Nhiều sở, ngành trình UBND tỉnh An Giang xem xét vụ bệnh viện “kêu cứu”
An Giang: Bắt nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp Bệnh viện “kêu cứu” do việc thanh toán thủy tinh thể bị tạm dừng An Giang: Phát hiện nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón giả |
Rõ trách nhiệm của chủ đầu tư
Ngày 15/03/2024, báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng bài “Bệnh viện “kêu cứu” do việc thanh toán thủy tinh thể bị tạm dừng” phản ánh Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang làm công văn gửi Sở Y tế và UBND tỉnh An Giang “cho ý kiến chỉ đạo” việc thanh toán công nợ mua thủy tinh thể nhân tạo.
Kêu cứu của Bệnh viện đang chờ UBND tỉnh An Giang giải quyết |
Nguyên nhân, gói thầu mua sắm tập trung 7 loại thủy tinh thể nhân tạo do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang làm chủ đầu tư.
Ngày 26/6/2023, chủ đầu tư có quyết định lựa chọn nhà thầu là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Coupha (Codupha) và ngày 29/6/2023 đã ký thỏa thuận khung để Codupha cung cấp cho các cơ sở y tế trong tỉnh.
Theo đó, ngày 7/7/2023, bệnh viện ký hợp đồng mua thủy tinh thể nhân tạo với Codupha, bước đầu nhận 200 sản phẩm với giá tiền 457.200.000 đồng. Sử dụng đến ngày 19/7/2023 thì chủ đầu tư thông báo tạm dừng hợp đồng đến nay, nên đang phải mang nợ.
Sau bài báo, ngày 18/3/2024, Sở Y tế tỉnh An Giang có Công văn số 644/SYT-KHTC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xin ý kiến về việc thanh toán công nợ của bệnh viện.
Ngày 19/3/2024, Sở KH&ĐT có Công văn Số 644/SKHĐT-KHN do Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Nghị ký, trả lời Sở Y tế. Qua đây, đã lộ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.
Công văn của Sở KH&ĐT nhấn mạnh, căn cứ khoản 15 Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định: “Khi phát sinh tình huống thì chủ đầu tư xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Công văn Sở KH&ĐT tỉnh An Giang phân tích trách nhiệm của chủ đầu tư |
Ở gói thầu này, việc phải mang nợ của bệnh viện càng rõ trách nhiệm chủ đầu tư: Do trước khi ký kết hợp đồng đã có nhà thầu gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tuy nhiên, chủ đầu tư (bên mời thầu) vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng và ký thỏa thuận khung thay vì tạm dừng để chờ kết quả giải quyết kiến nghị của nhà thầu như thế nào rồi mới triển khai tiếp tục.
Công văn của Sở KH&ĐT nêu cụ thể quá trình xử lý không đúng quy định của chủ đầu tư: Ngày 26/6/2023, chủ đầu tư ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Codupha.
Ngày 28/6/2023, một số nhà thầu bị loại đã có đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Chưa xem xét kiến nghị, ngày 29/6/2023, chủ đầu tư đã ký thỏa thuận khung với nhà thầu trúng thầu là Codupha.
Ngày 4/7/2023, chủ đầu tư có văn bản phúc đáp kiến nghị của nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đến ngày 5/7/2023, chủ đầu tư thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu là Codupha.
Ngày 6/7/2023, một số nhà thầu bị loại gửi đơn kiến nghị đến Sở KH&ĐT (Hội đồng tư vấn). Tuy nhiên, ngày 7/7/2023, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thực hiện ký kết hợp đồng với nhà thầu Codupha.
Trình UBND tỉnh xem xét
Chủ đầu tư gói thầu cho rằng, có thể cho phép bệnh viện thanh toán món nợ. Đại diện chủ đầu tư đưa ra Công văn số 630/CV-BQLDA ngày 20/3/2024 gửi tới Sở Y tế, trong đó phân tích: “Đối với hàng hóa đã được ký hợp đồng, cung cấp, sử dụng và đáp ứng đầy đủ các điều kiện về quy trình khám chữa bệnh, hồ sơ pháp lý chứng minh nghiệm thu hàng hóa, được sử dụng đúng quy định trong thời gian từ ngày 29/6 đến 18/7/2023 và đủ điều kiện thanh toán thì Ban Quản lý dự án thống nhất đề xuất cấp thẩm quyền cho phép bệnh viện được thanh toán theo nội dung hợp đồng mua bán đã ký kết”.
Công văn Sở Y tế trình UBND tỉnh xem xét, quyết định |
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư không giải thích được tình thế phức tạp hiện nay. Đó là, thời gian từ ngày 29/6 đến 18/7/2023, chủ đầu tư chấm Copuda trúng thầu nhưng ngày 19/7/2023 đã tạm dừng.
Đến ngày 8/8/2023, UBND tỉnh An Giang có quyết định đánh giá lại hồ sơ dự thầu của Codupha.
Nguyên do, các sản phẩm dự thầu của Codupha chưa được đánh giá đầy đủ về kỹ thuật; E-HSMT yêu cầu đa tiêu, lọc ánh sáng xanh, lắp sẵn trong cartridge nhưng sản phẩm dự thầu không đáp ứng.
Trong đó, thủy tinh thể nhân tạo mà bệnh viện đã ký hợp đồng và nhận của Codupha để mang nợ đến nay là sản phẩm Sida-Lens SDACY, không đáp ứng yêu cầu “lắp sẵn trong cartridge”. Loại này có giá thấp hơn lắp sẵn trong cartridge cả triệu đồng một sản phẩm.
Về vấn đề này, khi được hỏi ý kiến, đại diện Sở Tài chính tỉnh An Giang cũng nói rõ trách nhiệm của chủ đầu tư: “Được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung hàng hóa y tế tại Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 10/6/2020 của UBND tỉnh, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quyết định xử lý tình huống và kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 74 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013”.
Sau khi UBND tỉnh yêu cầu “đánh giá lại kết quả lựa chọn nhà thầu” thì chủ đầu tư phải thực hiện. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện việc đánh giá lại.
Phóng viên đã liên hệ Sở Y tế và được cung cấp Công văn số 54/TTr-SYT ngày 25/3/2024 gửi UBND tỉnh An Giang, do Giám đốc Trần Quang Hiền ký. Trong đó, công văn lược lại ý kiến của bệnh viện, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, chủ đầu tư và “trình UBND tỉnh xem xét, quyết định”.