Nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO UNESCO sẵn sàng đồng hành cùng Thủ đô trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Việt Nam khai thác hiệu quả giá trị danh hiệu UNESCO |
Tham dự buổi tiếp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu |
Tại buổi tiếp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ, Hà Nội được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”... thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Với lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng và có giá trị cao trên nhiều phương diện, Thủ đô Hà Nội cũng là “Thành phố di sản”, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa.
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, với nhiều không gian sáng tạo, lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Trong quá trình xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô, thành phố Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của UNESCO, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa, di sản truyền thống. Các kết quả hợp tác giữa Hà Nội và UNESCO đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá và phát huy các giá trị di sản, văn hóa, những hình ảnh đặc sắc về Thủ đô Hà Nội, đất nước và con người Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới và hội nhập tới bạn bè và cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tới Việt Nam lần này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của UNESCO với Chính phủ Việt Nam, cũng như với chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý di sản, trong đó có Thủ đô Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong số các di sản đã được UNESCO công nhận, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban Di sản thế giới thông qua Nghị quyết công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010 (năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), là niềm tự hào không chỉ của riêng Hà Nội mà của cả đất nước Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, Hà Nội luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác quản lý di sản thế giới, xây dựng quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản thế giới; thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khảo cổ học, sử học và các giá trị văn hóa phi vật thể…
Năm 2022, Hội thảo khoa học Quốc tế: “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” đã được tổ chức thành công, thông qua bản “Thông cáo Hà Nội 2022 về bảo tồn di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”. Đây là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu và đoàn công tác |
Hiện, thành phố đang triển khai công tác xây dựng hồ sơ “Báo cáo hiện trạng bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” và đã gửi UNESCO vào tháng 1/2024. Hồ sơ nghiên cứu làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và giảm thiểu tác động can thiệp tới tính xác thực của khu di sản trên theo nguyên tắc không làm thay đổi mà tăng thêm gấp bội phần giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đáp ứng ý nguyện và mong muốn của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của UNESCO, cũng như cá nhân Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO trong quá trình triển khai những định hướng phát triển này, đặc biệt là ủng hộ hồ sơ Bảo tồn Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (dự kiến sẽ được xem xét tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 7/024).
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu cho biết, sau 20 năm quay trở lại Hà Nội, bà thực sự ngỡ ngàng trước sự chuyển mình của thành phố và hy vọng, UNESCO sẽ tiếp tục góp phần vào sự phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.
Theo bà Simona-Mirela Miculescu, các nhà lãnh đạo UNESCO cũng như các chuyên gia về di sản hiểu rất rõ tầm quan trọng của Hoàng thành Thăng Long đối với Hà Nội cũng như Việt Nam; bày tỏ ấn tượng với những nỗ lực mà thành phố Hà Nội và Việt Nam đã làm những năm qua tại khu di sản này.
Trong chuyến thăm Hoàng thành Thăng Long và dâng hương tại điện Kính Thiên vào sáng nay, bà rất vui mừng khi chứng kiến lớp học về di sản với sự tham dự của hàng trăm học sinh. Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đánh giá đây là mô hình tuyệt vời, gắn giáo dục với phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona-Mirela Miculescu cho biết, hiện nay, UNESCO đang hướng đến mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực chung cho sự phát triển. Bà vui mừng khi nhận thấy, Việt Nam cũng ủng hộ hướng đi này.