Nhiều tín hiệu tích cực trong công tác phối hợp liên ngành
BHXH Thành phố đã chuyển hồ sơ 583 doanh nghiệp, với số tiền nợ BHXH 474,3 tỷ đồng đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Công khai danh sách 50 đơn vị nợ BHXH từ hơn 1 tỷ đồng
Nhanh chóng khắc phục khó khăn trong quá trình cấp mã số BHXH
Tham gia BHYT hộ gia đình để được chăm sóc sức khỏe toàn diện
TP HCM: Cố tình không khắc phục nợ BHXH sẽ bị xử lý hình sự
Những kết quả quan trọng
Việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong cung cấp, trao đổi thông tin được đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ 583 doanh nghiệp, với số tiền nợ BHXH 474,3 tỷ đồng đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.
Công an thành phố cung cấp dữ liệu dân cư làm cơ sở quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT và đồng bộ dữ liệu để cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Cơ quan Thuế phối hợp cung cấp mã số thuế của 176.912 đơn vị mới thành lập; danh sách 41.937 đơn vị ngừng, dừng sản xuất kinh doanh, bỏ trốn, bị phong tỏa hóa đơn; 6.432 đơn vị có dấu hiệu vi phạm Luật BHXH, BHYT.
Thực hiện đề nghị của Cục Thuế thành phố, BHXH thành phố xác nhận 363 đơn vị sử dụng lao động trước khi thực hiện quy trình khen thưởng. Bên cạnh đó, BHXH thành phố có văn bản đề nghị Công an thành phố phối hợp điều tra, xác minh bảo đảm quyền lợi của người lao động tại 11 đơn vị nợ BHXH với số tiền trên 57 tỷ đồng. Sau khi có văn bản đề nghị, các đơn vị đã nộp được trên 29 tỷ đồng tiền BHXH.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Liên ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện 2.119 cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị, với tổng số tiền nợ 397 tỷ đồng, thu hồi được 218 tỷ đồng (đạt 49,5%), xử phạt hành vi chậm đóng BHXH tại 11 đơn vị, với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.
Giám đốc BHXH Thành phố Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành được tổ chức tại Hà Nội |
Bằng nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHTN, tính đến tháng 6/2019, có 33.593 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 486.867 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 1.928,3 tỷ đồng (giảm 208 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018), chiếm 4,44% Kế hoạch Thu.
Nói về những kết quả đạt được khi thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, Phó Giám đốc BHXH thành phố Đàm Thị Hòa cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Liên ngành đã tích cực phát huy hiệu quả công tác phối hợp đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, liên ngành đã phối hợp tổ chức 205 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp, người lao động, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, đại lý thu, chi trên địa bàn thành phố với 49.799 người tham dự; phát triển thêm được 689 đại lý thu, với 2.179 nhân viên đại lý…
Tiếp tục khắc phục khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh một số kết quả đạt được, Liên ngành cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như tỷ lệ nợ đóng BHXH trên địa bàn thành phố mặc dù đã giảm mạnh qua từng năm nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trên 400 ngàn người lao động về chế độ BHXH, BHYT.
Theo Phó Giám đốc Đàm Thị Hòa, mặc dù tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng ý thức chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Thậm chí, người lao động nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, có tình trạng thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia. Đặc biệt, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động…chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Đức Hòa đề nghị Liên ngành tiếp tục phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó đặc biệt quan tâm, đổi mới các hình thức biện pháp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT hiệu quả tới doanh nghiệp và người lao động tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015.
Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH chuyển để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên địa bàn.