Người trẻ kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi)
Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm Cử tri Hà Nội kiến nghị sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Tạo cơ hội, điều kiện mới cho Hà Nội phát triển bền vững
Là một thanh niên sinh sống, làm việc tại thành phố Hà Nội, chị Vũ Thị Hằng (trú tại quận Hà Đông) rất kỳ vọng vào việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Tìm hiểu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và những ý kiến xung quanh nội dung này qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chị Hằng nắm được nhiều thông tin. Theo chị, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển thành phố Hà Nội, đã được quy định trong luật. Đặc biệt là sẽ đảm bảo được mục đích trong quá trình xây dựng Thủ đô.
Nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã diễn ra |
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua. Dự kiến, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/5. |
Chị Hằng cho biết, các chuyên gia đã khẳng định rằng, Hà Nội có đầy đủ các lợi thế nhưng đang bị rào cản pháp lý khiến chưa "bung tỏa", phát triển được. Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng khi luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành sẽ trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù, đột phá cụ thể và khắc phục những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện luật năm 2012. Từ đó xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục rồi hướng tới là Thủ đô thông minh, đặc biệt là xanh, sạch, đẹp, có sự lan tỏa trong toàn vùng. “Tôi mong rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ sớm được ban hành và đi vào cuộc sống”, chị Hằng bày tỏ.
Nghiên cứu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chị Lê Thị Vân (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, Điều 4 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho phép Hà Nội áp dụng Luật Thủ đô nếu như khác với những luật trước. Đây là điều vô cùng quan trọng về mặt pháp luật. Chẳng hạn như việc thu hút người tài, Thủ đô cũng đã có chính sách trải thảm đỏ nhưng khó thu hút, không giữ được người tài, bởi chưa có những cơ chế vượt trội để triển khai…
Mong Luật sửa đổi sớm được ban hành
Anh Đỗ Văn Mạnh (một chủ doanh nghiệp tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ở góc độ doanh nghiệp, anh mong chờ những cơ chế mới, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm động lực. Hành lang pháp lý rõ ràng, thủ tục hành chính tinh giảm và những văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đúng theo yêu cầu.
Chị Vũ Thị Hằng (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được ban hành |
Khi biết những quy hoạch mới trong Luật Thủ đô, anh Mạnh hiểu rằng, chính quyền đang dành nhiều nỗ lực để xây dựng những chính sách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo chị Lê Thị Hồng (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả. Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia; đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
“Dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá, để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội, cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, với chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm hoàn thiện, được Quốc hội thông qua, đi vào đời sống, góp phần xây dựng Thủ đô “văn minh - văn hiến - hiện đại”, chị Hồng bày tỏ.