Nhiều chủ nhà trọ rậm rịch tăng giá cho thuê
Lo ngại tình trạng “té nước theo mưa”
Sau 4 năm bình ổn, đầu tháng 5/2023, giá điện bán lẻ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng thêm 3%. Việc điều chỉnh này khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi giá điện tăng sẽ kéo theo giá các loại hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng theo.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi có tổng cộng 6 nhân khẩu, trong đó có cả người già và trẻ nhỏ. Chi phí sinh hoạt hàng tháng chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập của vợ chồng tôi nên cuộc sống cũng không mấy dư giả.
Hàng tháng, trung bình gia đình tôi chi trả tiền điện tương đương khoảng 10% thu nhập. Tuy nhiên, vào dịp hè mức tiêu thụ điện tăng gấp 2-3 lần, đặc biệt là vào những tháng học sinh được nghỉ hè và khi thời tiết nắng nóng cao điểm.
Việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân, trong đó có nhiều người đang phải đi thuê trọ |
"Với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh hiện nay, chưa biết cụ thể giá điện sinh hoạt của gia đình sẽ “đội” thêm bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, chỉ cần chi phí sinh hoạt tăng thêm một chút cũng ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình.
Điều khiến tôi lo lắng là thông thường sau mỗi lần giá điện được điều chỉnh tăng, các mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt tăng giá. Trong khi theo lộ trình, ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở cũng chính thức được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng lên mức 1.800.000 đồng. Điều lo ngại nhất là liệu có xảy ra chuyện chưa tăng lương đã tăng giá hay không?”, chị Hà lo ngại nói.
Do đó, chị Hà đã đưa ra kiến nghị, cùng với việc tăng giá điện, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường, xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hóa ồ ạt, vô lối theo giá điện.
Cùng chung quan điểm, anh Phạm Tuấn Anh (30 tuổi, quê ở Phú Thọ) đang thuê trọ ở khu vực Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi có thông báo giá điện tăng lên 3%, chủ nhà trọ đã gửi thông tin là sắp tới giá điện sẽ tăng từ 3.000 đồng/kWh lên 4.000 đồng/kWh. Mỗi tháng tôi phải trả khoảng 500.000 đồng tiền điện, nếu tăng giá điện lên 4.000 đồng thì sẽ phải chi trả thêm khoảng gần 200.000 đồng nữa.
Việc tăng thêm một vài trăm tiền điện mỗi tháng không phải là điều đáng lo ngại, cái người dân chúng tôi quan tâm là khi lương cơ bản tăng, giá điện tăng sẽ khiến các loại hàng hoá, thực phẩm tăng theo khiến cuộc sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Khảo sát của phóng viên đối với một số người dân cho thấy, đa số người dân đều cho rằng số tiền chi trả thêm cho việc tăng giá điện không nhiều, thậm chí một số hộ không để ý còn không biết tiền điện tăng. Tuy nhiên, điều mà người dân lo ngại nhất ở đây là giá cả thị trường. Nếu không kiểm soát tốt, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng “đội giá” theo giá điện. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí, cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Coi chừng bị xử phạt
Theo quy định, giá bán lẻ điện sinh hoạt có 2 cách áp dụng: Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà) và trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Như vậy, căn cứ vào thời hạn hợp đồng lao động, số kWh điện sử dụng, số người ở trong một phòng trọ mà có những giá điện khác nhau, tối đa là 2.927 đồng. Tuy nhiên, giá tối đa thì vẫn là giá tối đa, còn "giá chung" tại nhiều khu trọ đang là khoảng 3.500 - 4.000 đồng/số.
Đã đến lúc EVN cần xây dựng lại bậc giá điện cho phù hợp nhu cầu và mức tiêu thụ điện năng thực sự của người dân |
Vũ Minh Thu (18 tuổi, sinh viên trường đại học Thăng Long) cho biết: "Em đang ở trọ 3 người, giá điện là 3.800 đồng/số và giá nước là 28.000 đồng/khối…". Giá điện chủ trọ thu cao, tuy nhiên do trọ ở gần trường nên Thu vẫn chấp nhận mức thu như vậy ở khu trọ này và vì "đây là giá chung rồi". Thu chia sẻ: "Em thấy 3.800 là hơi cao nhưng vì nhà gần trường nên em tiết kiệm được chi phí đi lại, tiền đó bù vào tiền nước, tiền điện nên đỡ đi phần nào…".
Trao đổi về vấn đề chế tài nào đối với những chủ nhà trọ tính tiền điện theo kiểu… tùy hứng, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết việc áp dụng giá điện cho nhà trọ đã được Bộ Công thương ban hành trong Thông tư 25/2020.
Năm 2023, Bộ Công thương cũng ban hành Thông tư 09/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014 về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018 liên quan biểu giá bán lẻ cho các hộ gia đình, trong đó có quy định về điện cho nhà trọ.
"Vấn đề về điện cho nhà trọ là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong những năm vừa qua, các công ty điện lực tại các địa phương thường xuyên đi kiểm tra áp giá cho nhà trọ, yêu cầu các chủ nhà trọ ký cam kết về việc áp đúng giá điện theo quy định tại Thông tư 25 trước đây và Thông tư 09 hiện nay", ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, việc các chủ nhà trọ áp không đúng giá sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Sở Công thương có chức năng xử phạt các hành vi này, áp dụng theo Nghị định 17 của Chính phủ về quy định xử lý vi phạm trong ngành điện.
"Tập đoàn điện lực Việt Nam luôn yêu cầu các chủ nhà trọ áp giá đúng cho sinh viên, người lao động cũng như niêm yết công khai giá điện. Trường hợp chủ nhà trọ làm sai, người thuê trọ cần phản ánh thông tin đến các trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành điện lực để đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lý", ông Lâm nhấn mạnh.