Những phóng viên trẻ hòa mình vào niềm vui, nỗi buồn của nhân vật
Phóng viên Phan Hà Linh tác nghiệp tại Trường Sa
Bài liên quan
Hà Nội: Phóng viên trẻ dũng cảm bắt cướp, lấy lại tài sản cho dân
Trải nghiệm khóa học nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên trẻ
Future News Worldwide 2020 - Cơ hội học tập dành cho những phóng viên trẻ
Vô vàn ký ức không thể quên
Phóng viên Phan Hà Linh, sinh năm 1987, công tác tại báo Nhân Dân. Tháng 4/2012, kết thúc chương trình học tập ở Cuba, chàng trai trẻ trở về Việt Nam. Vốn tính thích “xê dịch”, làm quen với những người bạn mới, cộng thêm vốn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh trong những năm ngồi ghế giảng đường, anh quyết định “đầu quân” cho các công ty du lịch.
Làm việc được vài tháng, anh nhận ra, sự “xê dịch” và các cung đường mới bên những người bạn nước ngoài lạ lẫm dường như chưa đủ đối với mong muốn của anh. Trong lúc đang loay hoay suy nghĩ, anh bất ngờ gặp lại một người bạn cũ là nhà báo, từng cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ báo chí sinh viên khi còn ở Cuba. Người bạn đó bảo anh thử sức với nghề báo. Thế rồi, Phan Hà Linh thi tuyển vào báo Nhân Dân.
Phan Hà Linh chia sẻ, quãng thời gian học việc ở báo Nhân Dân không hề đơn giản với một người trẻ như anh. Trong nhiều tháng liên tiếp, ngày nào anh cũng đọc kỹ hàng chục tờ báo in hằng ngày để học hỏi văn phong đặc trưng, xin các trang bản thảo cũ của đồng nghiệp đi trước, so sánh với những tin bài được phát hành để trau dồi cách viết. Hằng tuần, anh đều đi theo đồng nghiệp để tăng cường thực hành, tiếp cận vấn đề thực tế.
Phóng viên Phan Hà Linh chụp ảnh lưu niệm với bà Aleida Guevara March, con gái của anh hùng dân tộc của Cuba, Enersto Che Guevara, tại Nga |
Chặng đường làm báo của anh bắt đầu với vô vàn ký ức không thể quên. Phan Hà Linh kể, ngày 4/10/2013, người dân cả nước bàng hoàng và đau xót khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Cũng như những cơ quan thông tấn, báo chí khác, báo Nhân Dân điện tử tung hết quân số để phục vụ tuyên truyền về nghi lễ Quốc tang và nỗi tiếc thương vô hạn của người dân đối với vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Chàng phóng viên trẻ mới chập chững vào nghề được giao nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc, mẩu chuyện từ hàng triệu người dân đổ về Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong mười ngày ấy, Phan Hà Linh gần như có mặt thường trực ở khu vực đường Hoàng Diệu, phố Trần Thánh Tông và chỉ tranh thủ chợp mắt ít phút mỗi khi trở về tòa soạn để viết bài và biên tập ảnh.
“Xung quanh tôi, mọi người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên giáp đều khóc, người già, thanh niên, trẻ em cũng khóc. Đưa máy ảnh lên chụp lại những khoảnh khắc ấy, tôi bất chợt nhận ra mắt mình cũng nhòe ướt từ lúc nào. Hàng chục lần, tôi phải dùng hết sức kìm nén bản thân để có thể cầm bút tốc ký phỏng vấn mà không vỡ òa trong nỗi xúc cảm dâng trào”, phóng viên Phan Hà Linh xúc động bày tỏ.
Năm 2016, chàng trai trẻ lần đầu được đặt chân đến huyện đảo Trường Sa. Trong hàng nghìn ký ức tuyệt vời ở mảnh đất máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng, anh vẫn nhớ như in câu chuyện về tình mẫu tử của Đại đức Thích Nhuận Đạt và bà Phạm Thị Nhiên - mẹ ruột của ông.
Qua những cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Nhiên trên đường ra đảo Song Tử Tây, anh được biết, Đại đức Thích Nhuận Đạt xuất gia vào chùa Viên Ngộ (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) từ khi mới học lớp 7.
Phóng viên Phan Hà Linh phỏng vấn chiến sĩ trẻ tại điểm đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa |
Ông tình nguyện xin ra Trường Sa, trụ trì chùa Song Tử Tây với hành trang duy nhất là vài tấm áo nâu tu hành. Ba năm xa xôi cách trở, thi thoảng đảo mới có sóng điện thoại đủ mạnh để Đại đức gửi những tấm hình hiếm hoi về cho mẹ, cho gia đình thế nhưng ông và mẹ chỉ có đúng 3 giờ đồng hồ bên nhau trước khi tàu quay trở lại đất liền.
Chụp những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc Đại đức Thích Nhuận Đạt chạy trên âu tàu đảo Song Tử Tây rồi ôm chầm lấy mẹ, chàng trai trẻ như được chạm tay vào tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý vô ngần. Trong đầu anh hiện lên hình ảnh “mẹ hiền Việt Nam” tựa cửa, ngóng trông “các con” Trường Sa, Hoàng Sa ngày đêm hiên ngang nơi đầu sóng để bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên Phan Hà Linh bày tỏ: “Nghề báo vinh quang nhưng cũng đầy vất vả, gian nan. Người làm báo cần phải có trách nhiệm, luôn đề cao tính khách quan, chân thật để cống hiến đến độc giả những tác phẩm chất lượng. Để giữ ngọn lửa đam mê với nghề, người làm báo cần thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là bản lĩnh, ý chí tự chủ ngòi bút trước những cám dỗ luôn trực chờ. Có đam mê, tâm trong, bút sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đó là những tố chất phải có nếu muốn gắn bó với nghề báo”.
