Người cuối cùng ở trại phong Đá Bạc
Đã 56 năm bà Sợi đặt chân đến mảnh đất bạc đá mòn sỏi Sóc Sơn để chữa trị căn bệnh phong quái ác. Bà là một trong những người đầu tiên chuyển đến và đến hiện tại cũng là người cuối cùng ở lại trại phong tiếp tục cuộc sống…
Bà Nguyễn Thị Sợi, người cuối cùng còn ở trại phong Đá Bạc |
Đây đã từng là nơi ăn ở và điều trị cho 180 bệnh nhân mắc bệnh phong trước khi những người này được chính quyền địa phương và Nhà nước chuyển về trung tâm chăm sóc người già ở huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trại phong còn lại bảy người, sau đó, sáu người được con cái đón về nuôi. Chỉ riêng bà Sợi một mình ở lại.
Đôi bàn tay bị căn bệnh quái ác đã trở nên không còn lành lặn |
Bà Sợi kể, bà là một trong những người đầu tiên đến chữa trị bệnh phong. Sinh ra thiếu tình thương cha mẹ, thời chiến càng khiến bà gặp nhiều vất vả hơn. May mắn, bà được một gia đình cách mạng nhận làm con nuôi.
Bà Sợi nhớ lại, hồi ấy sau buổi đi cấy về, rét quá phải ngồi hơ chân tay trên bếp lửa mà không thấy nóng, rồi bị bỏng khắp người, lớp da căng phồng võng nước. Lúc đó, bà đã biết mình mắc bệnh phong. Sợ người ta biết mình mắc bệnh quái ác nên bà đã lấy que chọc các vết bỏng cho vỡ ra, thế rồi đi làm đồng bùn đất dính vào các vết bỏng làm chân tay bị nhiễm trùng.
Một góc trại phong Đá Bạc |
Thời ấy, những người mắc bệnh phong đều sợ vì chưa có thuốc chữa, rồi dân làng kỳ thị vì sợ người mắc bệnh sẽ làm ô nhiễm nguồn nước khiến người khác cũng bị lây nhiễm theo. Thế nên, người bệnh đi đến đâu đều bị xua đuổi đến đó.
Vào khoảng năm 1967, một đoàn y bác sĩ về thôn bà đang sinh sống làm xét nghiệm và tuyên truyền về bệnh phong. Sau các bước xét nghiệm, bác sĩ kết luận bà mắc bệnh và làm thủ tục đưa bà về trại phong Đá Bạc.
Trại phong Đá Bạc, nơi bà Sợi sinh sống hơn 50 năm |
56 năm đã qua đi, với bà Sợi, những kỷ niệm đã qua trở thành vết sẹo tâm hồn. Hơn nửa thế kỷ sống ở trại phong Đá Bạc, bà Sợi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi bà là một trong những người đầu tiên đến và bây giờ lại là người cuối cùng bám trụ nơi này.
“Hồi xe chở tôi đến trại phong, các dãy nhà mới xây dựng chưa có bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân từ nhiều nơi được đưa về đây đã giúp những con người cùng khổ sát lại gần nhau hơn. Thời điểm đông bệnh nhân, trại phong Đá Bạc có khoảng 150 người sinh sống”, bà Sợi cho biết.
Những dãy nhà cũ kỹ tại trại phong |
Hiện những dãy nhà đã xuống cấp, cây cối đã mọc um tùm. Một số phòng được trưng dụng làm chuồng gia cầm, còn lại đều cửa đóng then cài. Tuy là người cuối cùng còn ở lại trại nhưng bà Sợi vẫn được cán bộ quản lý chăm lo, gửi chế độ sinh hoạt phí và cùng dọn dẹp xung quanh trại.
Trong thời gian ở trại phong, bà đã tích cực điều trị theo hướng dẫn của các cán bộ y tế, bệnh tình thuyên giảm hơn nhiều. Những vết sẹo ngứa trên da đã không còn khiến bà đau đớn và khó chịu nữa.
Bà Sợi cùng chú chó Bun |
Đàn gà 8 con bà chăm sóc mỗi ngày... |
... và luống rau để duy trì cuộc sống |
Ở tuổi xế chiều, bà Sợi chẳng sợ bệnh tật, không sợ chết nữa. Bà làm bạn với Bun - một con chó đã nuôi 7 năm, chăm sóc 6 con mèo, một đàn gà.
Hơn 50 năm qua đi, những người bị bệnh phong cũng đã không còn phải chịu cảnh bị người đời xa lánh. Chế độ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đã giúp bà dần ổn định hơn trong cuộc sống.
Dù một mình với những bữa cơm buồn tẻ buổi xế chiều nhưng bà vẫn luôn suy nghĩ tích cực với cuộc sống |
Bà kể lại: “Thỉnh thoảng vẫn có một vài người lạ biết tin bà sống một mình nên tìm đến thăm, trò chuyện, giúp đỡ”.
Cuộc sống tuy khó khăn nhưng với bà Sợi, còn sức khỏe, còn được ngắm nhìn trời đất, nghe tiếng chuông chùa trên núi và sống bình yên là thanh thản tâm hồn.