Tinh hoa hội tụ trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội
Vì sao ẩm thực Hà Nội khiến các chính khách quốc tế “siêu lòng”? Sao Michelin: Đòn bẩy nâng tầm ẩm thực Việt Ẩm thực đất Việt qua tranh những họa sĩ trẻ |
Nét tinh tế, đa dạng
Có thể nói văn hóa ẩm thực Hà Nội là niềm tự hào của người dân nơi đây nói riêng và dân tộc Việt nói chung.
Với người Hà thành, họ không chỉ cần ăn no - mặc ấm, mà còn phải ăn ngon - mặc đẹp, biết thưởng thức những gì đẹp nhất, tinh túy nhất. Sự tinh tế không chỉ ở khẩu vị mà còn ở việc chọn lựa cách thức ăn uống - món nào “đi với” món ấy, mùa nào thức ấy, thậm chí giờ nào thức ấy… Nhiều khi chỉ qua những chi tiết nhỏ, cả người ăn và người nấu ăn cùng thể hiện sự đúc kết, chắt lọc trong văn hóa ăn uống.
Mâm cỗ với những món ăn truyền thống thể hiện sự tinh tế trong kết hợp các món ăn, gia vị của người Hà Nội |
Điều đặc biệt trong tất cả các món ăn của người Hà Nội đó là gia vị. Gia vị trong các món ăn của người Hà Nội rất phong phú: Có gia vị phù hợp sẽ làm nổi bật chất lượng của món ăn như rau muống xào phải có tỏi. Gừng làm át đi vị gây hôi của thịt bò. Canh trai, trùng trục phải có rau răm, xương xông, lá lốt. Cà tím xào thịt ba chỉ phải có tía tô. Bún riêu cua, riêu ốc phải có dấm bỗng, bún đậu phải ăn cùng mắm tôm…
Trong ẩm thực, người Hà Nội “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, việc ăn là để thưởng thức, hơn là để đáp ứng nhu cầu vật chất…
Những món ăn với các loại gia vị đi kèm khác nhau |
Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội không chỉ là những món ăn ngon, được bày biện đẹp mắt, mà còn là từng công đoạn từ lúc ngồi vào bàn ăn đến khi kết thúc bữa ăn, là cách ứng xử tinh tế của mỗi thực khách trên bàn ăn.
Để món ăn ngon, mọi thứ xung quanh cũng phải “ngon”
Không quá cầu kỳ nhưng điều trước tiên trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là sự sạch đẹp. Đồ ăn, dù bất cứ món nào cũng phải được bày biện trông ngon mắt hoặc ít nhất là trông sạch sẽ. Người Hà Nội ăn kiểu “quý ở độ tinh”, coi trọng chất hơn lượng.
Những người con Thủ đô còn coi chuyện ăn uống như một cách thể hiện những thú vui, sở thích của mình. Họ thường quan tâm đến cách sắp xếp mâm cơm sao cho đẹp, trình bày món ăn làm sao kết hợp được màu sắc, mùi vị và hình thức. Thưởng thức món ăn ngon là sự tổng hoà cảm nhận của các giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.
Họ không chỉ quan tâm đến vấn đề ăn uống cái gì, mà còn quan tâm đến cách ăn uống như thế nào, ở đâu, với ai, lúc nào… Với người Hà Nội, món ăn ngon, người cùng ăn không hợp thì ăn không ngon. Món ăn ngon, chỗ ngồi không tốt, không thuận tiện thì ăn không ngon. Món ăn ngon, đồ dùng để ăn không sạch sẽ, không đẹp thì ăn không ngon. Món ăn ngon, ăn không đúng lúc, đúng chỗ thì ăn cũng không cảm thấy ngon…
Nếu như người miền Nam ăn hay nhậu lai rai, món ăn miền Trung dung dị, ẩm thực xứ Huế cầu kỳ, bày biện kiểu cách, món nhiều, lượng ít thì ẩm thực Hà Nội lịch lãm vừa đủ độ, hợp khẩu vị từng buổi, từng mùa. Sản vật phong phú của các vùng xung quanh đều chuyển về Hà Nội, mùa nào thứ ấy. Người Hà Nội có điều kiện để chế biến ra nhiều món ăn ngon, biết cách ăn vừa ngon, vừa đẹp.
Người dân Hà Nội ăn uống không chỉ để thoả mãn cái đói, cái khát mà còn để thưởng thức cái dư vị, dư hương của thức ăn, thứ uống. Ví dụ như, món cốm Hà Nội chẳng hạn. Cốm là thứ quà riêng biệt của đất trời, là sản vật từ những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê Việt Nam. Thế mà, chỉ có cốm Hà Nội và cách ăn của người Hà Nội mới đưa món này trở thành đặc sản, nổi tiếng.
Cốm không phải thứ quà của người ăn vội. Ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy hương vị của cốm, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non và trong chất ngọt của cốm cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.
Người Hà Nội khi thưởng thức trà mạn sen thường uống vào mùa thu mới cảm nhận hết được hương thơm đồng nội trong hoa sen. Còn trà hạt ướp hoa cúc thêm mấy lát gừng pha vào mùa đông càng thấy được sự nồng nàn thú vị của hương hoa. Cách uống trà, người Hà Nội biết: “Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.
Nhiều người ví văn hóa ẩm thực Hà Nội như một bức tranh lớn với nhiều gam màu đậm, nhạt khác nhau. Chính những gam màu này đã tạo nên sự độc đáo của chuyện ăn, chuyện uống của Hà Nội và góp phần tạo nên sự phong phú của nét văn hóa trong chế biến, thưởng thức cái ăn của người Việt.
Những đặc điểm cùng với những món ăn ngon nổi tiếng của Hà Nội kể trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn ẩm thực nơi đây. Mỗi thời đại đều có lối sống, nếp sống của nó. Ta không cổ hủ bo bo giữ lấy cái không còn phù hợp nhưng cũng đừng quên cái gốc gác bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ăn uống ra sao cho thanh đạm, thanh tao, lịch sự mới là phong cách của người Hà thành.