Nhiều người trẻ thích đi du lịch trái mùa
Người trẻ loay hoay tìm kiếm công việc sau Tết Du lịch chữa lành tâm hồn của giới trẻ Để bảo vệ môi trường, giới trẻ ít lái xe hơn |
Tránh sự đông đúc, quá tải
Mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn 10 ngày nhưng Trần Lan Anh (27 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội) lại chỉ lựa chọn chỉ ở nhà, thăm họ hàng, đi cà phê với bạn bè thay vì bắt đầu năm mới ở một nơi xa. Lan Anh cho biết từ khi du lịch mở cửa, cô đã dành thời gian thăm thú nhiều địa danh nổi tiếng tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Với cô, khi đi du lịch sẽ tập trung vào trải nghiệm là chính nên không lựa chọn đi vào mùa cao điểm.
Thời điểm rằm tháng Giêng, khi mọi người đã bắt đầu quay trở lại công việc, đó mới là thời điểm cô gái 27 tuổi tận hưởng những chuyến đi. Không tắc đường, không chen chúc, không chờ đợi, không phụ thu… là những tiêu chí hàng đầu của Lan Anh trước khi quyết định đi chơi xa.
Lan Anh chọn đi du lịch dịp sau Tết để tránh tắc đường, hết phòng hay chi phí cao |
Giữa tháng 2, có mặt ở Chiang Mai, một địa danh nổi tiếng tại Thái Lan, Lan Anh hài lòng với những tấm ảnh đẹp. Cô thoải mái thuê đồ bản địa để chụp ảnh chỉ trong vòng vài phút, không phải chờ đợi vật vờ vài tiếng để đến lượt.
Vì có kế hoạch đi du lịch ngay sau Tết, Lan Anh ngày nào cũng đều đặn vào kiểm tra giá vé của các chặng bay quốc tế sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Theo cô, không khó nhận ra khi vào mùa cao điểm, các chuyến bay đều bị độn giá chóng mặt.
"Thông thường, mình bay đến Thái Lan chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi, nhưng trong Tết, đặc biệt từ mùng 2 đến mùng 6, giá vé khoảng 6 triệu đồng thậm chí hơn rất nhiều", Lan Anh chia sẻ.
Chấp nhận "chôn chân” ở nhà những ngày Tết Tết, bù lại, Lan Anh tiết kiệm được hơn 3 triệu tiền vé máy bay chênh lệch. Đó là chưa kể, nếu đi vào dịp đầu năm, các khách sạn tốt, giá rẻ đều hết phòng, nếu Lan Anh tới Thái Lan vào thời điểm đó, cô phải chọn ở chỗ đắt tiền hơn, hoặc nơi ở trong tầm giá nhưng chất lượng dịch vụ không cao.
Trong khi đó, Thanh Hà (23 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh) từng dự định khai xuân bằng chuyến đi đền chùa tại Hà Nội, Ninh Bình và Hà Nam vào dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thấy tình hình ở Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc, Tam Chúc… đông nghẹt khách, cô và bạn chùn bước, lỡ hẹn với các vùng đất trên. Thay vào đó, thứ hai đi làm lại, đôi bạn xin nghỉ thêm thứ sáu và thứ hai của tuần tiếp theo để thực hiện kế hoạch.
Thanh Hà đã có một chuyến du lịch chọn vẹn khi tránh được cảnh đông đúc thường thấy mùa lễ hội |
Cô gái trẻ cho biết thời điểm cô có mặt ở Ninh Bình, khách du lịch nội địa đã thưa bớt, chủ yếu là người nước ngoài. Tình trạng chen chúc nhau vào chùa Bái Đính, hay xếp hàng đợi chèo thuyền ở Tràng An cũng không còn xảy ra. Cô và bạn đã tiết kiệm được một khoản đáng kể khi vui chơi, ăn uống tại đây vì các hàng quán đều được niêm yết giá cụ thể, đầy đủ món, không phụ thu như trước đó du khách phản ánh.
Chuyến đi này, cô và bạn cũng lựa chọn được bungalow nhỏ nhìn ra núi với mức giá chỉ 600.000 đồng cho 2 người. Trước đó qua tìm hiểu, cô biết những ngày cao điểm tại đây, giá phòng đều phải nhân đôi.
"Mình khá thích những địa điểm du lịch có niêm yết giá rõ ràng như tại Ninh Bình, tránh tình trạng chặt chém khách. Được như vậy tâm lý sẽ thoải mái hơn để có thể thăm thú các nơi", Thanh Hà chia sẻ.
Thoải mái hơn khi đi sau Tết
Vừa nghỉ làm ở công ty cũ, Hải Đăng (26 tuổi, sống tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng) dành ra 10 ngày để đi du lịch thư giãn cùng nhóm bạn thân. Địa điểm Đăng lựa chọn là Hà Nội và Hà Giang – những nơi chàng trai trẻ muốn đến từ lâu mà chưa có dịp.
Kế hoạch đã được lên sẵn vào tháng 2/2023 nhưng do bận rộn công việc, sát ngày khởi hành Đăng mới đặt phòng, mua vé tàu hỏa. May mắn cho Hải Đăng, vì đã qua Tết, các khách sạn vẫn còn nhiều chỗ trống để Đăng lựa chọn.
Dù quyết định đi sát ngày, Hải Đăng vẫn có một chuyến đi tuyệt vời tại Hà Nội và Hà Giang |
Với ngân sách 10 triệu đồng, chàng trai cho hay chi phí di chuyển là chiếm nhiều nhất. Vé khứ hồi Đà Lạt - Hà Nội tốn hơn 4 triệu đồng, cộng thêm tiền di chuyển từ Thủ đô lên Hà Giang và ngược lại là 1 triệu đồng.
“Khoản đi lại đã ngốn hết một nửa tổng số tiền mà mình dự trù. Tuy nhiên, nếu đi vào mùa cao điểm chắc nhiêu đó là chưa đủ. Các dịch vụ khác giá cũng khá ‘mềm’”, anh chia sẻ.
Theo chàng trai trẻ, du lịch trái mùa có nhiều lợi ích hơn hẳn thời gian cao điểm. Một trong số đó là hạn chế tình trạng “thổi giá” và đám đông chen chúc. Đăng cho rằng chuyến đi sẽ bớt vui khi đến điểm nào cũng phải chen chúc, không thể thoải mái tận hưởng thời tiết, văn hóa, vẻ đẹp của nơi đó. Chàng trai trẻ cũng tiết lộ mình thuộc tuýp người du lịch trải nghiệm, thích đi đến những chỗ không ai biết.
“Chuyến đi vừa rồi khá vui. Thời tiết hơi mưa và lạnh một chút nhưng không thành vấn đề. Sau 3 ngày ở Hà Nội, mình đã dành thời gian còn lại để khám phá Hà Giang và 4 huyện cao nguyên đá. Điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là phong cảnh hùng vĩ và những nét kiến trúc, văn hoá bản địa độc đáo”, Hải Đăng bày tỏ.
Biết đến loại hình du lịch kết hợp cắm trại đã lâu nhưng đến đầu tháng 2, Thủy Tiên (21 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới có cơ hội trải nghiệm tại khu vực Sóc Sơn (Hà Nội). Theo lời cô, đây là thời điểm thích hợp khi các điểm đến đã dần thưa người mùa lễ hội.
Đồng hành với Thủy Tiên là nhóm bạn thân gồm 6 thành viên. Chuyến đi được chốt lịch khá bất ngờ, cả hội chỉ có 3 ngày chuẩn bị từ đặt dịch vụ cho thuê lều, đặt xe để di chuyển tới điểm cắm trại tại hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội).
Cắm trại tại ngoại thành là lựa chọn của Thủy Tiên để tránh mùa cao điểm du lịch lễ hội |
“Chúng mình chọn gói cao nhất là 1.000.000 đồng/người, bao gồm lều, túi ngủ, chăn nệm, tiệc nướng buổi tối, phí chèo SUP… Khi đến, mọi thứ đã được chuẩn bị xong, khách chỉ vào sử dụng”, Thủy Tiên nói.
Theo lời Thủy Tiên, do đi vào mùa thấp điểm, nhóm cô có thể tận dụng được hết mọi hoạt động nằm trong gói tour, chẳng hạn chèo SUP không giới hạn thời gian, đi dạo ngắm cảnh, chụp hình… Điểm trừ duy nhất là không có người hướng dẫn nên mất khá lâu để Thủy Tiên và các bạn làm quen với môn thể thao dưới nước. Tuy nhiên, cô gái trẻ cho rằng hình thức du lịch này vẫn rất phù hợp với những ai quá bận rộn với công việc nhưng vẫn muốn "trốn khỏi" thành phố như cô.
“Trước đây mình từng đi chơi vào dịp Tết với gia đình. Từ lúc lên đại học, mình không còn mặn mà lắm với các điểm du lịch phổ biến nữa. Ngoài chen lấn, chật vật giữa “rừng người” thi nhau tìm vị trí đẹp để check-in, mình không thích việc đôn giá khiến khách bị mất một khoản phí không đáng và mang lại những cảm xúc khó chịu”, Thủy Tiên chia sẻ thêm.