Những nhà báo trẻ xông pha “trận tuyến” chống dịch
Những phóng viên trẻ hòa mình vào niềm vui, nỗi buồn của nhân vật |
Sẵn sàng lên đường
Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh Covd-19 xuất hiện tại Việt Nam, nữ phóng viên Hà Thanh (báo Tuổi Trẻ) đã có mặt hầu hết tại các điểm nóng. Cô đến với Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới, lực lượng bảo đảm tại các khu cách ly, nơi cách ly y tế chống dịch…
Cô gái trẻ lao vào điểm nóng dịch bệnh để làm công việc của người đưa tin, hỗ trợ đắc lực chính quyền các địa phương dập dịch hiệu quả. Có chuyến đi của cô kéo dài gần hai tháng, ngược miền biên viễn Lào Cai, xuôi về Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), vào Trúc Bạch (Hà Nội), đến các khu cách ly người về từ “đỉnh dịch” Vũ Hán (Trung Quốc), Daegu (Hàn Quốc), Châu Âu. Cô cùng đồng nghiệp của mình ngoài trang bị khẩu trang, găng tay, xịt khử khuẩn liên tục... còn phải thực hiện một quy định nghiêm ngặt nữa là tự cách ly tại nhà đủ thời gian quy định khi tác nghiệp ở những nơi này.
Phóng viên Hà Thanh |
Nữ phóng viên kể: “Sau 14 ngày, tôi liên hệ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhờ giới thiệu đến các khu vực cách ly, nói vui là xin được vào xem các anh bộ đội "ăn ở thế nào". Làm việc với bộ đội, đôi lúc cũng… khó nhằn một chút, bởi phóng viên không được tiếp cận vòng cách ly đặc biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không được tiếp cận, chúng tôi nảy ra "sáng kiến" xin phép các anh được phỏng vấn qua hàng rào thép gai, đảm bảo nguyên tắc cách xa 2 - 3m.
Bộ đội mặc bảo hộ kín mít, phóng viên cũng kín như bưng, đeo khẩu trang phỏng vấn từ xa nên ai cũng hiểu phải nói thật to, thật rõ. Phỏng vấn xong, trút bỏ bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi càng thấu hiểu hơn cho các anh khi mỗi ngày mặc nguyên bộ đồ bảo hộ leo từ tầng nọ sang tầng kia, từ tầng thấp nhất đến cao nhất, gõ cửa từng phòng đưa cơm nước cho bà con”.
Hà Thanh bày tỏ, mỗi lần mặc lên mình bộ bảo hộ kín mít là một cảm xúc khác nhau. Dù "chẳng biết thế nào" nhưng cô luôn sẵn sàng nhận lệnh lên đường với nguyên tắc bất di bất dịch: Bảo hộ, bảo hộ và bảo hộ để ghi nhận công tác phòng, chống dịch. Cô đến biên giới Trung Quốc, xuôi về tâm dịch Sơn Lôi, Trúc Bạch, xóm chạy thận gần khu Bạch Mai (Hà Nội) năm 2020. Mới đây, Hà Thanh “hành quân” ngược biên giới dịp giáp Tết ghi nhận công tác phòng, chống dịch nơi biên ải tuyến Việt Nam - Trung Quốc ở Hà Giang, Lào Cai.
Cô nhớ lại, có lần di chuyển từ biên giới về đến đồn biên phòng là trời tối mịt, say xe đứ đừ nhưng vẫn miệt mài gõ mà các anh bộ đội vẫn cố đợi cơm bằng được không chịu ăn trước. Hà Thanh vẫn nhớ mãi thời điểm vừa mới vào đến Sơn Lôi, chị biên tập ở cơ quan nhắn tin “làm gì làm cũng nhớ đảm bảo an toàn”, càng thúc giục cô phải vào bằng được. Lúc hỏi đường vào nhà một bệnh nhân, có cụ già ở làng động viên, mấy anh em cẩn thận, cũng bởi “chẳng ai dám vào đây mà cô cậu vào”.
Lần thứ ba cô vào khu cách ly Trung đoàn Bộ binh 59 (Sư đoàn 301), thuốc khử trùng xịt thẳng người. Những tưởng thuốc khử trùng cũng… thơm tho như thuốc của mấy chú Binh chủng Hóa học phun ở Trúc Bạch, ai dè rặt mùi Cloramin-b; Rồi khi khoác bộ bảo hộ vào xóm chạy thận, thương các cô, bác thiếu thốn trăm bề…
Hà Thanh trong bộ quần áo bảo hộ khi tác nghiệp ở vùng dịch |
Mỗi lần tác nghiệp ở điểm nóng, Hà Thanh tuân thủ tự cách ly tại nhà, tổng cộng 2 đợt là 28 ngày. Những ngày tự cách ly tại nhà, cô xúc động với những món quà của chị đồng nghiệp, với những viên vitamin C hay những quả cam từ Hà Giang được gửi về xuôi động viên tinh thần.
