hoạt, ăn uống...
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho lao động thất nghiệp
Những người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc được hưởng một số tiền trợ cấp nhất định theo quy định của Nhà nước (60% tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động) còn được tư vấn việc làm miễn phí, hưởng thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài việc chú trọng đến công tác tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp, nhiều trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố vẫn tổ chức các phiên giao dịch việc làm online cho lao động thất nghiệp, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động |
Theo đó, lao động thất nghiệp được hướng dẫn qua phòng việc làm để được kết nối với doanh nghiệp thông qua phỏng vấn online qua hệ thống Zoom. Việc giới thiệu việc làm kết nối trực tuyến đã tạo điều kiện cho nhiều lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới phù hợp hơn.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (40 tuổi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ "Do lớn tuổi, tôi không còn phù hợp với ngành nghề dệt may. Do đó, khi công ty cắt giảm nhân sự, tôi nằm trong nhóm chấm dứt hợp đồng lao động.
Tôi đã tham gia chính sách bảo hiểm xã hội gần 20 năm nên khi thất nghiệp, tôi được hưởng khoản trợ cấp thất nghiệp tạm thời đủ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt. Hiện tôi cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giới thiệu cho các công việc mới phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại của mình".
Nếu không tìm được việc làm mới sau các phiên giao dịch việc làm online, nhiều lao động đang được hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp có thể đăng ký học nghề để tìm công việc mới, cơ hội khác cho bản thân.
Anh Nguyễn Văn Giáp (quê ở Bắc Giang, đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết "Trước đây, tôi làm lái xe cho một công ty ở trong quận Nam Từ Liêm nhưng sau công ty giải thể do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tôi mất việc làm.
Nhờ có bảo hiểm thất nghiệp, tôi được hưởng trợ cấp khoảng hơn 5 triệu/tháng. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tôi tạm thời lo liệu chi phí ăn uống, sinh hoạt. Tôi quyết định đăng ký học nghề mới để có thể chuyển đổi công việc".