Người trẻ dịch chuyển… đi bao lâu thì đủ?
Hành trình 1.111 ngày Đăng Khoa đi khắp thế giới bằng xe máy |
Người trẻ dịch chuyển, đi bao nhiêu lâu thì đủ? Trải nghiệm đến bao giờ mới xong? Chẳng có câu trả lời chung nhất cho mỗi người. Mỗi người phải tự tìm cho mình đáp án trả lời chuẩn, thì cuộc đời mới an nhiên. Lúc sinh thời còn rất trẻ, tuổi hai mươi thôi, nhà văn Nguyễn Tuân đã hết lòng cổ xúy cho “chủ nghĩa xê dịch”. Xê dịch cũng đồng nghĩa với dịch chuyển. Với Nguyễn Tuân, xê dịch là chuyển đổi vị trí địa lý, là thay đổi cảm giác, là quay lưng với hình ảnh, màu sắc và âm thanh cũ mòn, là chối từ đời sống trầm ổn. Ông đi dọc ngang đất nước, đi cả Đông dương chỉ với khát khao chinh phục, khám phá, tìm kiếm cái độc đáo, mới mẻ. Ông ăn nằm ở ga Thanh Hóa hàng tuần chỉ để khám phá cái ống khói tầu hỏa vận hành. Ông ăn chực nằm chờ ở khu vực vĩ tuyến 17 hàng tháng chỉ để quan sát đồn bốt, đếm các thanh ván cầu Hiền Lương... Tôi đồ rằng: Với con người xê dịch Nguyễn Tuân mà sống thời trẻ bây giờ, chắc chắn ông cũng sẽ đi “năm châu bốn biển” khám phá thế giới.
Cách đây gần chục năm, có một bạn trẻ tên là... Huyền “chíp” trong 3 năm đã kịp đi gần 30 nước. Còn bây giờ, cô đang là sinh viên đại học Stanford nước Mỹ. Có thể Huyền “chíp” đã có đáp án cho câu trả lời: “đi bao lâu là đủ?”. Còn bây giờ là Trần Đặng Đăng Khoa. Chẳng biết chàng trai trẻ đã có câu trả lời cho riêng mình sau khi hoàn thành chuyến đi “vòng quanh thế giới” ấy chưa. Chỉ biết rằng: Mỗi hành trình có cái gian truân, khó khăn, thuận lợi khác nhau, nhưng hành trình của anh dài hơn, lâu hơn, đi nhiều quốc gia hơn nữ phượt thủ Huyền “chíp”.
Có thể điểm qua một số điểm mốc ấn tượng trong hành trình khám phá thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa là: Ngày 1 tháng 6 năm 2017 xe máy của Khoa lăn bánh qua cửa khẩu Mộc Bài – Tây Ninh. Ngày 2 tháng 6, anh đã đắm chìm vào những huyền thoại Ăng ko của đất nước Căm Pu Chia. Ngày 11/9 đến xứ sở hoa hồng Bulgari của một châu Âu già cỗi. Ngày 28/10 đứng dưới chân tháp Effel ở thủ đô Paris nước Pháp nhìn lá phong đỏ bời bời. Ngày 18.11 đã đến Chile Nam Mỹ. Tháng 7/2018 kết thúc hành trình tung hoành ngang dọc Nam Mỹ. Ngày 1/1/2019 đón Tết dương lịch ở thủ đô Berlin - Liên bang Đức. Ngày 2.1.2019 bay về lại Canada, rồi trở lại nước Mỹ. Ngày 10/6 rời Mỹ xuống đi Trung Mỹ đến Mexico, Cuba hút thuốc xì gà Lahabana, rồi lại đến các nước Nam Mỹ. Ngày 14/7 bay từ Chile sang Úc đi NewZeadiland, sau đó về lại Úc, sang Tây Úc đi Preth. Ngày 15/12 bay từ Úc đi Chile xuống Punta Arenas. Ngày 8/12 ngồi tầu biển xuống Nam Cực. Ngày 19/12 bay qua châu Phi đón Tết Dương lịch ở Tanzania, sau đấy đón Tết âm lịch ở Madagascar. Ngày 24/3 đến Mozambique và bị kẹt tại đây gần 3 tháng bởi đại dịch virus Covid 19. Ngày 15/6 đi buyt sang Nam Phi và bay về Việt Nam. Ngày 16/6, phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa 33 tuổi kết thúc cuộc hành trình độc đáo lạ lùng kéo dài... 3 năm.
