Những vấn đề xung quanh việc góp vốn 7ha đất đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư
Bình Thuận: Nhà đầu tư mua dự án Sunny Villa sau 12 năm vẫn chưa có sổ đỏ Bình Thuận: "Điểm tên" 33 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đã rao bán, thu tiền |
Ngày 29/6 vừa qua, một nhóm các nhà đầu tư đã căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng giải quyết vụ việc 12 năm chưa có sổ đỏ tại dự án Sunny Villa (phường Mũi Né, TP Phan Thiết).
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đã gửi đơn tố cáo chủ đầu tư dự án này tới UBND tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận để vào cuộc giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Vào thời điểm mở bán năm 2011, chủ đầu tư dự án Sunny Villa là Công ty TNHH Phát triển S.I, do ông Dương Văn Phúc làm Tổng Giám đốc đã ủy quyền cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn, do bà Huỳnh Hồng Ngọc làm Tổng Giám đốc thực hiện kinh doanh, ký hợp đồng nhận góp vốn. Theo tìm hiểu, thực chất ông Phúc và bà Ngọc là vợ chồng, tức chồng ủy quyền cho vợ để bán đất nền dự án trên |
Theo hồ sơ, cuối năm 2016, chủ đầu tư dự án sân golf Hòn Rơm là Công ty TNHH Phát triển S.I đã tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận (hai công ty này có tên gần giống nhau). Cụ thể, công ty này tăng vốn bằng hình thức tiếp nhận vốn góp của thành viên mới, theo đó vốn điều lệ của Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận tăng từ 45 lên 90 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Phát triển S.I đã góp vốn vào Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận bằng pháp lý quyền sử dụng đất 70.000m2 khu nghỉ dưỡng Sunny Villa thuộc dự án sân golf Hòn Rơm, kèm tất cả tài sản gắn liền trên đất gồm cơ sở hạ tầng, cây trồng, vật kiến trúc… Lúc này, khu đất 70.000m2 trên được định giá là 45 tỷ đồng.
Việc góp vốn, tăng vốn điều lệ này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KHĐT) tỉnh Bình Thuận chấp thuận.
Theo các nhà đầu tư, điều bất thường là từ năm 2011, dự án này đã được chủ đầu tư mang đi ký kết và thu tiền từ 70 đến 95% giá trị của nhiều nhà đầu tư; Trong đó giá trị hợp đồng đã bao gồm tiền thuế nộp cho Nhà nước.
Liên quan đến nội dung trên, mới đây trong văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô của Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận (do Giám đốc là ông Lê Ngọc Tiến ký) cho biết, ngày 30/12/2016, Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận nộp hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên công ty và tăng vốn điều lệ bằng hình thức tiếp nhận thành viên mới là Công ty TNHH Phát triển S.I (đã được Hội đồng thành viên công ty chấp thuận là thành viên góp vốn bằng hình thức tiếp nhận thành viên mới). Từ đó, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận hồ sơ đăng ký tiếp nhận thành viên mới và tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận.
Đối với nội dung “Công ty TNHH Phát triển S.I đã góp vốn vào Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận bằng pháp lý quyền sử dụng đất 70.000m2 khu nghỉ dưỡng Sunny Villa thuộc dự án sân golf Hòn Rơm…”, Sở KHĐT cho rằng do doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thông tin đã được Hội đồng thành viên công ty chấp thuận.
Đồng thời, Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận không có dự án đầu tư được cơ quan thẩm quyền chấp thuận trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc góp vốn bằng 70.000m2 khu nghỉ dưỡng Sunny Villa là do doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm (trích văn bản phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô) |
Văn bản trả lời của Sở KHĐT là vậy nhưng trước đó tại Văn bản số 1550/SKHĐT-HTĐT ngày 26/4/2017 của Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận lại có nội dung "mâu thuẫn" văn bản của người đương nhiệm ký.
Cụ thể, văn bản ban hành năm 2017 xác định việc điều chỉnh bổ sung mục tiêu đầu tư biệt thự bán và cho thuê và điều chỉnh hạng mục khu resort với diện tích 7ha giao cho Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận quản lý để đầu tư không làm thay đổi mục tiêu đầu tư của dự án.
Cũng tại văn bản trên, số tiền thuê đất của dự án công ty còn phải nộp đến năm 2016 là 6.834.646.000 đồng. Qua buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh, công ty chưa cung cấp được tài liệu liên quan đến việc chia tách dự án làm cơ sở cho Cục Thuế tỉnh có ý kiến.
Phải nói thêm rằng, nguồn gốc khu đất của dự án Sunny Villa nói riêng và tổng thể cả dự án sân golf Hòn Rơm đều là đất công, được Công ty TNHH Phát triển S.I thuê lại của UBND tỉnh Bình Thuận với thời hạn 50 năm.
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, việc xác định giá đất để tính thuế tại dự án Sunny Villa vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, theo văn bản mới đây (văn bản số 962 ngày 14/4/2023) của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện nay dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Hàng loạt những tồn tại, vướng mắc, bất cập, pháp lý chưa đảm bảo vẫn hiện hữu nhưng như đã nêu, trước đó từ năm 2011, dự án này đã được chủ đầu tư mang đi ký kết và thu tiền của nhiều nhà đầu tư; Trong đó, giá trị hợp đồng đã bao gồm tiền thuế nộp cho Nhà nước do các nhà đầu tư đóng.
Chưa hết, năm 2016, 7ha đất trên lại được định giá 45 tỷ đồng để Công ty TNHH Phát triển S.I làm tài sản góp vốn cho một công ty khác - Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận.
Nếu thật sự Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận ngưng hoạt động thì việc trước đó Công ty TNHH Phát triển S.I tham gia góp vốn 70.000m2 đất dự án Sunny Villa vào Công ty TNHH Phát triển S.I Bình Thuận sẽ được xử lý như thế nào?
Những vấn đề trên phải được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận sớm làm rõ, tránh để chồng chéo, cũng như khiếu kiện kéo dài. Điều này có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu kiện tại địa phương, như việc nhóm nhà đầu tư căng băng rôn trên là một minh chứng trước mắt.