Cục An toàn thực phẩm: Minh bạch, hiệu quả từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 |
“Một cửa” luôn luôn thông suốt tại Cục An toàn thực phẩm
Trước đây, công tác thẩm xét hồ sơ về lĩnh vực an toàn thực phẩm được thực hiện theo cách truyền thống, Với các xử lý hồ sơ này, Cục ATTP gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu trữ hàng chục nghìn bộ hồ sơ mỗi năm, tra cứu, thống kê hồ sơ các sản phẩm thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới bị động trong công tác chỉ đạo điều hành, cảnh báo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong những năm qua đã được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính công trong lĩnh vực cấp phép về an toàn thực phẩm, trong đó xác định công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất trong việc thay đổi lề lối làm việc từ thủ công sang làm việc trên môi trường mạng hướng đến chính quyền điện tử góp phần đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính tối đa cho doanh nghiệp.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2014, đơn vị đã triển khai cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; từ ngày 9/9/2014, cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và từ 17/12/2014, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.
Dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số điện tử, văn bản được cấp phép qua mạng vẫn giữ nguyên tính chất của giấy phép thông thường, có tính bảo mật và được ban cơ yếu chính phủ cấp nên vẫn đảm bảo tính pháp lý của văn bản.
Lệ phí mà doanh nghiệp nộp cũng nộp qua ngân hàng chứ không đến trực tiếp cơ quan quản lý để nộp như trước đây.
Thời hạn tối đa từ khi nhận hồ sơ đến khi trả hồ sơ cấp giấy phép quảng cáo thực phẩm là 10 ngày. Nếu quá 10 ngày, hồ sơ của doanh nghiệp trên mạng sẽ thể hiện ở trạng thái quá hạn. Khi đó, cơ quan quản lý phải giải trình với doanh nghiệp.
Ưu điểm khi sử dụng dịch vụ công truyền thông đối với doanh nghiệp là đã tiết kiệm được tiền bạc, thời gian và công sức khi thực hiện xin giấy phép tại cơ quan quản lý. Ngoài ra, còn rất tiện lợi khi đến bất cứ địa điểm nào cũng đều có thể nộp hồ sơ được.
Chia sẻ về những lợi ích khi ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong cấp hồ sơ, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Khi sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp chỉ cần 4 bước để hoàn thành một hồ sơ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó gồm việc khai báo hồ sơ qua mạng, nộp phí thẩm định xét duyệt hồ sơ, chờ kết quả thẩm xét và cuối cùng là nhận kết quả bằng bản điện tử.
Hình thức giao dịch văn minh, hiện đại, minh bạch
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, đây là hình thức dịch vụ công văn minh, hiện đại, minh bạch, mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp như: Dịch vụ tiện lợi - không mất thời gian - không tốn công sức - tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi.
Về phía nhà quản lý bảo đảm được tính công khai, minh bạch, thao tác trong việc cấp giấy chứng nhận trực tuyến bằng cách cán bộ Cục ATTP và cán bộ các Chi cục ATTP tại các địa phương chỉ cần đăng nhập vào hệ thống để tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ không phải tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp.
Hơn nữa, cán bộ quản lý và chuyên viên xử lý có thể theo dõi hồ sơ tại bất kỳ bước xử lý nào, tình trạng nào giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ. Nhà quản lý không phải lưu hồ sơ giấy, mất chi phí thuê kho lưu hồ sơ như trước, thuận tiện trong việc tra cứu các giấy xác nhận đã được cấp.
Tháng 6/2019, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Cục ATTP đã phối hợp tích cực với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng hệ thống báo cáo trực tuyến ATTP ngành Y tế từ cấp xã đến Trung ương bao gồm: Hệ thống báo cáo ngộ độc thực phẩm, Hệ thống báo cáo Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Hệ thống báo cáo công tác an toàn thực phẩm (quý, năm)…
Hiện tại, hệ thống này đã được chuyển giao cho Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cùng xây dựng hoàn thiện. Dự kiến, sau khi hoàn thiện sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin an toàn thực phẩm với sự tham gia của người dân doanh nghiệp và cơ quan quản lý qua hệ thống phần mềm.
Kết quả được công khai trên phần mềm do đó có thể tiếp cận và các cơ quan cần thông tin có thể kiểm tra qua mạng. Cải cách hành chính là nền tảng để phát triển bền vững với sự quản lý nhà nước và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt trong lĩnh vực Y tế gắn liền với vấn đề sức khỏe, sinh mạng của nhân dân, cải cách hành chính vẫn là điểm nóng được lãnh đạo đầu ngành quan tâm và triển khai hiệu quả. Kết quả trên có được từ sự quyết tâm, thống nhất một lòng từ người đứng đầu đến từng cán bộ, công nhân, viên chức Cục an toàn thực phẩm nhằm hướng đến một bộ máy hành chính hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
* “Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”. |