Nhiều giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa
Tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và văn hóa thể thao Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đền Đồng Cổ Tinh hoa hội tụ trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội |
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).
Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo huyện, đại diện 12 xã trong cụm.
Nhìn lại thành tựu để tiếp tục phát huy
Hội nghị tọa đàm nhằm thực hiện Kế hoạch số 303/KH-SVHTT ngày 4/7/2023 của UBND huyện Đông Anh về tổ chức toạ đàm nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa gắn với quản lý, khai thác thiết chế văn hoá trên địa bàn huyện năm 2023.
Đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Hoạt động này cũng để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn huyện trong việc đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đặc biệt tập trung vào nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa, thiết chế văn hóa.
Điều này phải gắn với việc thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 04-CTr/HU ngày 7/9/2020 của Huyện uỷ Đông Anh về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 - 2025”, đặc biệt là Nghị quyết số 250-NQ/HU của Huyện ủy về quyết tâm thực hiện tiêu chí “5 có, 3 không” trên địa bàn huyện.
Tọa đàm cũng được tổ chức để nhìn lại những tác động tích cực của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các chương trình, nghị quyết đối với đời sống văn hóa cơ sở cũng như cuộc vận động xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh; Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/HU ngày 7/9/2020 của Huyện uỷ Đông Anh về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 - 2025” trong thời gian tới.
Tiết mục văn nghệ tại chương trình |
Tại buổi tọa đàm, đồng chí Đặng Giang Sơn - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Đông Anh, cho biết: Huyện có 89.273/92.954 (96%) số hộ đạt gia đình văn hóa, 153/155 (98,7%) số thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 40/40 (100%) số tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; Hoàn thiện hồ sơ trình xét công nhận cho 35 đơn vị văn hóa.
Về quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, huyện đã tổ chức lập 81 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các vực dân cư trên địa bàn huyện theo đề án “Lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh”.
Đồng chí Đặng Giang Sơn - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Đông Anh phát biểu tại buổi tọa đàm |
Tính đến tháng 7/2023, toàn huyện có 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố đạt chuẩn; 9/24 trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà văn hóa, Nhà thi đấu cấp xã được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 106 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện có 141/155 thôn (đạt 91%), 40/40 tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng với 249 điểm sinh hoạt cộng đồng; 62/155 thôn làng, 4/40 tổ dân phố có 75 công viên mini; Còn 22 thôn làng tại 9 xã chưa có điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên mini.
Về công tác quản lý, sử dụng, khai thác tổ chức hoạt động nhà văn hóa - khu thể thao: Tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố có ban chủ nhiệm gồm ít nhất 5 thành viên chịu trách nhiệm quản lý, điều phối, tổ chức các hoạt động; Thành lập các CLB thành viên là lực lượng nòng cốt trong hoạt động tại nhà văn hóa.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Các xã, thị trấn thuộc huyện đã ban hành quyết định thành lập, kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; Tính đến nay, đã có 195/195 thôn, tổ dân phố thành lập ban chủ nhiệm nhà văn hóa; Các đồng chí trưởng thôn, tổ trưởng dân phố (hoặc phó thôn) làm chủ nhiệm nhà văn hóa - khu thể thao.
100% các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và ban hành quyết định phê duyệt danh sách và quy chế hoạt động của 195/195 ban chủ nhiệm nhà văn hóa - khu thể thao; Niêm yết nội quy hoạt động của nhà văn hóa - khu thể thao tại các thôn làng, tổ dân phố...
Dù vậy, huyện cũng vướng nhiều khó khăn, vướng mắc từ quy chế hoạt động chung, kinh phí, cán bộ nghiệp vụ...
Đánh giá và nhân rộng các mô hình hay
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất, đưa ra các giải pháp về: Đề nghị thành phố ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong toàn thành phố; Đề nghị bố trí nguồn kinh phí hàng năm chi cho hoạt động thường xuyên tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; Kinh phí hỗ trợ ban chủ nhiệm hoạt động, hưởng thù lao theo công việc.
Đại biểu đóng góp ý kiến và thảo luận tại buổi tọa đàm |
Các đại biểu cũng thảo luận về đề nghị có cơ chế cụ thể, quy định rõ ràng về việc cho phép khai thác nhà văn hóa - khu thể thao để tạo nguồn thu phục vụ trở lại các nội dung hoạt động; Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đánh giá cao sự đầu tư chiến lược, có tầm cho các thiết chế văn hóa của huyện Đông Anh, giúp địa phương trở thành điểm sáng nổi bật của Hà Nội trong lĩnh vực này.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm |
Đồng chí bày tỏ sự tâm đắc với cách làm khoa học bài bản, sáng tạo đồng thời ấn tượng với các hoạt động văn hóa của huyện. Không phải huyện nào cũng có thể làm được việc tưởng chừng rất giản đơn nhưng thực hiện lại khó khăn, nhiều thách thức như các mô hình thiết chế văn hóa. Xây thì rất nhanh nhưng giữ được phong độ, đạt tới đỉnh cao, nhân rộng thì rất khó.
