Người bị kết án tù được phép tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Từ năm 2020, người bị kết án tù được phép tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (ảnh minh họa)
Bài liên quan
Các phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Đóng bảo hiểm xã hội một lần để hưởng lương hưu được không?
Tuyên truyền Bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình
Cả nước có 405 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện mang đậm tính nhân văn, nhân đạo
Điều 27, Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Theo đó, phạm nhân có những quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án.
Người bị kết án tù cũng được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, phạm nhân cũng được tham gia BHXH tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật. Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ BHXH thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo khoản 4, Điều 2, Luật BHXH 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng).
Về phương thức đóng, thời điểm đóng (kỳ đóng BHXH) tự nguyện đối với phạm nhân được quy định rõ như sau:
Đối với phương thức đóng hàng tháng, hoặc 3 tháng một lần thì người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng vào bất kỳ ngày nào trong cả phương thức đóng đã chọn.
Đối với phương thức đóng 6 tháng một lần thì người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 4 tháng đầu.
Đối với phương thức đóng 12 tháng một lần thì người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 7 tháng đầu.
Đối với phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm, bằng 60 tháng) và đóng một lần cho thời gian còn thiếu (đối với người đã đủ điều kiện để về tuổi đời để hưởng lương hưu và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm) thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.
Quyền lợi được hưởng của người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân bao gồm: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên).
Phạm nhân được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT). Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.
Người đang hưởng lương hưu hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.
Đặc biệt, được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm. Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.