Nguy cơ tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ trong dịp hè
Tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào
Hằng năm cứ vào kỳ nghỉ hè là số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Ngoài các vụ trẻ bị đuối nước, trẻ còn gặp các tai nạn rủi to tại nhà như: Bỏng, điện giật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm…
Mới đây, tại Trạm Y tế xã Đông Hải và Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận và xử trí thành công hai trường hợp trẻ em đi câu cá không may bị lưỡi câu móc vào đầu. Do trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời nên đã không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trường hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn, sử dụng những phương pháp điều trị dân gian không phù hợp đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc hoặc gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Thống kê của khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 hằng năm, khoa thường tiếp nhận trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích tăng cao hơn so với ngày thường do trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân.
Các phụ huynh cần dạy bơi cho trẻ từ sớm để phòng tránh nguy cơ bị đuối nước |
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trẻ nhập viện do tai nạn thương tích với nhiều hình thái như: Vết thương ngoài da, gãy xương, ngộ độc, bỏng, đuối nước,.. Đặc biệt đối với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp nghỉ lễ trẻ thường cùng gia đình về quê, hoặc đi du lịch… với môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ. Trong khi đó, người lớn nhiều khi lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc, cha mẹ chỉ nên cho trẻ chơi ở nơi an toàn, có người lớn trông giữ. Khi đi bơi, cha mẹ nên mặc áo phao cho trẻ hoặc dùng phao bơi cho trẻ để đảm bảo an toàn.
Bảo vệ an toàn cho trẻ
Bên cạnh hiểm họa đuối nước, trẻ cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo đó, trong những ngày lễ, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ thường bị xáo trộn đột ngột, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý, quan tâm đến trẻ, tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Có thể thấy rằng, vào mỗi dịp hè, rất nhiều trẻ em nhập viện do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày với nhiều mức độ khác nhau. Do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi có thể thiếu sự giám sát của người lớn. Đối với các trẻ từ 2-5 tuổi dễ bị tai nạn như bỏng, hóc dị vật, tự ngã, kẹt tay chân vào cửa.
Đối với các trẻ lớn từ 6 đến 15 tuổi thường gặp tai nạn giao thông do đi xe máy, xe đạp điện, đuối nước, điện giật, ngã do leo trèo, ngộ độc do ăn hoa quả lạ, ong đốt…
Vì thế, các bậc phụ huynh cố gắng quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay leo trèo, nghịch ngợm.
Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng xe phân khối vượt quá lứa tuổi quy định, tránh xa các ao hồ, sông suối để tránh bị đuối nước, dùng bảo hộ khi đi câu cá như đội mũ, đeo kính và tránh tham gia vào các trò chơi mạo hiểm…
Gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em học sinh những kỹ năng cơ bản để phòng tránh nguy cơ bị tai nạn thương tích. Ảnh minh hoạ |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, dịp hè, nhiều gia đình thường lựa chọn các kỳ du lịch ngắn ngày, với những gia đình có trẻ nhỏ, việc lựa chọn địa điểm du lịch hết sức quan trọng. Cha mẹ cần cân nhắc địa điểm hợp lý, bảo đảm các tiêu chí: Khu du lịch cần kết hợp nhà nghỉ với các tiện ích; Khoảng cách di chuyển từ nhà đến vị trí vui chơi không nên quá xa…
Khi đi du lịch, cha, mẹ cần chuẩn bị sẵn một số loại thuốc dự phòng như: Thuốc cảm cúm, hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, men tiêu hóa, các loại kem chống muỗi, kem chống nắng, dầu gió… Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Trẻ con rất tò mò và ưa khám phá, nên khi đi du lịch ở những vùng đất mới lạ, trẻ dễ ham vui, đi lại nhiều nơi dẫn đến bị lạc. Hoặc nếu các gia đình đi chơi ở những nơi đông người, thì chỉ một chút lơ là của bố mẹ cũng có thể khiến con bị lạc. Do vậy, trước khi đi chơi cha mẹ nên dặn dò con cẩn thận, không được đi theo người lạ nếu chưa có sự đồng ý và phải luôn bám sát cha mẹ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên dạy con những kỹ năng cần thiết nếu đi lạc.
"Phụ huynh nên hướng dẫn con học thuộc số điện thoại của cha, mẹ để tiện liên lạc khi cần thiết. Nếu có thể, cha, mẹ nên đeo cho con 1 chiếc vòng cổ có ghi ngắn gọn thông tin hữu ích, hoặc nhét vào túi áo, quần của con một mảnh giấy chứa thông tin, đề phòng khi con bị lạc", bác sĩ Duy khuyến cáo.
Trong suốt kỳ nghỉ, cha mẹ cần vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên; Đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm; Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Để đảm bảo an toàn, bảo vệ trẻ em trước mọi nguy hiểm trong cuộc sống, tránh xa tai nạn thương tích, trách nhiệm lớn nhất thuộc về mỗi gia đình. Phụ huynh, những người chăm sóc trẻ cần phải quan tâm, chăm sóc, giám sát, thường xuyên nhắc nhở con em mình về những mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn, từ đó phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ những "mầm xanh” tương lai của đất nước, để mỗi trẻ em được phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất.