Những miền quê cách mạng ngày ấy, bây giờ...
Xã Đông Mỹ ngày nay mang những gam màu tươi sáng với các trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Bài liên quan
Tạo sự khác biệt của tuổi trẻ Thủ đô trong cuộc cách mạng 4.0
Đảng bộ thành phố Hà Nội: 90 năm một chặng đường vẻ vang
Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng lập nên nhiều kỳ tích
Đào hầm, đắp lũy bảo vệ quê hương
Xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từng là nơi nuôi giấu cán bộ thời kỳ kháng chiến năm xưa. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Kim Thư, trước Cách mạng tháng Tám, Đông Mỹ là cái nôi của phong trào cách mạng vùng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên của xã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng.
Tháng 5/1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của ngoại thành Hà Nội được thành lập tại thôn Đông Phù đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ.
Thời kỳ này, các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… đã về đây chỉ đạo phong trào cách mạng. Trung ương đặt ở Đông Mỹ cơ quan giao thông, cơ quan ấn loát; Xứ ủy Bắc kỳ cũng đặt cơ sở chỉ đạo, liên lạc tại đây.
Nhiều quần chúng ở Đông Mỹ đã trở thành cán bộ giao liên, phong trào đấu tranh của người dân đã đóng góp không nhỏ cho cách mạng thời kỳ mặt trận dân chủ 1936 - 1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.
Trong số cán bộ về địa phương hoạt động thời kỳ này có cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, người con của dòng họ, quê hương Đông Mỹ. Thời kỳ này, nhiều gia đình ở Đông Mỹ không quản gian khó, đóng góp của cải, vật chất, giúp cán bộ mua lương thực, súng đạn, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc.
Cũng là một địa phương có phong trào cách mạng phát triển khá sớm, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) đã nổi tiếng cả nước với phong trào “Trao gậy Trường Sơn”.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá Phùng Văn Mạnh nhớ lại: Những năm 1965 - 1966, Hòa Xá đã có sáng kiến thành lập phân đội dự bị để sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Xã rà soát kỹ lực lượng thanh niên và tổ chức rèn luyện bằng cách để các thanh niên hành quân, đeo ba lô nặng. Trong những buổi tập luyện, người Hòa Xá có sáng kiến làm cây gậy chống để chặng đường hành quân đỡ mệt. Các cụ già trong làng chặt tre, làm gậy tặng cho thanh niên mang theo khi lên đường ra trận.
Năm 1966, ba người con của Hòa Xá trên đường hành quân vào miền Nam, gặp đồng đội chuẩn bị ra miền Bắc đã gửi về quê hương ba chiếc gậy Trường Sơn nhằm báo tin cho gia đình yên tâm. Từ việc rèn quân, tặng gậy, quê hương Hòa Xá nhận được gậy bộ đội của làng gửi về.
Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”. Năm 1973, lực lượng vũ trang nhân dân xã Hòa Xá được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm 1946 - 1947, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội) là nơi địch càn đi, càn lại nhiều lần. Để bảo vệ làng, năm 1947, người dân Nam Hồng cùng nhau đào những đường hầm sâu dưới lòng đất, thông từ nhà này qua nhà khác, từ xóm trên xuống xóm dưới, nối thông các hầm với nhau thành hệ thống giao thông liên hoàn trong lòng đất... Đầu năm 1948, địa đạo Nam Hồng trở thành một “thiên la, địa võng” bí mật, không một người nào có thể biết được tất cả cửa lên, xuống, đường đi, lối lại…
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Nguyễn Tiến Dương cho biết: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 11km địa đạo của Nam Hồng đã được hình thành. Người dân còn tạo được gần 10km giao thông hào, hơn 8km thành lũy, 2.680 hố chiến đấu, 465 hầm bí mật… Người dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên địch, làm bị thương 153 tên, bắt sống 11 tên…
Phát huy truyền thống anh hùng
Cùng với nhiều miền quê khác trong cả nước, những mảnh đất, con người ở các vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Hà Nội đã góp phần to lớn vào phong trào cách mạng chung toàn dân tộc, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh bảo vệ non sông, đất nước, mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc Việt Nam.
Giờ đây, những vùng quê ấy đang tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng của quê hương với nhiều đổi thay.
Xã Đông Mỹ hiện nay đang ngày càng phồn thịnh nhờ hàng loạt trang trại kinh tế trong khu chuyển đổi. Năm 2014, Đông Mỹ là xã đầu tiên của huyện Thanh Trì được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Bức tranh nông thôn mới Đông Mỹ hôm nay được các thế hệ vẽ thêm nhiều gam màu tươi sáng với những con đường rộng thênh thang rợp bóng cây xanh, những công trình phúc lợi khang trang phóng theo tầm mắt. Khu trang trại chuyển đổi 110ha là vùng đồng trũng với đầm, ao, hồ, lâu nay đã trở thành lợi thế bởi những mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Còn tại quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” ngày nay đã phát triển đa ngành nghề nên không có người thất nghiệp. Ngoài nông nghiệp, trên địa bàn xã có công ty may xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 600 lao động; nhiều gia đình mở xưởng may xuất khẩu tại nhà, thu hút vài chục lao động tham gia. Ngoài ra, Hòa Xá còn có hơn 100 máy dệt vải màn, cung cấp cho các đơn vị sản xuất thiết bị y tế...
Nhờ nỗ lực trong phát triển kinh tế, hết năm 2019, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Hòa Xá đạt 50 triệu đồng/người; cả xã chỉ còn hai hộ nghèo. Hòa Xá đã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới từ năm 2015 và tiếp tục xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Viết tiếp trang sử đầy tự hào trong công cuộc đổi mới, người dân Nam Hồng tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Từ những năm 2010, nhân dân thôn Đoài và các thôn trong xã Nam Hồng đã sẵn sàng hiến đất, tham gia làm đường, cải tạo kênh mương...
Năm 2013, xã Nam Hồng đã có 3,5km đường liên xã, 2km đường liên thôn được thảm nhựa và 31,83km đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; cứng hóa 31,5km kênh mương do xã quản lý… Năm 2014, Nam Hồng được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 1.
Hiện tại, chính quyền và người dân Nam Hồng đang nỗ lực đưa “xã lên phường” theo lộ trình với những tiền đề thuận lợi, như: Thu nhập bình quân hiện đạt 51 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 1,06%; y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ…
Truyền thống vẻ vang trong kháng chiến luôn là niềm tự hào, động lực thúc đẩy các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những miền quê giàu truyền thống cách mạng trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo tồn văn hóa... Trên nền tảng vững chãi đó, các thế hệ cán bộ, nhân dân ở những vùng quê này cùng rất nhiều làng quê khác dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội đã, đang và tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực, sáng tạo nhằm mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại…