Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm
Kiến nghị thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 Ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong hệ thống pháp luật Chỉnh lý quy định về cải tạo đô thị trong Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Chiều 2/5, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu góp ý vào các báo cáo, tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy.
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong báo cáo tại hội nghị |
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý vào Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP, do Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong trình bày: Có 28 ý kiến góp ý vào Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị.
Các ý kiến khẳng định, dự thảo Đề cương được Tiểu ban Văn kiện chuẩn bị sớm, chủ động, trách nhiệm cao và bảo đảm chất lượng; đồng thời thống nhất cao với việc Ban Thường vụ Thành ủy đẩy sớm hơn 2 tháng việc xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP về Dự thảo Đề cương so với kế hoạch cũng như bố cục, kết cấu dự thảo Đề cương.
Phần đề cương về đánh giá những kết quả đạt được bao trùm tất cả mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ TP đề ra.
Các đại biểu cũng đề xuất bổ sung thêm một số nội dung, đầu mục trong dự thảo Đề cương như thêm mục về kinh tế số.
Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị lựa chọn việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.
Báo cáo giải trình của Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định, nhiệm kỳ Đại hội XVIII có sự khác biệt rất lớn, khi Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế chính sách đặc thù vượt trội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ sẽ cho ý kiến và thông qua 2 quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng như đã nêu trên. Vì thế, trong nhiệm kỳ 2025-2030, một nhiệm vụ rất quan trọng là phải triển khai đưa các quyết sách lớn này vào cuộc sống.
Quang cảnh hội |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, việc lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP chắc chắn phải bám sát vào những nhiệm vụ lớn này.
“Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, trên cơ sở đó chỉ đạo cập nhật, hoàn thiện Đề cương tổng quát, từ đó xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết và dự thảo Báo cáo chính trị bảo đảm chất lượng, tiến độ”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Đối với chủ đề Đại hội XVIII Đảng bộ TP, có 22 ý kiến góp ý trực tiếp. Trong đó, 16/22 ý kiến đồng ý vào phương án 1 có nội dung là “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người Hà Nội, khối đại đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng, đổi mới, sáng tạo; phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc” vì bao quát đầy đủ. Nhiều ý kiến tâm đắc với các từ như gương mẫu và bền vững.
Làm rõ thêm về phương hướng phát triển Thủ đô nêu trong chủ đề (Phương án 1), đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh bên cạnh mục tiêu xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Tiểu ban Văn kiện thêm từ “hạnh phúc” vì đây là phạm trù mang tính phổ quát, là mục tiêu hướng đến của cả nhân loại. Đồng thời, chủ đề Đại hội phải mang tính chất bao trùm hướng đến người dân, để người dân thấy mình trong đó, cũng như phải phản ánh đúng tinh thần mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều hướng đến người dân.
Về phương châm Đại hội có 22 ý kiến phát biểu trao đổi, góp ý. Trong đó, 14/22 ý kiến tán thành phương án 1 có nội dung là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”.