Nhà văn nổi tiếng nói gì về "Bản địa, dân gian và thuần Việt"?
“Chim trời bay về sau mưa” tham gia Hội sách Hà Nội Nhà văn Anh Khang kể chuyện món ăn truyền thống thời tiểu học Món quà đặc biệt nhà văn Nguyễn Bích Lan dành tặng độc giả |
Thuần Việt để ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc
"Viết thuần Việt" đã trở thành một tiêu chí trong sáng tác và thưởng thức, trở thành nội dung tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn sáng tác trẻ đương đại không dừng lại ở vấn đề câu chữ, sự thật là khai thác và phát huy tính bản địa Việt Nam trong sáng tạo văn học nghệ thuật đang là vấn đề nóng hổi, nhất là trong thời kỳ phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Các tác giả trẻ hiện nay đã có những bước dấn thân mạnh mẽ và gặt hái thành công thương mại.
Các nhà văn cùng chia sẻ về yếu tố thuần Việt, bản địa và dân gian trong văn học Việt Nam hiện nay |
Tại sự kiện, các vấn đề chính được các nhà văn trao đổi, làm rõ thêm: "Trở về với bản địa" như một nhu cầu của viết và đọc trong văn học giải trí đương đại; Một chút về phương pháp sử dụng các yếu tố dân gian, bản địa... trong tác phẩm văn học, điện ảnh dành cho các tác giả trẻ, nhà biên kịch đang theo đuổi lĩnh vực này.
Nhà văn, biên kịch Thảo Trang cho biết cô đọc tạp chí, sách báo nước ngoài nhiều hơn trong nước nhưng cô vẫn ý thức phải sử dụng từ ngữ thuần Việt. Bởi lẽ, ai cũng cần có lượng độc giả và cần viết ra phải có người đọc, có người đồng cảm. Có khá nhiều người ý thức về điều đó và Thảo Trang thức tỉnh sớm hơn những người khác một chút.
TS Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh về yếu tố thuần Việt trong sử dụng ngôn ngữ để sáng tác văn chương |
TS Đỗ Anh Vũ cũng chia sẻ: Trong hệ thống từ ngữ sử dụng hiện nay, từ Hán Việt chiếm số lượng lớn nhưng tiếng Việt vẫn không bị đồng hóa. Ngôn ngữ phân định với nhau bởi 2 yếu tố: Từ vựng cơ bản và ngữ âm. Việc sử dụng từ Hán Việt trong văn chương và đời sống rất là bình thường nhưng quan trọng là chúng ta sử dụng làm sao để phù hợp, gần gũi và dễ hiểu nhất.
Nhà văn, biên kịch Thảo Trang chia sẻ ngay cả trong cuốn "Tết ở làng địa ngục" với bối cảnh cổ trang cô sử dụng khá nhiều từ Hán Việt, từ vay mượn ở nước ngoài nhưng cô ý thức sử dụng liều lượng, cách thức ra sao để phù hợp, khiến độc giả thấy thú vị. Tác phẩm ăn khách này đã được bấm máy và là phim thứ 5 Truyền hình K+ đầu tư sản xuất dưới thương hiệu K+ORIGINAL, đánh dấu lần đầu tiên có một tác phẩm phim truyền hình thuộc dòng kinh dị cổ trang, phát sóng trên kênh K+CINE và App K+ của Truyền hình K+ vào tháng 10.
Nhà văn, biên kịch Thảo Trang |
Cô chia sẻ hiện nay có rất nhiều NXB, các hãng phim muốn tìm kiếm các bản thảo, kịch bản mang yếu tố thuần Việt, những người viết trẻ hãy tận dụng cơ hội và mạnh dạn viết. Muốn được đầu tư làm phim hay xuất bản sách, người viết cần phải chú ý và chú trọng nhất yếu tố thuần Việt. Có như thế thì chúng ta mới thành công ngay trên sân nhà mình.
Thảo Trang cũng chia sẻ bí quyết để kể hay viết một tác phẩm thì phải gồm các yếu tố: Ngôn ngữ, đề tài, bối cảnh. Nếu bối cảnh thuần Việt, đề tài thuần Việt nhưng ngôn ngữ không thuần Việt thì cũng không thể ra một sản phẩm gần gũi với độc giả, khán giả Việt.
Đông đảo độc giả quan tâm đến lắng nghe các nhà văn chia sẻ |
Đi lên từ văn học mạng, còn không hề biết là viết văn có tiền, nhà văn Thảo Trang cho biết được sự ủng hộ của độc giả Việt nên cô đã có tên tuổi. Ngược lại, bản thân cô cũng ý thức được phải viết những gì gần gũi, gắn bó với người Việt nhất. Chẳng hạn như viết về bản làng của người Hà Giang thì phải là nhà trình tường với không gian vùng dân tộc độc đáo.
TS Đỗ Anh Vũ cũng nhấn mạnh yếu tố thuần Việt phải in dấu mọi vùng miền trên đất nước mình. Chẳng hạn như Đỗ Bích Thúy với Hà Giang nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung, Nguyễn Ngọc Tư với vùng sông nước miền Tây, Thạch Quỳ với miền Trung... Vì thế, nếu muốn thành công, ghi dấu trong lòng bạn đọc thì người viết càng nên ý thức về yếu tố thuần Việt trong sáng tác của mình.
Lan tỏa văn hóa Việt
Thảo Trang cho biết, trong quá trình làm việc, thương thảo, đàm phán với người nước ngoài, sau mỗi buổi làm việc, các đối tác không hỏi về con số, về phương pháp mà mọi người đều hỏi về Tết người Việt như thế nào, đám ma tổ chức ra sao?
Khi Thảo Trang kể cho những người bạn nghe về phong tục của Việt Nam, họ rất thích thú, ngạc nhiên và hào hứng. Điều đó giúp cô nhận ra rằng sự khao khát tìm hiểu, khám phá văn hóa của Việt Nam cũng như Châu Á.
Thế giới đang quá khát về content (nội dung) Châu Á. Những năm gần đây các bộ phim về châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều chỗ đứng. Vì thế, với tư cách là người viết, cô cảm thấy vinh dự và tự hào góp phần vào thúc đẩy văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Châu Á nói chung trên thị trường văn học, điện ảnh thế giới.
"Dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu nhưng sử dụng ngôn ngữ Việt, chìm đắm vào văn hóa Việt, góp phần quảng bá văn hóa Việt thì Tổ quốc chúng ta luôn ở trong tim", Thảo Trang nhấn mạnh.
Trước tình trạng yếu tố văn hóa truyền thống đang bị dần mai một, TS Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh rằng thời gian có trôi đi nhưng các tác phẩm văn học, các cuốn sách mà các thế hệ nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả đã dày công tìm hiểu, viết và để lại cho đời.
"Nếu chúng ta kể một câu chuyện về người Việt mà lại sử dụng yếu tố chung chung, phổ thông, không mang yếu tố riêng biệt thì thế giới không muốn nghe, không tạo được dấu ấn riêng biệt, không thể thành công được", TS Đỗ Anh Vũ khẳng định.
Độc giả giao lưu, đặt câu hỏi tới các nhà văn |
Chia sẻ về kinh nghiệm về cuốn sách "Ngục của người chết", Thảo Trang cho biết cô lấy tư liệu từ đời sống, sách báo, tạp chí và đặc biệt là các chuyên gia. Bên cạnh đó, cô còn phải tìm hiểu qua Lãnh sự quán, bác sĩ pháp y, qua rất nhiều bước, rất kì công và chân thành. Ngay từ lúc còn là một tác giả văn học mạng vô danh, cô hỏi thì các chuyên gia đã trả lời. "Cứ gõ thì cửa sẽ mở. Hỏi một cách chân thành thì sẽ có câu trả lời chính xác", Thảo Trang tiết lộ bí quyết.
Học hỏi từ các nhà văn đi trước, tìm hiểu kĩ càng lịch sử, văn hóa dân gian để mang đến những câu chuyện chân thực, đậm yếu tố truyền thống để chinh phục độc giả, Thảo Trang trân trọng hứa với mọi người rằng cô sẽ viết những tác phẩm để lan tỏa văn hóa Việt, thuần Việt và hướng đến người đọc Việt Nam đầu tiên.
Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của độc giả về trước tình trạng mạng xã hội lên ngôi, người ta thích lướt Tiktok, Facebooks hơn là đọc sách, làm thế nào để sách phát huy giá trị trong đời sống đương đại, TS Đỗ Anh Vũ cho rằng, dù các phương tiện nghe nhìn phát triển đến đâu thì sách giấy vẫn được người đọc yêu thích. Rất nhiều cuốn sách không thể tìm được trên mạng và độc giả vẫn đọc theo hình thức truyền thống, lật giở từng trang với những cảm xúc rất riêng.
Để phát triển văn hóa đọc thì bản thân người viết và các đơn vị xuất bản cũng phải liên tục cập nhật, thay đổi để đưa sách tới gần với đời sống hơn. Đó là lí do những hội sách, CLB đọc sách vẫn liên tục được mở ra.
Các cơ quan chức năng đã thúc đẩy tình yêu sách, làm tất cả những gì có thể để mọi người quan tâm đến sách, đến văn học nhiều hơn. Từng chút một, với nỗ lực của các đơn vị liên quan sẽ dần khơi lại sự ham học, phát triển văn hóa đọc.
"Tình yêu với sách nên được khởi phát từ gia đình, từ thuở ấu thơ. Thay vì đưa cho con cái điện thoại thông minh thì hãy cho con cuốn sách, đưa con đi mua sách, đọc sách cùng với con. Điều đó sẽ đưa văn hóa dần dần thấm vào tâm hồn người đọc, xây dựng thói quen đọc sách và cân bằng với văn hóa nghe, nhìn", TS Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh.