Nhiều mô hình hay về công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên
Tăng cường đưa nghệ thuật vào giáo dục chính trị, tư tưởng Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên |
Hội nghị diễn ra tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Với sự quyết liệt chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sự nỗ lực thực hiện của toàn ngành GD&ĐT, trong năm học vừa qua, các địa phương, các cơ sở giáo dục đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất... và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị |
Đại đa số học sinh, sinh viên (HSSV) đạt tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, hạnh kiểm, rèn luyện theo quy định của ngành Giáo dục. Nhận thức của HSSV về các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập, rèn luyện có nhiều chuyển biến.
Nhiều tấm gương HSSV nghèo vượt khó, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tấm gương HSSV sống đẹp, giúp bạn đến trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số những tồn tại hạn chế như: Một bộ phận thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật do nhận thức chưa đúng về lịch sử truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của dân tộc; đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương.
Việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ qua môi trường mạng chưa được triển khai mạnh mẽ. Nguồn lực để triển khai còn hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác học sinh, sinh viên trong thực tế còn chưa cao.
Để triển khai hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác HSSV trong năm học tới, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, kiến nghị, thống nhất những nội dung, hình thức, phương pháp mang tính cốt lõi giúp các địa phương, các nhà trường thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đề xuất giúp Bộ GD&ĐT có những định hướng chỉ đạo sát sao, hiệu quả ngay cho năm học 2024-2025 và trong thời gian tới.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo kết quả triển khai công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023-2024; phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo đó, năm học 2023-2024, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho HSSV tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cơ sở GD-ĐT đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Nhiều mô hình giáo dục được triển khai hiệu quả như: Mô hình xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh trong các trường học; mô hình giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh thông qua di sản; mô hình phiên tòa giả định; mô hình giáo dục pháp luật trực tuyến...
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025, báo cáo chỉ ra 7 nội dung quan trọng. Đó là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; Tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người học; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động; Tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Tại hội nghị, đại biểu đến từ các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đã trình bày các tham luận, nêu những kết quả đạt được và những khó khăn trong thực tiễn triển khai công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV và bàn giải pháp. Nhiều mô hình hay về công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV cũng được chia sẻ tại hội nghị.
Đó là tham luận “Phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh” của Sở GD&ĐT Bắc Giang, tham luận “Xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc” của Sở GD&ĐT TP.HCM; tham luận “Kinh nghiệm triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực học đường” của Sở GD&ĐT Long An.
Tham luận “Tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học của HSSV" của Đại học Quốc gia Hà Nội; tham luận “Theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng HSSV thông qua hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với HSSV” của Trường Đại học Tây Nguyên; tham luận “Thiết lập hệ sinh thái nhân văn, xây dựng cộng đồng phát triển bền vững” của Trường Đại học Văn Lang...