Những nội dung khó của nơi này lại là điểm thuận lợi ở nơi khác. Những kinh nghiệm đúc rút được trao đổi từ buổi tọa đàm sẽ giúp các địa phương trong huyện triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Những kiến nghị của các xã cũng rất cụ thể, thực tiễn, làm căn cứ để huyện đề xuất với thành phố xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Đông Anh là huyện nổi bật của thành phố Hà Nội trong việc thực hiện nếp sống văn minh, phát huy giá trị của lễ hội, di tích. Đó là những kết quả rất tốt, được thành phố ghi nhận và đồng chí mong rằng huyện Đông Anh sẽ tiếp tục nâng cao những thành tích này trong thời gian tới.
Về xây dựng mô hình văn hóa, đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đặc biệt lưu ý huyện Đông Anh xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai.
Hiện nay, do điều kiện kinh tế khá hơn, con cháu không ở với cha mẹ nhiều nhưng tại huyện Đông Anh các gia đình, tứ đại, tam đại đồng đường vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống. Vì thế, đồng chí mong muốn huyện quan tâm đến vấn đề này. Làm sao để nhắc đến Đông Anh là người ta sẽ nghĩ ngay đến mô hình gia đình ông bà gương mẫu, vợ chồng chung thủy, con cháu hiếu thảo, anh em chia sẻ.
Các tiêu chí trong việc xây dựng tổ dân phố, thôn văn hóa rất quan trọng. Nếu thôn nào cũng đạt các tiêu chuẩn thì việc thực hiện không có gì khó khăn nhưng đcũng đề nghị huyện cần kiểm đếm lại các tiêu chí số 6 và 16 của xây dựng Nông thôn mới để thấy mình đang trong tình trạng bằng, cao hơn hay vượt trội?
Mỗi một thôn, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của nhà văn hóa - khu thể thao của huyện ban hành, tiến hành đánh giá lại thật sát sao để nhận diện được những vấn đề cần quan tâm khi xây dựng các mô hình văn hóa.
"Tôi phấn khởi khẳng định huyện Đông Anh có thể làm được và làm rất tốt các vấn đề này", đồng chí Trần Thị Vân Anh bày tỏ.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng cho biết đây là thời điểm thiên thời địa lợi nhân hòa để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của đất nước, thành phố và huyện Đông Anh. Văn hóa là nguồn lực mới để phát triển đất nước bền vững.
Đông đảo đại biểu đến từ 12 xã của huyện Đông Anh tham dự buổi tọa đàm |
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước".
Các ý kiến tham góp về Quy hoạch Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đang hướng tới những ưu thế vượt trội cho Hà Nội để có thể phát triển hơn nữa. Đông Anh cũng đã được thành phố Hà Nội tập trung đưa huyện trở thành quận. Do vậy, toàn thể huyện phải thống nhất, đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, tập trung các nguồn lực để phấn đấu.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh đề nghị toàn thể cán bộ và Nhân dân huyện Đông Anh làm tốt hơn nữa việc phát huy sử dụng nguồn lực văn hóa của huyện. Đó là truyền thống văn hóa, cách mạng, yêu nước bất khuất kiên cường với nhiều địa chỉ đỏ; Kho báu có một không hai là hệ thống di sản văn hóa, đình đền chùa, lễ hội; Đội ngũ cán bộ trung kiên, bản lĩnh, kiên cường vượt khó, có kinh nghiệm, có khát vọng; Vị thế của Đông Anh với Hà Nội và quốc gia; Cơ chế chính sách đi trước đón đầu, rất cởi mở của Đông Anh...
"Nguồn lực quan trọng nhất người dân Đông Anh rất khát vọng được cống hiến và mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng", đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Khẳng định tính thiết thực của các cuộc hội thảo, tọa đàm như Đông Anh triển khai là đưa ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt đưa ra nhiều mô hình và quản lý sử dụng các thiết chế văn hóa, đồng chí cũng đề nghị huyện chủ động kiểm tra, đánh giá nhân rộng, khen thưởng các mô hình hay, thể hiện sự vào cuộc hơn nữa của địa phương với hoạt động này.
Đồng chí cũng lưu ý tránh đầu tư vào các thiết chế văn hóa nhưng không được để lãng phí, không hoạt động, hoạt động không hiệu quả. Để làm được điều đó, theo hướng dẫn của các thông tư, ban chủ nhiệm nhà văn hóa - khu thể thao phải kiện toàn các CLB để hoạt động tích cực, triển khai tốt trong cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện nên đánh giá các tiêu chí nhà văn hóa, trung tâm thể thao, xếp hạng và nhân rộng các mô hình.
Cuối cùng, đồng chí bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới huyện Đông Anh sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trở thành đô thị hấp dẫn đáng sống; Người dân Đông Anh kế thừa xuất sắc truyền thống giàu bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, vượt khó; Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên nhờ vào việc thực hiện tốt đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng tốt mô hình văn hóa.