Những người tuyệt đối không nên tắm lá mùi già ngày cuối năm
Những bậc cao niên, ông bà trong gia đình thường nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để tắm vào chiều 30 Tết. Đây đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam không thể thiếu trong mỗi độ Tết đến xuân về.
Người xưa quan niệm, mùi thơm ấm nồng của cây mùi sẽ giúp rửa sạch mọi điều không may của năm cũ để chào đón năm mới với những điều tốt lành.
Theo Đông y, rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, chống mệt mỏi, giúp lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, hồi phục sức khỏe. Ngoài ra tinh dầu rau mùi còn chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng tiêu viêm khi bị bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiết niệu.
Tắm lá mùi già rất tốt nhưng trong một số trường hợp thì không nên sử dụng
Tốt như vậy, nhưng trong một số trường hợp chúng ta không nên sử dụng lá mùi già để tắm.
- Những người đang mắc bệnh viêm da
Những người đang bị tổn thương ở ngoài da như mắc bệnh viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc, nhiễm trùng... thì không nên lá mùi già nói riêng và tất cả các loại lá nói chung.
- Tắm sau ăn no
Những người vừa ăn no không nên tắm lá mùi già bởi sẽ là mạch máu nở, máu luân chuyển mạnh dẫn đến thiếu máu ở dạ dày,
- Mắc sởi hay thủy đậu
Không nên dùng lá mùi già tắm cho trẻ đang bị bệnh sởi hay thủy đậu khi đang sốt, đang ủ bệnh, khi trẻ đã mọc ban hay khi sởi vừa bay đi. Lúc này làn da của trẻ rất dễ bị kích ứng, tắm lá mùi già vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
- Tắm cho trẻ sơ sinh
Đối tượng này có làn da, cơ địa vô cùng nhạy cảm. Việc tắm lá mùi có thể vô tình khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
Những lưu ý khi tắm lá mùi già ngày cuối năm
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Đông y, trước khi sử dụng lá mùi già nên rửa sạch và đun sôi để tránh nhiễm khuẩn. Không nên tắm lá mùi già quá đặc, nên pha loãng để tránh kích ứng da.