Những câu chuyện dung dị, sâu sắc trong cuốn sách "Suốt đời học Bác"
Bìa cuốn sách "Suốt đời học Bác" được NXB Kim Đồng gửi đến độc giả nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bài liên quan
Ra mắt cuốn sách tập hợp kí họa về cách ly vì dịch Covid-19 của du học sinh Việt
Cảm thông hơn với cuốn sách "Mọi thứ đều có thể thay đổi"
Cuốn sách truyền cảm hứng cho BTS "sốt" sau 3 ngày phát hành tại Việt Nam
Cuốn sách cung cấp những bài học về kĩ năng lãnh đạo từ Nhật Bản
Cuốn sách giới thiệu mười sáu câu chuyện về Bác qua ghi chép từ lời kể “người thật việc thật” của nhà báo Kiều Mai Sơn với những phát hiện và góc nhìn mới.
Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học và nghệ thuật. Trong suốt hơn 60 năm qua, tủ sách Bác Hồ kính yêu luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong những ấn phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc thiếu nhi.
Đã có rất nhiều cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng có không ít những cuốn sách ghi lại những hồi ức, kỉ niệm, tình cảm thiêng liêng của các tầng lớp nhân dân dành cho Người nhưng mỗi câu chuyện về Người được kể lại, được viết ra, lại thêm một lần cuốn hút.
Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản suốt đời tận tụy vì nước, vì dân với những phẩm chất giản dị mà cao đẹp luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ tìm hiểu, học tập, noi theo. Những chuyện kể về Người luôn gợi cho chúng ta nhiều xúc cảm chân thành.
Trong tập sách này, bạn đọc sẽ được trở lại Cao Bằng, lắng nghe hoài niệm về thời kì gian khó, hiểm nguy - những ngày đầu tiên khi vị Cha già trở về Tổ quốc qua lời kể của cụ Hoàng Thị Đào, dân tộc Tày, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, (Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc).
Bạn đọc cũng hòa cùng không khí tưng bừng, trang nghiêm của buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, đồng cảm với người thanh niên Hà Nội về niềm tôn kính Bác, về lí tưởng được cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Thủ đô và xây dựng đất nước của đại tá Nguyễn Xuân Lương (Học Bác suốt đời).
Chúng ta cũng thêm cảm phục tài dân vận của Bác trong công cuộc kêu gọi những trí thức lớn ở nước ngoài về phụng sự Tổ quốc, khiến họ “yêu quý, khâm phục và một lòng một dạ tin tưởng đi theo Người, cho đến trọn cuộc đời mình”, bằng “nhân cách cao cả cùng sự uyên thâm của Người: một nhà văn hóa lớn, một người yêu nước thương nòi sâu sắc.” (Từ sức hấp dẫn lôi cuốn kì diệu của Bác Hồ, Người trí thức dấn thân).
Bác có khả năng thấu tỏ sự thực đằng sau bề mặt, thấu hiểu nỗi khổ của người dân lao động nghèo, khiến họ yên tâm bày tỏ tâm tư, bằng sự giản dị, hòa mình vào cuộc sống của người dân (Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn).
Cảm động làm sao khi biết rằng, dù bận việc nước, việc quân, Bác vẫn quan tâm đến đời sống cá nhân của từng cán bộ trong cơ quan. Lời dặn của Bác: “Bác không tặng cái áo này cho cô. Cô giữ lấy đến khi nào chú ấy ở ngoài Côn Đảo về thì để chú ấy mặc” khiến người được tặng áo xúc động khôn nguôi. (Chiếc áo Bác Hồ)
Theo chân Bác lên chiến khu Việt Bắc, chúng ta lại được Người chỉ bảo về nếp sinh hoạt tiết kiệm, lối sống văn minh; về ý thức sáng tạo, vượt lên nghịch cảnh qua lời kể của những cán bộ, nhân viên được làm việc cùng Bác…
Còn nhiều nữa, những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác mà mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, lời nói của Người đều được khắc ghi, trở thành nguồn động viên, khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách khó khăn để hướng tới một ngày mai tươi sáng, hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
“Suốt đời học Bác” để làm mình trưởng thành hơn trong lối sống, trong nếp nghĩ.
Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tái bản một loạt ấn phẩm: “Nhật ký trong tù” – bản dịch trọn vẹn của Viện Văn học, tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, truyện tranh “Từ làng Sen” – lời của nhà văn Sơn Tùng, tranh minh họa của họa sĩ Lê Lam, và tập chuyện kể “Bác Hồ kính yêu”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng bày tỏ: “Tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu”.
Còn nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury thì nhận xét: “Nét đặc sắc trong thơ của Người là niềm tin tưởng và sự ung dung ngay cả trong nỗi bất hạnh không thể tin nổi.
Trong một hoàn cảnh như vậy, Hồ Chí Minh vẫn rung cảm nồng nhiệt khi thoáng nhìn một khoảng trời xanh, thoáng nhìn một cánh chim chiều hoặc chợt nhận thấy hương thơm của hoa rừng sẩm tối. Hoặc khi người thấy một cảnh núi xa mờ, những cảnh sống bình thường nơi thôn xóm - cô gái quê đang xay ngô, tiếng sáo trẻ chăn trâu, ngọn khói lam chiều”.
“Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng - người đã dành trọn cuộc đời mình để viết về Bác Hồ và các vị anh hùng, những nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc.
Tác phẩm “Búp Sen Xanh” kể về thời thơ ấu và một phần tuổi trẻ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng quê Nghệ An, rồi kinh đô Huế - nơi đã nuôi dưỡng ý chí, tâm hồn và nhân cách của một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại.
“Từ Làng Sen” là cuốn sách gồm 25 bức tranh về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm có mối quan hệ gắn bó với “Búp sen xanh” - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch.
Những hình ảnh trong tác phẩm “Từ làng Sen” ghi lại chân thực về từng giai đoạn trong cuộc đời Bác, gắn liền với những diễn biến lịch sử trọng đại của toàn dân tộc, làm nên cốt cách, tâm hồn, tư tưởng và chí hướng Hồ Chí Minh.
“Bác Hồ kính yêu” là tuyển tập những câu chuyện được chọn và soạn lại từ các sách báo và tạp chí viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp toàn thể nhân dân và các em thiếu niên nhi đồng noi theo gương Bác để học và rèn luyện, trở thành những chiến sĩ trung thành và xuất sắc kế tục sự nghiệp vĩ đại Người.