Người trẻ với những khát khao chân trời mới lạ, nhiều người muốn đi xa, cần đi xa, muốn ra ngoài biên giới tổ quốc. Nhưng, đến tuổi nào thì đi? Đi trong thời gian bao lâu? Đi như thế nào? Hẳn rằng không dễ trả lời bởi dù có chân trời tự do bao nhiêu, bản thân mỗi người cũng chứa đựng sẵn tính ổn định, cố định, và phải sống trong nhiều mối quan hệ giằng dịt, chẳng hạn không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con mình bay trên đôi cánh đến những nơi quá xa lạ. Người trẻ như Huyền “chíp”, như Trần Đặng Đăng Khoa không những có ý chí mãnh liệt, có khao khát chinh phục, khám phá, mà còn phải tự tin bay trên đôi cánh tự do của mình. Làm được điều này, có thể nói là không nhiều người.
Trần Đặng Đăng Khoa đến 65 nước, Huyền “chíp” đến gần 30 quốc gia trong 3 năm! Vậy, có bạn trẻ nào dám bỏ ra 3 tháng đi hết 63 tỉnh thành ở Việt Nam? Câu trả lời là có, nhưng rất ít. “Theo tổng kết của Đăng Khoa, anh đã đi qua chặng đường khoảng 80.000km (gần gấp hai lần chu vi trái đất), qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần. Anh đi từ những nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo hơn ở châu Phi, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương. Anh đến những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard sát Bắc Cực, xuống "nơi tận cùng thế giới" ở Patagonia rồi đi tàu xuống châu Nam Cực”.
Có câu danh ngôn mới là: “Hãy kể cho tôi biết những chặng đường anh đi, tôi sẽ nói anh là người thế nào”. Người ta đi như thế nào và ở ra sao cũng có thể phản ánh được một phần lớn phẩm chất của họ. Người chỉ quẩn quanh bên bờ ao nhà mình, suốt đời không ra khỏi huyện nhà, mà lại không chịu đọc không chịu nhìn thì chắc chắn suy nghĩ và cái nhìn cũng chỉ làng xã. Người ôm mộng rời khỏi làng, đi “năm châu bốn biển”, bước chân không mỏi, học hỏi khôn cùng thì đẳng cấp trí tuệ, tư duy vượt trội, tầm nhìn bao quát.
Vô vàn khó khăn đến với Trần Đặng Đăng Khoa trên hành trình gian lao, vất vả nhưng cũng đầy thú vị, khám phá và sáng tạo. Ví dụ: “cũng có những lúc tâm trạng, nỗi cô đơn choán lấy mình; những chuyện lặt vặt như rớt đồ, bị quỵt tiền, bị cướp... Nhưng tất cả những chuyện buồn này tôi cố gắng kiểm soát để không ảnh hưởng nhiều tới chuyến đi của mình.” Anh có cách đi của riêng mình. Nó không giống với mọi sự phổ biến, thông thường. Đó là lựa chọn đầy cá tính. Lựa chọn cái thuộc về mình, chứ không lựa chọn cái của người khác: “Trong các chuyến đi, tôi không chỉ muốn ngắm nhìn tháp Eiffel, tháp nghiêng Pisa, tượng Nữ thần tự do, cảnh núi non hùng vĩ... mà tôi muốn quan sát nhiều hơn về con người, văn hóa, các mối quan hệ xã hội ở những nơi mình đến. Tôi không thích những chuyến du lịch bay tới bay về, nó sẽ không cho mình nhiều cảm xúc, không cho mình có thể thấy được sự chuyển biến của xã hội, không biết địa chính trị của thế giới thế nào... Hành trình bằng xe máy đi khắp thế giới cho tôi những trải nghiệm vô giá đó.”
Thực ra, chinh phục, khám phá thế giới trước đây đã có nhiều người khổng lồ. Nhà thám hiểm Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, hay nhà thám hiểm Ferdinand Magellan đi vòng quanh quả đất đều là người có ý chí mãnh liệt, khao khát chân trời mới. Nhà thám hiểm Trịnh Hòa như là niềm tự hào của người phương Đông về khoa học thám hiểm, đã từng viết: “Chúng tôi đã vượt qua hơn 100.000 lý (50.000 km) các vùng nước mênh mông và ngắm nhìn thấy trên đại dương các con sóng khổng lồ tương tự như các trái núi sừng sững ở phía chân trời, và chúng tôi đã ngắm nhìn các khu vực hoang dã ẩn xa trong làn sương khói màu xanh lam, trong khi các con thuyền của chúng tôi, kiêu ngạo giương cánh buồm giống như các đám mây ngày và đêm, vẫn tiếp tục cuộc hành trình của chúng (rất nhanh) giống như các vì sao, vượt qua các con sóng hung dữ này như thể là chúng tôi đang đi trên một con đường lớn...”. Như vậy, chắc chắn lãng mạn còn là một tiêu chuẩn làm nên phẩm chất nhà thám hiểm. Tôi đồ rằng Huyền “chíp”, Trần Đặng Đăng Khoa cũng có phẩm chất lãng mạn thám hiểm này. Chỉ ngắm nhìn các bức ảnh dọc đường đi của Khoa với núi non cao, với biển mênh mông, với chim cánh cụt, với kì quan hùng vĩ... thì biết anh lãng mạn đến mức nào.
Đi không chỉ là ngắm nhìn, là thụ hưởng theo cách du lịch. Mà đi, là học, là trải nghiệm. Trần Đặng Đăng Khoa nói rằng: “Tôi nhận ra rằng nhiều khi mình đừng e ngại nhận sự giúp đỡ của người khác mà cứ vui vẻ nhận lấy khi cần, và sau đó mình giúp lại người khác như một cách để nhận lấy niềm vui cho mình, cho mọi người”. Chắc chắn sau mỗi chuyến đi đều có thu hoạch. Huyền “chíp” ít ra đã nhìn thấy bộ sách “Xách ba lô lên và đi” với hai tập: “Châu Á là nhà. Đừng khóc”, và “Đừng chết ở châu Phi”. Còn Trần Đặng Đăng Khoa cũng ấp ủ dự định viết 1 quyển sách dày về chuyến đi của mình. Nhưng, có lẽ điều lớn hơn, sâu sắc hơn là sau hành trình dằng dặc ấy, họ nhận ra thế giới, và họ nhận ra chính bản thân mình.
Trần Đặng Đăng Khoa không áp đặt suy nghĩ, ý chí của mình cho người thân, càng không định khuyên nhủ các bạn trẻ làm theo anh. Bởi mỗi hành trình khám phá, chinh phục đầy bất ngờ, bí ẩn, lãng mạn và đẹp đẽ bao nhiêu thì cũng từng ấy gian truân, khó khăn, nguy hiểm, thử thách cả bằng tính mạng. Chọn lựa, ấn định đích đến thuộc về trí khôn, trí tuệ của mỗi người. Tuy nhiên, đời người dù ngắn hay dài, dù giàu hay nghèo, thì cũng cần phải... đi. Người này đi dài, người kia đi ngắn, nhưng dứt khoát phải đi, phải dịch chuyển trong điều kiện phù hợp và cho phép mới đóng góp được nhiều cho tổ quốc, mới làm giàu vật chất, tinh thần cho bản thân mình.
Người trẻ Việt Nam, nhiều người không phải là không có tiền, không có ước mơ, khao khát, hay không muốn đi, mà chỉ vì không có ý chí mà thôi.