Những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
Chiều 16/12, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phối hợp với Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo thương mại hoá các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực Nông nghiệp - Môi trường”.
Ứng dụng công nghệ cao
Chuyển đổi số nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và tính bền vững. Công cuộc này đang được các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh.
Đồng chí Hoàng Thanh Tâm phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Thanh Tâm Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên Trường học Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội chia sẻ: “Đây là chương trình nằm trong chuỗi hội thảo về Hoạt động đẩy mạnh thương mại hoá các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực...
Hội thảo được tổ chức với mong muốn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để khai thác, ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu của sinh viên về lĩnh vực Nông nghiệp - Môi trường”.
Chia sẻ về thực tế các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại nước ta, thúc đẩy ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh chỉ rõ thực tiến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiên nay |
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ số vào mọi hoạt động nông nghiệp truyền thống, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ.
Một trong những khâu quan trọng của nông nghiệp là ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc, về lĩnh vực này, TS. Chu Anh Tiệp, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, nông nghiệp đang ứng dụng 4 công nghệ số chính trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc: Internet vạn vật, Công nghệ chuỗi khối, Điện toán đám mây, Công nghệ mạng”.
Phát triển là thế nhưng quá trình truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay vẫn còn một số tồn tại, trong đó TS. Chu Anh Tiệp nhấn mạnh “Chúng ta chưa tạo ra được cổng thông tin mở để cho người sản xuất tự tạo dữ liệu phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, giống như tạo các gian hàng/ cửa hàng trên web thương mại điện tử”.
TS. Chu Anh Tiệp, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về quá trình truy xuất nguồn gốc nông sản |
Giải pháp chuyển đổi số
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng ý rằng, trước tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp – môi trường tại Việt Nam là điều tất yếu.
Một trong những vấn đề quan trọng của hội thảo là giải pháp để canh tác lúa giảm phát khí thải hiệu ứng nhà kính và thị trường tín chỉ carbon. TS. Vũ Duy Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Vấn đề này có thể ứng dụng công nghệ bằng cách nghiên cứu sử dụng công nghệ blockchain để giám sát lịch sử giao dịch tín chỉ carbon và đảm bảo tính minh bạch”.
Tại hội thảo, bạn Trần Đình Đức, sinh viên năm thứ 4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ băn khoăn: “Đâu là vấn đề quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao mạnh mẽ và hiệu quả”.
Sinh viên đặt câu hỏi thảo luận |
Trả lời vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn về khoa học công nghệ đang rất thiếu. Không chỉ đối với Việt Nam mà các công ty nước ngoài luôn kéo nhân lực tốt về để tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao”.
Không chỉ là những bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội còn mang đến hội thảo dự án Coffuel - sản phẩm viên nén sinh khối bã cà phê. Đây được xem là giải pháp năng lượng tái tạo, thay thế cho các nguyên liệu đốt truyền thống như than đá và tận dụng được những phụ phẩm công nghiệp sẵn có.
Các ý kiến tại hội thảo tiếp cận dưới nhiều góc nhìn và chủ đề khác nhau nhưng nội dung chủ đạo là làm rõ những thực tiễn và giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.