Nhà băng đầu tiên giảm lãi vay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước
16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Phó Thống đốc Đào Minh Tú họp với 16 ngân hàng bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp |
Chiều 13/7, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã phát đi thông tin giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, hưởng ứng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước để triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, Sacombank sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế… đồng thời tiếp tục ưu đãi, miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Cùng với quyết định giảm lãi suất, Sacombank cho biết cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm đến 6,7%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng được ngân hàng áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Sacombank cũng cho biết, sắp tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra các gói ưu đãi khác để tăng cường hơn nữa những giải pháp thiết thực đồng hành cùng khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) |
Trước đó, tại cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam diễn ra ngày 12/7, ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng đang vào khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng thì lợi nhuận của nhà băng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch.
Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Tuệ cho biết, Sacombank cũng sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn.
Cũng tại cuộc họp ngày 12/7, đại diện 16 ngân hàng thương mại đã đi đến thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Việc các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất cho vay diễn ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 9/7 của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú với 16 lãnh đạo ngân hàng thương mại bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng, tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc họp trực tuyến ngày 9/7 với lãnh đạo 16 ngân hàng thương mại. (Ảnh: SBV) |
Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua khi đã ban hành các chín sách tái cơ cấu, giãn, hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí.
Bên cạnh đó, cùng với nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp họ tháo gỡ khó khăn bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, để thực hiện Nghị quyết 63, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xây dựng chương trình hành động, trong đó đặt ra các nội dung theo đúng tinh thần Nghị quyết để được triển khai khẩn trương, quyết liệt và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
"Mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà song hành giữa hai mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn", ông Tú nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh lại quan điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần tích cực, thực chất. Đặc biệt là dù hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia.