Để bảo vệ môi trường, giới trẻ ít lái xe hơn
ChatGPT làm mưa làm gió trong giới trẻ Giới trẻ đang sẵn sàng đối mặt với áp lực Du lịch chữa lành tâm hồn của giới trẻ |
Fhay Adah Crandall (16 tuổi, học sinh trung học ở Portland, Oregon, Mỹ) thường bị gia đình giục sớm học lái xe. Tuy nhiên, Crandall từ lâu đã tham gia phong trào phản đối ô nhiễm mà ô tô mang lại.
Cô gái trẻ thừa nhận, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có thể lái xe. Cô sẽ tiết kiệm được thời gian ngồi xe bus và có thể đi tới bất cứ nơi nào mình muốn. Tuy nhiên, Crandall cho biết, cô ghét ý tưởng phải phụ thuộc vào ô tô.
Tại các nước phát triển, bằng lái xe từng được coi là một điều gì đó không thể thiếu trước khi một thiếu niên bước vào tuổi trưởng thành. Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ không còn quan tâm tới bằng lái xe, thậm chí phản đối xe hơi khi họ bước vào tuổi 20. Crandall là một ví dụ.
Người dân đạp xe tại Berlin, Đức (Ảnh: CNN) |
Theo thống kê, năm 1997, khoảng 43% số người 16 tuổi tại Mỹ có bằng lái xe. Đến 2020 (thời điểm gần nhất dữ liệu được thu thập), chỉ 25% người 16 tuổi tại Mỹ sở hữu bằng lái xe. Khoảng 20% người Mỹ độ tuổi từ 20 - 24 không có bằng lái xe, so với chỉ 12% vào năm 1983. Tỷ lệ người có bằng lái xe ở Mỹ trong mọi lứa tuổi đều đang giảm xuống. Những người có bằng lái xe cũng đang sử dụng ô tô ngày một ít hơn. So với năm 1990, quãng đường lái xe của thiếu niên Mỹ vào năm 2017 đã giảm 35%. Con số này ở người độ tuổi 20 - 24 giảm 18%.
Xu hướng này cũng diễn ra tại Châu Âu. Tại Anh, tỷ lệ thanh thiếu niên có bằng lái xe đã giảm gần một nửa, từ 41 xuống 21% trong 20 năm qua. Tại các nước Liên minh Châu Âu (EU), mặc dù số lượng xe hơi đang ở mức nhiều chưa từng có, tuy nhiên, quãng đường mỗi người lái xe di chuyển đã giảm 10% so với thế hệ trước. Ngay cả ở Đức, cái nôi của nền công nghiệp ô tô, tỷ lệ người dân lái xe cũng ngày một ít hơn.
Đặc biệt, xu hướng này phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn. Một nghiên cứu tại 5 thủ đô của Châu Âu là Berlin (Đức), Copenhagen (Đan Mạch), London (Anh), Paris (Pháp) và Vienna (Áo) cho thấy, số lượng người tự lái xe đi làm đã giảm đáng kể, từ mức cao nhất vào những năm 1990. Riêng ở Paris, số chuyến đi được thực hiện trên mỗi cư dân đã giảm xuống dưới mức của những năm 1970.
Giới trẻ có xu hướng lựa chọn phương tiện công cộng thay cho xe cá nhân (Ảnh: Shutterstock) |
Một trong các động lực khiến giới trẻ quay lưng với xe cá nhân là lo ngại biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học West of England công bố năm 2018, các nguyên nhân khác có thể bao gồm sự phát triển của ngành taxi công nghệ, tình hình kinh tế khó khăn với người trẻ, thời gian học tập dài... Chi phí sở hữu ô tô cũng đang trở nên đắt đỏ hơn. Tại Mỹ, chi phí sở hữu một xe hơi và di chuyển quãng đường 10.000km trong năm 2022 đã tăng 11%, lên gần 11.000 USD.
Người trẻ không còn hứng thú với lái xe cũng trở thành động lực cho chính quyền các thành phố lớn. Tại London, Milan (Italy) và Stockholm (Thụy Điển), chính quyền thành phố đã thông qua những chính sách thu phí tắc nghẽn ở khu vực trung tâm.
Phí tắc nghẽn giao thông thực ra là khoản phí thu từ các xe đi vào trung tâm thành phố hay còn gọi là phí vào nội đô trong giờ cao điểm. Mục tiêu chung của tất cả các thành phố này là giảm lưu lượng giao thông vào khu vực trung tâm để tránh tắc nghẽn, giảm thiểu ô nhiễm khói bụi; Đồng thời tạo ra doanh thu và nguồn tái đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông địa phương. Tại Oslo (Na Uy), chính quyền thành phố đã hoàn tất loại bỏ gần như mọi không gian đỗ xe trên đường ở khu vực trung tâm.
Ở Paris, Thị trưởng Anne Hidalgo đã cho thu hẹp diện tích đường cho xe ô tô, xóa bỏ các bãi đỗ xe, trả lại không gian cho người đi bộ. Năm 2021, bà Hidalgo thông báo kế hoạch tái phát triển đại lộ Champs-Elysees nhằm tạo thêm không gian cho người đi bộ và trồng cây xanh.
Biến đổi khí hậu được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt trong thế kỷ XXI. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Theo ước tính, khoảng 50% các loài động thực vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C. Nguyên nhân, chúng mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, nạn phá rừng và nước biển ấm lên. Những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra cho hành tinh đang ngày càng trở nên rõ rệt. Trong số đó, nổi bật là tình trạng hạn hán dữ dội, khan hiếm nước, cháy rừng nghiêm trọng, nước biển dâng, lũ lụt, băng tan ở vùng cực, các cơn bão thảm khốc và suy giảm đa dạng sinh học, nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm sớm hơn dự báo trước đây… Hàng năm có khoảng 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. |