Người dân Thủ đô bình tĩnh mua sắm, nguồn cung hàng hóa dồi dào
Hà Nội: Hàng hóa đủ dùng trong 3 tháng, người dân không nên đổ xô đi mua tích trữ |
Siêu thị đầy ắp kệ hàng, chợ truyền thống sức mua ổn định
Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố chiều 19/7 cho thấy, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đẩy mạnh bán hàng online và qua kênh thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho việc mua sắm của người dân.
Tại chợ X22 (Long Biên, Hà Nội) chiều 19/7, các quầy hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, nguồn cung dồi dào. Không có cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Còn tại các quầy hàng tiêu dùng không thiết yếu được các tiểu thương đóng cửa và thực hiện nghiêm theo Công điện 15 của UBND TP Hà Nội.
Là người tiêu dùng mua hàng tại chợ X22, chị Doãn Thị Hiền cho biết: “Hôm qua, đọc thông tin về công điện mới của thành phố, mọi người rủ đi mua nhiều đồ dự trữ để hạn chế ra đường. Tuy nhiên, tôi thích ăn đồ tươi nên chỉ mua lượng vừa đủ dùng trong ngày. Các đợt dịch trước tâm lý lo lắng nên hay đi mua nhiều tích trữ. Qua hơn một năm chống chọi với dịch bệnh, tôi tin tưởng vào sự chỉ đạo của Nhà nước, cũng không sợ thiếu thực phẩm nên cứ bình tĩnh mua sắm thôi”.
Theo chị Hiền, giá cả các mặt hàng hôm nay không tăng so với những ngày trước, thậm chí một số loại rau còn rẻ hơn. Riêng trứng gà thì tăng nhẹ, trước mua 30 nghìn đồng/10 quả, nay tăng lên 35 nghìn đồng.
Chị Trần Thị Nhiên, tiểu thương tại chợ Sài Đồng (Long Biên) cho biết, hàng tại chợ đầu mối vẫn rất dồi dào, không có gì thay đổi. Chỉ có một số loại để được lâu như bí xanh, bí đỏ, trứng… tăng giá nhẹ do họ vận chuyển vào miền Nam.
Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định |
Ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích lượng người mua có tăng lên. Như tại siêu thị BigC Long Biên, VinMart, Aeon Long Biên, Coop mart… sáng nay lượng người tới mua sắm có tăng hơn. Khá đông người mua số lượng hàng nhiều hơn thường ngày để giảm số lần đi chợ nhưng không có hiện tượng mua tích trữ.
Nhìn chung, hàng hóa tại các siêu thị đầy ắp, nhân viên liên tục bổ sung hàng mới. Giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 12.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg… Một số mặt hàng như sữa tươi, nước mắm, gạo... đang được một số siêu thị giảm giá.
Quầy hàng tại siêu thị Aeon Long Biên luôn đầy ắp |
Tại siêu thị Big C Thăng Long, tất cả khách hàng đến siêu thị phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và xịt khuẩn tay trước khi vào. Ở tầng 1 của Big C Thăng Long, các gian hàng thời trang cao cấp: Quần áo, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm, đồ chơi, khu vực vui chơi cho trẻ em đều căng phủ bạt kín, không hoạt động do đây không phải là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, phải đóng cửa để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo đại diện của Vinmart, sáng nay, các siêu thị Vinmart và Vinmart+ trên toàn hệ thống đã bổ sung đầy đủ hàng hóa, không còn tình trạng kệ hàng “sạch bách” như tối hôm qua (18/7). Các mặt hàng được bổ sung nhiều là rau xanh, thịt lợn, thủy hải sản… Giá cả ổn định. Siêu thị đón lượng khách đến mua hàng tăng nhẹ so với ngày thường.
Lượng người mua sắm tại siêu thị không quá đông |
Ghi nhận tại các chợ và siêu thị, người bán và người mua đều đeo khẩu trang phòng dịch. Tuy các siêu thị, cửa hàng tiện ích nhắc nhở người mua giãn cách nhưng người mua vẫn chưa giữ đúng khoảng cách theo quy định, nhất là tại khu vực thanh toán.
Người dân yên tâm mua sắm
Trước lo lắng của người tiêu dùng về việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường về phòng, chống dịch, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường và cam kết không tăng giá trong thời điểm này.
Cụ thể, ngành Công thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…
Hàng hóa đầy ắp tại các chợ dân sinh ở Hà Nội |
Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hỗ trợ kết nối tiêu thụ gần 200.000 tấn nông sản, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Nam. Thành phố cũng chỉ đạo các quận nội thành thống nhất, lựa chọn 24 điểm để giới thiệu các tỉnh, thành phố tổ chức Điểm bán nông sản mùa vụ các tỉnh, thành phố tại Hà Nội.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, ngoài 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán lưu động khi cần thiết.
Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối trong bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi mua sắm tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; Phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.
Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.