Phần thưởng lớn nhất khi những “đứa con tinh thần” được đón nhận
Ngay từ khi còn nhỏ, Thanh Duyên, sinh năm 1991, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã rất thích viết và đọc sách báo, xem các chương trình thời sự trên truyền hình. Cũng từ đó, cô gái trẻ ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ trở thành một nhà báo để được chính bàn tay, khối óc của mình thực hiện những tác phẩm như vậy.
Phóng viên trẻ Thanh Duyên |
Ước mơ đó lớn dần, tốt nghiệp cấp 3, Thanh Duyên thi đỗ vào khoa Báo chí và Truyền thông của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Trong những năm tháng còn trên giảng đường, cô gái đã tham gia cộng tác với một số tờ báo, trang tin điện tử dành cho giới trẻ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2015, Duyên về nhận công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho đến nay. Tại đài, cô được giao phụ trách theo dõi đưa tin bài về công tác Đoàn, hoạt động của thanh thiếu nhi và ngành Giáo dục. Ngoài ra, cô còn tham gia phản ánh các vấn đề dân sinh trên địa bàn Thủ đô.
Những ngày đầu bước vào nghề báo, với năng lượng của tuổi trẻ, nữ phóng viên rất háo hức và mong muốn được tham gia những chuyến công tác xa, để có thể dấn thân, lấy tư liệu viết tin, bài. Ban đầu, cô nghĩ nghề này chỉ đơn giản là được đi nhiều rồi viết những gì tai nghe mắt thấy nhưng sau một thời gian trải nghiệm, Duyên nhận ra rằng, nghề báo không dễ dàng, hào nhoáng như những gì cô từng tưởng tượng trước đây.
Để có được một tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng thực tế và tạo được dư luận xã hội tốt, đòi hỏi phóng viên không chỉ năng động, tích cực đi cơ sở mà còn phải quan sát thực tế tốt, biết tổng hợp vấn đề, từ đó nghiên cứu, phân tích, có sự chắt lọc để phản ánh đúng sự việc, sự kiện, hiện thực.
“Với phóng viên trẻ, sự lạ lẫm và bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi trong thời gian đầu. Những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật; Gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe nhân vật bộc bạch; Hòa mình với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những kỷ niệm, dấu ấn trong nghề không thể nào quên đối với bản thân tôi. Những va vấp trong công việc, tự trang bị kiến thức mới đã giúp tôi dần trưởng thành và thêm yêu nghề”, Thanh Duyên cho hay.
Phóng viên Thanh Duyên làm phóng sự tại trường học |
Trong quá trình làm báo, cô được một số giải thưởng báo chí của Trung ương và thành phố Hà Nội . Tuy nhiên, niềm hạnh phúc lớn nhất với nữ phóng viên trẻ này là nhận được cuộc gọi điện, thư tay của khán thính giả, những nhân vật trong bài viết gửi về chia sẻ rằng rất yêu thích, cảm động những bài viết, chương trình mà cô thực hiện.
Có em sinh viên hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi chia sẻ rằng, nhờ bài viết của phóng viên Thanh Duyên mà em đón nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân, giúp em yên tâm học tập, thực hiện ước mơ của mình. Có những bác tổ trưởng tổ dân phố chia sẻ, qua phóng sự phản ánh mà người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi; Rồi cả các bác lãnh đạo thôn nhắn tin, gọi điện kể, sau khi bài viết giới thiệu về mô hình xây dựng Nông thôn mới của địa phương do cô thực hiện được lên sóng, đã có nhiều đơn vị đến học hỏi cách làm.
Với Duyên, những điều đó thực sự là món quà, phần thưởng lớn nhất, khi những “đứa con tinh thần” được mọi người yêu thương, đón nhận. Thanh Duyên cho rằng, công việc nào cũng có vất vả riêng, mang lại những niềm hạnh phúc. Nghề báo lắm truân chuyên, thậm chí phải hy sinh, đặc biệt đối với phái nữ càng cần nhiều nỗ lực cố gắng hơn.
Có thời điểm cô phóng viên trẻ phải rời nhà từ 5 giờ sáng và trở về lúc 11 giờ đêm, bất kể nắng mưa, không có ngày nghỉ nhưng đã chọn nghề, quyết tâm theo đuổi, cô cũng như nhiều đồng nghiệp trẻ luôn “cháy” hết mình với đam mê.
“Nếu ai hỏi tôi có hối hận khi chọn nghề báo không thì câu trả lời chắc chắn là không dù rất vất vả. Tôi yêu nghề báo. Nghề cho tôi cơ hội học hỏi, được trải nghiệm, phản ánh hơi thở của cuộc sống, gặp gỡ nhiều người, những tấm gương bình dị mà cao quý. Điều đó khiến tôi có thêm động lực đi nhiều hơn, viết nhiều hơn và mong muốn thông qua những bài báo của mình góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống”, Thanh Duyên bày tỏ.