Sát cánh, thiết thực chăm lo cho người lao động
Xây dựng môi trường sống an toàn cho công nhân Không được ép buộc người lao động đi làm thêm trong dịp nghỉ lễ Bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Tổ chức thành đợt cao điểm
Hà Nội hiện có khoảng 270.000 doanh nghiệp với trên 2,7 triệu lao động. Thời gian qua, các đơn vị, Sở, ngành cùng các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua các hoạt động tổ chức “Tết sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết, “Mái ấm công đoàn”…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW |
Ngay trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 (từ ngày 1 - 31/5/2024), TP sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như trưng bày ảnh tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phong trào công nhân lao động Thủ đô; khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác an toàn, vệ sinh lao động; trao quà cho 100 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 100 phần quà cho các cháu là con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức cho biết, tại lễ phát động còn có 150 - 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí do Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm thực hiện; hàng trăm người lao động được tư vấn pháp luật ngay sau lễ phát động...
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc rà soát số lượng đoàn viên, người lao động để có những hoạt động chăm lo thiết thực, hiệu quả nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.
Với mức 1 triệu đồng/người, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 2.000 người. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ nguồn lực tài chính hiện có và điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch chăm lo cho đoàn viên, người lao động đảm bảo thiết thực, phù hợp.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã ký quyết định công nhận danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" năm 2024 cho 100 công nhân xuất sắc. Bên cạnh việc tặng bằng công nhận danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô", Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thưởng mỗi công nhân giỏi 2 triệu đồng.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
Không chỉ tích cực triển khai các hoạt động, những năm qua, hệ thống pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động không ngừng được TP Hà Nội bổ sung, sửa đổi để chăm lo cho đời sống công nhân, người lao động. Điển hình như kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh tặng quà cho đình công nhân khó khăn |
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp được Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Trong 15 năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã giới thiệu trên 117.700 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; đã có gần 101.700 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó có 12% đoàn viên thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được kết nạp Đảng).
Các chương trình chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động luôn được duy trì hiệu quả. Từ nguồn “Quỹ xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Thu nhập của công nhân lao động đều tăng qua các năm. Tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2023 đã tăng lên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được TP quan tâm đầu tư như: Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Ðông Anh), có diện tích 20ha đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; dự án nhà ở tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, các khu công nghiệp Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa...
Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có trên 2.700 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và gần 100 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của công nhân lao động. Các ý kiến, kiến nghị cũng đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời giải đáp tại hội nghị. Chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngày một nâng cao; các quy định của pháp luật với các điều khoản cụ thể thiết thực, có lợi hơn cho người lao động được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Công nhân lao động quận Đống Đa, TP Hà Nội tham gia “Gian hàng 0 đồng” |
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu mong muốn Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu trong xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại và đề nghị, thời gian tới Hà Nội tiếp tục chia sẻ, ủng hộ để tổ chức Công đoàn tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, TP quan tâm đào tạo cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn; quan tâm vấn đề “trí thức hóa” công nhân, giúp người lao động nâng cao kỹ năng, trình độ để có việc làm bền vững.
Khẳng định rõ về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tập trung đánh giá kỹ những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng công nhân lao động trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; phê chuẩn nhiều Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với những lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm, điều kiện làm việc của công nhân lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động; chủ động xây dựng các báo cáo đánh giá, nghiên cứu nhằm dự báo được những vấn đề mới phát sinh liên quan đến Công đoàn, công nhân lao động trong tình hình mới.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chủ động, mạnh dạn hơn trong tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND về quy hoạch, đầu tư các thiết chế cho người lao động, công nhân. Cụ thể, trước khi xây dựng các khu công nghiệp phải hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, hạ tầng... để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp, theo hướng sát thực tiễn, gắn bó hơn với người lao động, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa giới chủ và người lao động nhằm bảo vệ quyền của người lao động tốt hơn.