Nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới
Ngày 4/8, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Dần duy trì thành nếp
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho biết, gắn việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào các cấp đã phân công các ngành, thành viên tích cực giám sát, kiểm tra, kịp thời có những điều chỉnh trong triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý rút kinh nghiệm những trường hợp vi phạm được quan tâm thường xuyên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, trước khi tổ chức đám cưới được tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm tại địa phương. Cán bộ, lãnh đạo, đảng viên vi phạm, đều bị nhắc nhở, phê bình; Tập thể sẽ xem xét trong đánh giá xếp loại cuối năm, xét công nhận các danh hiệu văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường phát biểu tại hội nghị |
Cách làm kể trên cũng được áp dụng tại nhiều cấp, ngành, đoàn thể từ thành phố tới cơ sở; Đã có hàng chục mô hình sáng tạo từ việc cưới văn minh ra đời; Hàng trăm tấm gương trong chấp hành Chỉ thị của Đảng, quy chế của cơ quan, đơn vị, quy ước của địa phương; Hàng nghìn cuộc vận động, lồng ghép thông qua nhiều hình thức hội thi, liên hoan, tọa đàm, hội diễn, nói chuyện chuyên đề… khơi dậy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, góp phần thúc đẩy văn hóa cơ sở phát triển. Có thể kể đến, các mô hình: “Cưới 6 không” ở Quốc Oai, “Tiết kiệm trong việc cưới” ở Mê Linh; “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” do Thành đoàn phát động; “Dân vận khéo trong cưới văn minh” do Ban Dân vận thành phố phát động…
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho hay, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả thời gian qua, các cấp bộ Đoàn thành phố đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cưới tập thể, tiết kiệm, văn minh cho hàng nghìn cặp đôi trên địa bàn, nhiều lễ cưới được tổ chức có quy mô nhưng vẫn đảm bảo tính văn minh như: Lễ cưới cho 25 cặp đôi ở Đan Phượng, lễ cưới cho 20 cặp đôi ở Tây Hồ; Tổ chức đám cưới cho 20 cặp đôi trẻ theo nếp sống mới và “Đám cưới vàng” cho 20 cặp cụ ông - cụ bà chung sống vợ chồng hạnh phúc từ 50 năm trở lên để tôn vinh hạnh phúc gia đình tại công viên Bách Thảo, Ba Đình, Hà Nội vào năm 2017…
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương, số đám cưới thực hiện theo nếp sống mới trên địa bàn ngày càng đạt tỷ lệ cao, đã có 16.182/16.364 đám cưới thực hiện cưới theo nếp sống văn minh.
Tập trung vào 8 nhóm giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU vẫn còn không ít tồn tại, như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, chưa quan tâm đúng mức tới việc phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện; Đám cưới theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà… mới mang tính thí điểm, chưa được quan tâm duy trì, nhân rộng; Công tác xử lý vi phạm bắt đầu có dấu hiệu lơi lỏng, xao nhãng; Xu hướng thương mại hóa trong cưới hỏi, chuẩn bị rình rang, cầu kỳ, tổ chức đoàn rước quy mô lớn đang có chiều hướng tái phát…
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong tặng bằng khen của Thành ủy cho các tập thể có thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU đã mang lại những dấu ấn đậm nét trong nhiều khía cạnh đời sống văn hóa - xã hội, thể hiện ở sự vào cuộc chủ động, quyết liệt và mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể; Sự chung tay hưởng ứng nhiệt liệt của mọi tầng lớp Nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, mới mẻ. Đặc biệt, từ nội dung việc cưới, nhiều nơi đã mở rộng ra nhiều nội dung khác để điều chỉnh những ứng xử chưa chuẩn mực trong việc tang, mừng thọ, lễ hội…
Sự vào cuộc tự nguyện, tự giác của cộng đồng dân cư là dẫn chứng điển hình nhất cho thấy chủ trương trên đã đi đúng hướng, đề cập đúng vấn đề thường trực.
“Cũng trong 10 năm này, đã có thêm rất nhiều chỉ đạo từ Trung ương đến thành phố từ thực hành chống lãng phí đến nêu gương cán bộ, đảng viên…, góp phần bổ trợ, nâng đỡ cho Chỉ thị 11-CT/TU đi vào đời sống. Sắp tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành một Chỉ thị mới về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, với mức bao phủ rộng hơn. Trong đó, những nội dung trong Chỉ thị 11-CT/TU sẽ còn nguyên giá trị để tiếp tục kế thừa, duy trì, phát huy. Nói vậy để thấy, câu chuyện cưới văn minh ở Hà Nội đã và sẽ có nhiều nội dung, hành động để bổ trợ, nâng đỡ trong giai đoạn tới”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản tặng bằng khen của Thành ủy cho các cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU |
Để việc cưới văn minh tiếp tục có thêm những kết quả bền vững và lan tỏa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới phương thức triển khai, thực hiện, đa dạng, phong phú, hấp dẫn, phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị tập trung vào 8 nhóm giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền; Phát huy sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Chú trọng đổi mới tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu; Tiếp tục đưa nội dung thực hiện cưới văn minh vào công tác thi đua, khen thưởng gắn với các phong trào thi đua, đẩy mạnh thực hiện phong trào “dân vận khéo”; Kế thừa và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; Nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm tra giám sát; Tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hằng năm để nghiên cứu bổ sung căn cứ thực tiễn nhằm ban hành cùng văn bản mới phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Theo số liệu thống kê 10 năm (2012 - 2022) trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số đám cưới được tổ chức là: 481.920; Trong đó số đám cưới thực hiện theo quy định: 437.153, đạt 90,71%. Số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm: 64.435, là 13,37%. |