Người lao động được giải đáp chính sách tiền lương, bảo hiểm
Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024; hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đối thoại cũng nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động.
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến do báo Lao động Thủ đô phối hợp tổ chức |
Dự sự kiện có các đồng chí: Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố; Lâm Quang Thao - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm; Đỗ Thiện Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Nam Từ Liêm; Lê Thị Kim Điệp, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm; các đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình và Đinh Tuấn Anh. Đặc biệt, tham dự buổi đối thoại có hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quận Nam Từ Liêm.
Toàn cảnh buổi Đối thoại - giao lưu |
Tham gia buổi đối thoại và trả lời các câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia: Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân; Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn).
Nhà báo Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại |
Phát biểu khai mạc, nhà báo Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Mỗi năm, Báo Lao động Thủ đô đều phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức hàng chục buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông về chính sách pháp luật và các kiến thức, nội dung liên quan thiết thực tới người lao động.
Đối với quận Nam Từ Liêm, Báo Lao động Thủ đô đã nhiều lần phối hợp tổ chức chương trình này. Điều này cho thấy, nhu cầu tiếp cận thông tin của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động luôn rất cao, thường xuyên, liên tục.
Thực tế, các quy định của pháp luật, trong đó có luật lao động, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các quy định, chính sách mới về tiền lương, các kỹ năng an toàn vệ sinh lao động dành cho người lao động thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Đây cũng là lý do Ban tổ chức lựa chọn chủ đề “Những điểm mới về tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động” cho buổi đối thoại - giao lưu trực tuyến hôm nay.
Nhà báo Đinh Tuấn Anh cho biết: "Tham gia đối thoại là các chuyên gia, những người rất am hiểu về các chính sách, pháp luật liên quan tới người lao động. Chúng tôi mong rằng, các đoàn viên, CNVCLĐ tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình".
Các đồng chí Lãnh đạo LĐLĐ thành phố, Hội nhà báo Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tặng hoa chuyên gia |
Chuyên gia sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà người lao động quan tâm, thông qua qua đó giúp đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động cập nhật những kiến thức mới về tiền lương, BHXH cũng như các chính sách liên quan đến an toàn lao động.
Đặt câu hỏi với các chuyên gia, nhiều người lao động đã hỏi các chuyên gia về lương mới khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ 1/7/2024 như: Chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ độc hại, bảo hiểm y tế, thai sản…
Các chuyên gia tham gia chương trình |
Trả lời câu hỏi của chị Nguyễn Thị Tuyết Hương, Công đoàn Trường Mầm non Trung Văn hỏi về việc từ 1/7/2024, mức tăng lương tối thiểu vùng thấp nhất là bao nhiêu theo dự kiến? Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân cho biết: "Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, theo thông tin gần đây nhất chúng tôi nắm được Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp với đại diện của 3 bên là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Tổng LĐLĐ Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chốt phương án kiến nghị với Chỉnh phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% so với hiện nay từ ngày 1/7/2024".
Hiện tại Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38 về mức điều chỉnh, dự kiến mức điều chỉnh tăng 6% so với mức hiện tại. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 - 280.000 đồng/tháng, chẳng hạn, tiền lương tối thiểu vùng 1 đang từ 4.680.000 sẽ lên 4.960.000 đồng.
Đoàn viên Công đoàn quận Nam Từ Liêm đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Trả lời câu hỏi về mức đóng bảo hiểm y tế thay đổi như thế nào từ 1/7/2024 của chị Phạm Ly Tân, Trường Tiểu học Mỹ Đình 2, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết: Tỷ lệ mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi, tuỳ thuộc thay đổi mức lương tối thiểu vùng. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đóng 4,5% tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định, trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%, còn người lao động đóng 1,5%. Do đó, mức đóng bảo hiểm y tế của nhóm này phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, chỉ thay đổi khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi.
Sau hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, nhiều câu hỏi sôi nổi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan đến các chính sách tiền lương, chế độ BHXH, công tác an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là cách tính lương mới năm 2024 được các chuyên gia phân tích, giải đáp cụ thể, qua đó giúp đoàn viên công đoàn, người lao động áp dụng vào đặc thù công việc…