Nhiều giải pháp để lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm
Hà Nội: Nhanh chóng hỗ trợ người lao động tìm được việc làm phù hợp Trường THCS Nguyễn Trãi vinh dự nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” |
Chi trả hơn 56 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 3.526 người, đã thẩm định hồ sơ và trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.140 người với tổng số tiền chi trả hơn 56 tỷ đồng.
Các hoạt động tư vấn, tuyển sinh giáo dục, lồng ghép trang bị kiến thức về pháp luật lao động - việc làm đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận quan tâm đẩy mạnh |
Trung tâm cũng tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng bảo hiểm thất nghiệp đạt 11.090 lượt người; Đã có 4.113 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với số lượng lớn người lao động đến làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi ngày, trung tâm đã tăng cường nhân lực hỗ trợ, hướng dẫn để người lao động hoàn thiện hồ sơ nhanh gọn, đúng quy định.
Đặc biệt, trên cơ sở xác định việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài và thu nhập tốt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận đã bố trí cán bộ thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn để người lao động đăng ký học nghề sau khi thất nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế là người lao động lại không mặn mà với chính sách này. Đến thời điểm này, số lượng người đăng ký học nghề rất thấp, chỉ 3 người có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền hỗ trợ cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là 13,5 triệu đồng.
Tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động mất việc
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những nguyên nhân chính khiến người lao động từ chối học nghề sau khi thất nghiệp là bởi mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng.
Người lao động được tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp |
Tại Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học không quá 6 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó 500.000 đồng/người/tháng.
Theo ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận, mặc dù mức hỗ trợ còn thấp so với thực tế, song đây là những chính sách rất cởi mở, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động, thể hiện đầy đủ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang trở thành điểm tựa, góp phần chia sẻ khó khăn cho người lao động và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Trung tâm sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề đến tận các doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ chủ động liên kết với các cơ sơ dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp.
Nhằm giúp cho người lao động tìm kiếm được việc làm theo năng lực và nguyện vọng của cá nhân, Ban lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận rất quan tâm đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
“Hiện nay, tình hình trên thế giới diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội ở nước ta, trong đó, nhiều doanh nghiệp, công ty phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, gây ra tình trạng thiếu việc làm đối với người lao động trong nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
Trước tình hình đó, công tác tư vấn việc làm là khâu then chốt để giúp cho người lao động tìm kiếm được việc làm theo năng lực và nguyện vọng của cá nhân, qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm giúp cho người sử dụng lao động tuyển dụng được nguồn lao động có chất lượng. Việc thực hiện hoạt động tư vấn việc làm trong chuỗi hoạt động dịch vụ việc làm nhằm mục đích mang lại hiệu quả cao nhất việc kết nối giữa cung - cầu trên thị trường lao động”, ông Phan Thanh Sơn chia sẻ.
Mô hình “Hoạt động tư vấn việc làm trong hoạt động dịch vụ việc làm” do Phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận) thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 đang đạt được một số mục tiêu đề ra. Theo đó, tư vấn trong hoạt động dịch vụ việc làm là một hoạt động tư vấn dựa trên các hiểu biết về tâm lý học, giáo dục học, xã hội học… cũng như các thông tin về “thế giới” việc làm, thị trường lao động để hướng dẫn việc chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. |