Người dân, doanh nghiệp cần quan tâm sử dụng dịch vụ công
Người dân tìm hiểu Dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG |
Doanh nghiệp được gỡ khó
Giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tập trung tích hợp các dịch vụ công như: Đổi giấy phép lái xe; Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; Thông báo hoạt động khuyến mại; Đăng ký hoạt động khuyến mại; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; nhóm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (19 thủ tục hành chính)…
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính công trong việc làm ăn và trong cuộc sống trở nên thiết thực, hữu ích đối với doanh nghiệp và người dân
Chị Nguyễn Thị Minh làm kế toán được 10 năm tại một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán tại quận Long Biên cho biết, trong suốt quãng thời gian công tác của mình, điều ấn tượng nhất là tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. “Trước đây, một tháng chúng tôi đều phải ra Chi cục Thuế, Hải quan… rất nhiều lần để làm thủ tục cho các khách hàng. Tuy nhiên, từ ngày thông qua Cổng DVCQG, chúng tôi giảm thiểu rất nhiều thời gian và sự vất vả.
Khi bắt đầu nghe về Cổng DVCQG tôi cũng ngại ngần lắm vì lười thay đổi và lo lắng về trình độ tin học của mình. Tuy nhiên khi tìm hiểu các công ty khác thấy mọi người đã thực hiện và hết sức khen ngợi ứng dụng này. Nhìn và đánh giá thì khó nhưng khi trực tiếp vào làm thấy mọi thứ đều không khó như mình nghĩ, hướng dẫn trên cổng dễ hiểu…, từ đó tôi chỉ cần ngồi nhà kê khai và chuyển khoản. Mọi thứ đều trở nên nhàn hạ hơn, tôi còn nhiều thời gian rảnh rỗi, không chạy cả ngày bên ngoài như trước nữa”.
Được biết, thời gian vừa qua, các chỉ tiêu liên quan đến thực hiện Chính phủ điện tử của Tổng cục Hải Quan, Tổng cục Thuế đều vượt cao so với mục tiêu đã đề ra.
Đến nay, 99,9% doanh nghiệp khai báo thủ tục hải quan điện tử qua Hệ thống VACCCS (Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia). Đối với thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, 100% doanh nghiệp được truy cập và xác thực qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tạo tài khoản và sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia - kênh giao tiếp chủ yếu trong các giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung ứng dịch vụ công để được hưởng những quyền, lợi ích và các tiện ích do Cổng DVCQG mang lại.
Cổng DVCQG - quyền lợi cho mọi người
Có thể nói, để Cổng DVCQG vận hành thông suốt, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, rất cần sự chung tay không chỉ của các cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mà quan trọng hơn là sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng, cũng là người trực tiếp sử dụng hệ thống.
Con số nêu trên của ngành Hải quan, Thuế cho thấy sự cố gắng nỗ lực của các đơn này và sự tin tưởng sử dụng Cổng DVCQG của người dân và doanh nghiệp.
Là một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, anh Nguyễn Văn Huy, đại diện công ty Xuất nhập khẩu, đầu tư cho biết: “Công tác cải cách hiện đại hóa trong khâu thu nộp thuế, mở rộng thanh toán điện tử, nâng cấp chương trình doanh nghiệp (DN) nhờ thu, đặc biệt là niêm yết điều kiện và quy trình thực hiện chương trình DN nhờ thu tại nơi làm thủ tục hải quan, trụ sở các cơ quan Hải quan rất minh bạch, khách quan. DN hoàn toàn chủ động không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Việc nộp thuế, thanh toán trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của DN và công chức hải quan. Đồng thời, rút ngắn thời gian xử lý so với nộp thuế điện tử 24/7, thông quan hàng hóa”.
Ở góc độ là một người dân, anh Đinh Ngọc Đăng ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang xây nhà, công việc rất bận rộn, vì thế tranh thủ lúc nghỉ trưa, ngồi ở cơ quan, tôi vào Cổng DVCQG để đăng ký cấp mới điện, chỉ mất gần 10 phút tôi đã kê khai xong và gửi đi. Chỉ từ 3 hôm đã có người liên hệ với tôi để cấp điện rồi. Mong rằng mọi thủ tục hành chính sẽ được kết nối qua Cổng DVCQG để người dân được thuận tiện, doanh nghiệp đỡ vất vả.
Điều quan trọng là tất cả đều minh bạch khi thủ tục được đăng ký qua Cổng DVCQG. Chính phủ sẽ giám sát các hoạt động, vì thế tiến trình thực hiện sẽ được đẩy nhanh các khâu, sẽ không còn việc nhũng nhiễu, “đi cửa sau” để được làm nhanh như nhiều ngành trước đây”.
Chỉ tính riêng lĩnh vực thanh toán trực tuyến, được triển khai từ tháng 3/2020, đến ngày 7/9/2020, đã có hơn 11.000 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7, 8/2020 khoảng 4.000 giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng. Như vậy, thủ tục thanh toán trực tuyến ngày càng tốt hơn, đây là việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp . Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là sự cố gắng lớn của Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại khác để phục vụ người dân, DN. Năm 2020, mục tiêu đặt ra là cung cấp 30% dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng DVCQG, vì vậy vấn đề thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG để tạo thuận lợi cho người sử dụng là rất quan trọng.
|
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |