Người trẻ kiểm soát chi tiêu, phòng ngừa “cháy túi”
![]() |
Người trẻ “vung tiền” sau Tết
Sau những ngày nghỉ Tết, lại đến dịp lễ tình nhân, nhiều bạn trẻ cảm thấy cần phải làm mới bản thân. Họ tận dụng thời điểm này để mua sắm những bộ quần áo mới, phụ kiện thời trang hay những sản phẩm công nghệ hiện đại. Nhiều bạn trẻ cũng không ngần ngại đầu tư vào các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng hay laptop mới. Bên cạnh đó, dịp lễ tình nhân, nhiều người cũng đã rất cầu kỳ để tìm quà tặng độc, lạ cho nửa kia của mình… Với những khoản chi phí này, nhiều bạn trẻ mới đến giữa tháng đã có nguy cơ “cháy túi”.
Bạn Đinh Lê Anh Tuấn, sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, việc đi cafe với bạn, mua sắm cho bản thân, tặng quà cho bạn gái dịp lễ tình nhân… hiện tại tôi sắp “cháy túi”. Để duy trì cuộc sống từ đây đến cuối tháng, tôi sẽ phải thiết lập lại chi tiêu, tiết kiệm ăn uống và đi lại…”.
![]() |
Đầu năm mới, bạn Đào Anh Tuấn, một lập trình viên mua sắm đồ công nghệ để phục vụ công việc và sở thích của bản thân |
Bạn Đào Anh Tuấn, một lập trình viên 25 tuổi, cho biết: “Tôi vừa mua một chiếc laptop mới để phục vụ cho công việc và sở thích. Sau Tết, tôi cảm thấy đây là thời điểm tốt để đầu tư vào những thứ cần thiết. Việc sở hữu công nghệ mới không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn giúp tôi nâng cao hiệu suất làm việc và học tập”.
Ngoài việc mua sắm, giới trẻ còn dành một phần tiền để trải nghiệm những hoạt động giải trí. Các chuyến du lịch, ăn uống tại nhà hàng sang trọng hay tham gia các sự kiện giải trí cũng trở thành lựa chọn phổ biến. Nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch cho các chuyến đi du xuân cùng bạn bè ngay sau Tết.
Tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần, Thùy Linh (25 tuổi) đã cùng bạn bè đi du lịch tại Hội An. Thùy Linh chia sẻ: “Sau Tết, tôi luôn muốn khám phá những địa điểm mới. Tôi đã cùng nhóm bạn đặt tour du lịch ngắn ngày đến một thành phố biển. Đây là cách giúp tôi thư giãn sau những áp lực học tập và công việc.”
![]() |
Bạn Thuỳ Linh tranh thủ tận hưởng cuộc sống khi còn trẻ |
Một trong những lý do chính dẫn đến việc chi tiêu mạnh tay của giới trẻ là tâm lý tận hưởng cuộc sống. Sau một năm cũ ngày làm việc, học tập vất vả, họ cảm thấy cần phải thưởng cho bản thân trong dịp đầu năm mới.
Không chỉ vậy, trong thời đại mạng xã hội, áp lực từ những người xung quanh cũng góp phần không nhỏ vào hành vi chi tiêu của giới trẻ. Việc theo dõi cuộc sống sang chảnh của bạn bè, người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác thiếu thốn, không muốn bị tụt lại và thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn để khẳng định bản thân.
Cân bằng túi tiền
Bên cạnh những bạn có tâm lý tận hưởng cuộc sống thì có không ít người trẻ đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân sau kì nghỉ Tết Nguyên đán và những ngày lễ đầu năm.
Nhiều bạn trẻ đã áp dụng quy tắc “trả cho chính mình” bằng cách dành ra một khoản tiền nhất định từ lương hoặc tiền lì xì để tiết kiệm mỗi tháng. Trần Thùy Dung (hiện đang làm truyền thông cho công ty nội thất) cho biết: “Sau kì nghỉ Tết, thay vì vung tiền cháy túi như nhiều bạn bè thì tôi tích góp quỹ của riêng mình. Điều này giúp tôi tích lũy được một khoản tiền cho những mục tiêu lớn trong tương lai.”
![]() |
Thay vì vung tiền cháy túi như nhiều bạn bè, Thuỳ Dung lại tích góp quỹ của riêng mình |
Không chỉ vậy, Thùy Dung còn tâm niệm rằng: “Khi chi tiêu, phải để mỗi khoản tiền trở thành một bước tiến trong hành trình khám phá và phát triển bản thân của mỗi người trẻ trong năm mới. Sự cân bằng giữa việc tận hưởng cuộc sống và quản lý tài chính mới chính là điều giúp các bạn trẻ xây dựng một tương lai vững chắc hơn”.
Ngoài việc chi tiêu cho các đồ dùng vật chất, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu chú trọng đầu tư vào sự nghiệp và phát triển bản thân. Họ sẵn sàng dành một phần tiền để tham gia các khóa học kỹ năng, hội thảo hoặc mua sách chuyên ngành.
Có thêm khoản tiền lì xì sau Tết nhưng Nguyễn Gia Linh (sinh viên năm 3, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện) vẫn tính toán kỹ lưỡng cho những món đồ định mua. “Tôi thường tự đặt ra câu hỏi trước khi mua sắm: Món đồ này có thực sự cần thiết không? Nó sẽ phục vụ tôi trong bao lâu? Điều này giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền”, Gia Linh cho biết.
![]() |
Nguyễn Gia Linh thường đặt câu hỏi về sự cần thiết trước khi mua một món đồ |
Vì đang học tập và làm việc liên quan đến thiết kế đồ họa nên Gia Linh quyết định đầu tư vào việc học thêm về chuyên ngành của mình. Linh chia sẻ: “Tôi luôn coi việc đầu tư vào kiến thức là khoản chi tiêu thông minh nhất. Những khóa học tôi tham gia không chỉ giúp tôi nâng cao kỹ năng mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”.
Việc người trẻ chi tiêu mạnh tay sau Tết không chỉ phản ánh tâm lý tận hưởng cuộc sống mà còn thể hiện sự tự tin và mong muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ cần quản lý tài chính cá nhân một cách hợp lý để có thể trải nghiệm cuộc sống mà không gặp phải những rắc rối tài chính sau này.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê nhảy hiện đại trong giới trẻ

Hơn 2.000 "áo xanh tình nguyện" ra quân xây dựng đô thị văn minh

Lan tỏa sự nhiệt huyết, bản lĩnh và trí tuệ trong kỷ nguyên mới

Thành đoàn Hà Nội tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới

Những đảng viên trẻ nhiệt huyết, giàu ý tưởng sáng tạo

Khám bệnh, phát thuốc, tặng quà tại Phông-sa-lỳ (Lào)

Sinh viên thời đại số cần trang bị gì để không bị tụt hậu?

"Bắc Bling” lên top trending: Giới trẻ đua nhau cover theo Hoà Minzy

Hơn 1.000 thí sinh tham dự cuộc thi "Nét đẹp thanh lịch Hải Phòng"