“6 năm làm báo, tuổi nghề còn trẻ nhưng may mắn, biên giới phía Bắc nào cũng qua, góp mặt gần hết bão lũ phía Bắc và “xông pha” vào trận tuyến Covid-19 sẽ là trải nghiệm nghề đáng nhớ nhất đời làm báo của mình”, Hà Thanh tâm sự.
Làm việc không mệt mỏi...
Làm việc tại báo VnExpress, phóng viên Nguyễn Lệ Chi được phân công theo dõi mảng y tế. Trước làn sóng dịch Covid-19, cô đã góp phần ghi lại những công việc mà các y, bác sĩ và ngành Y tế đã và đang làm. Nữ phóng viên trẻ muốn thông tin đúng nhất về dịch bệnh đưa đến độc giả, đặc biệt vào năm 2020, khi thông tin về virus còn ít và thiếu.
Nguyễn Lệ Chi cho biết: “Gần như năm 2020 tôi chỉ làm tin, bài về Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm và xử lý khối lượng thông tin lớn. Chẳng ai ở Ban Sức khỏe và những người theo dõi mảng y tế của báo VnExpress nhớ được đã làm bao nhiêu tin, bài vì nhiều quá”.
Đề tài cô được tòa soạn giao cũng nhiều, tự mình phát hiện cũng không ít. Với nữ phóng viên, bài báo nào cũng có điểm hài lòng và điểm chưa được. Có giai đoạn thì thích bài này, giai đoạn khác lại thích bài kia, vì thông tin mới, sáng, được độc giả đón nhận. Cũng có thể vì bài viết đó đánh dấu một cột mốc mới trong sự nghiệp nhưng nhìn chung các bài viết đã được xuất bản, cô đều thích. Chúng hàng ngày nhắc nhở cô về tôn chỉ làm việc, về sự cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, khách quan, uy tín trong nghề. Thông tin càng có sức tác động lớn thì càng phải cẩn thận hơn nữa.
Phóng viên Nguyễn Lệ Chi tác nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch |
Nguyễn Lệ Chi cho hay, trong mùa dịch, cô cùng đồng nghiệp mảng y tế làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Hơn một năm làm việc như vậy, đến nay nữ phóng viên trẻ cơ bản quen với áp lực. Nhịp độ làm việc khi có dịch phải tăng gấp đôi so với bình thường. Cô bận đến nỗi không nhớ ngày hôm nay của mình diễn ra như thế nào, có câu chuyện gì không. Có lẽ nhớ nhất là phải làm việc cường độ cao từ sáng đến tối, nên có giai đoạn giãn dịch, quay lại nhịp độ làm việc cũ thì có chút không quen.
Nữ phóng viên chia sẻ: “Có người từng hỏi, tôi sẵn sàng đi vào vùng dịch, nơi có bệnh truyền nhiễm để thông tin không? Lúc đó, tôi nói mình sẽ đi. Việc có mặt ở hiện trường để phản ánh chính xác sự kiện không phải nhiệm vụ của một phóng viên hay sao. Sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm màng não… đều là các bệnh truyền nhiễm hàng ngày có mặt tại bệnh viện. "Món" bệnh truyền nhiễm là đặc sản của xứ nhiệt đới - mấy người bạn làm ngành y của tôi hay đùa như vậy nhưng đúng là Covid-19 rất khác biệt, dễ lây, dễ nhiễm, còn việc điều trị thì kéo dài cả tháng”.
Tuy nhiên, cô gái trẻ không quá sợ hãi song cũng không vì thế mà cứ “lao bừa” vào vùng dịch, bởi khi bất cẩn mắc bệnh thì sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, Nguyễn Lệ Chi và rất nhiều đồng nghiệp đi vào vùng dịch nhưng luôn giữ bản thân ở khu vực an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của khu vực chống dịch và mặc bảo hộ, khử khuẩn, cách ly đầy đủ.
Không chỉ xông pha trực tiếp tác nghiệp nơi tiếp tuyến đầu chống dịch, các nhà báo, phóng viên còn chung tay, góp sức tích cực ủng hộ, hỗ trợ Nhân dân, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, nhiều cán bộ, phóng viên đang công tác tại báo Tuổi trẻ Thủ đô đã kêu gọi các "mạnh thường quân" ủng hộ kinh phí, gạo, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, cùng nhiều vật phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội và trao tặng đến Nhân dân ở “điểm nóng” dịch bệnh.
Đồng thời, các nhà báo, phóng viên còn hỗ trợ bà con tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên… tiêu thụ nông sản bị ứ đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản, các nhà báo, phóng viên còn tham gia mở điểm bán hàng lưu động, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch. |