Việt Nam khai thác hiệu quả giá trị danh hiệu UNESCO
Hà Nội nỗ lực phát huy giá trị các di sản với mục tiêu phát triển bền vững Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Hoàn thiện, vận động cho 4 hồ sơ đề cử UNESCO
Chiều 25/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tập huấn tuyên truyền hội nhập, UNESCO và ASEAN.
Tại hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp thông tin cho các phóng viên của các cơ quan báo chí về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII; tình hình thế giới và khu vực, những tác động và ảnh hưởng đến Việt Nam; thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác ngoại khối; chương trình công tác của Ủy ban quốc gia về UNESCO và các tiểu ban…
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đức Minh) |
Đáng chú ý, thông tin về các chương trình của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO cho biết, UNESCO và Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ và văn hóa.
Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, hiện 23 trường học của Việt Nam tham gia vào các mạng lưới của UNESCO. Điển hình như, trong số 300 thành phố trên thế giới có mặt trong Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO thì Việt Nam có 3 thành phố, đó là: TP Cao Lãnh, TP Sơn La, TP Hồ Chí Minh.
Những danh hiệu này không chỉ giúp các thành phố của Việt Nam được học tập kinh nghiệm từ các thành phố trong mạng lưới mà còn quảng bá hình ảnh của địa phương, thúc đẩy du lịch và từ đó có chiến lược đầu tư cho giáo dục.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới; trong đó có: Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng… Đặc biệt, UNESCO công nhận 3 danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu dành cho các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông. Những danh hiệu này đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cho các địa phương.
Điển hình như tỉnh Hà Giang, từ khi được nhận danh hiệu (năm 2010), du lịch đã trở thành nguồn thu chính. Năm 2023, Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang đã hút 3 triệu lượt khách, doanh thu trên 7.000 tỷ đồng.
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO thông tin về các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO (Ảnh: Đức Minh) |
Đối với lĩnh vực văn hóa, ông Trưởng cho hay, đây là lĩnh vực hợp tác nổi bật nhất giữa Việt Nam và UNESCO. Hiện nay, Việt Nam có 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu; 3 thành phố sáng tạo (Hà Nội, Đà Lạt, Hội An) được UNESCO vinh danh
Thời gian tới, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường tiếp cận nguồn lực và huy động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; hỗ trợ nghệ thuật đương đại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa và sáng tạo; triển khai đề án phát triển Mạng lưới sáng tạo UNESCO.
Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, hoàn thiện và vận động cho các hồ sơ đề cử: Cửu Đỉnh - Cung đình Huế (10/5/2024); Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (12/2024); Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn (9/2024); Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Phối hợp xây dựng hồ sơ cho Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc
Nói thêm về xu hướng bắt tay, liên kết giữa các tỉnh và quốc gia để lập hồ sơ đề cử UNESCO cho các di sản, chuyên gia của Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho hay, Việt Nam hiện nay sở hữu nhiều di sản nhưng không nằm trong danh sách các nước được ưu tiên. Nếu là di sản liên quốc gia sẽ được UNESCO ưu tiên xem xét. Do vậy, Việt Nam cũng đang phối hợp với Lào để xây dựng hồ sơ cho Phong Nha - Kẻ Bàng.
Riêng trong nước, 3 tỉnh gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương cũng đã phối hợp để xây dựng hồ sơ cho quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc. Để khẳng định giá trị của quần thể, 3 địa phương trên đã đồng thời chỉ đạo triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ…
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Đức Minh) |
Đây là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 18 cụm di sản với 32 điểm di tích tại liên tỉnh, địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp.
“Trên thực tế, những hồ sơ được ghi danh trước tiên phải trải qua một quá trình thẩm định khắt khe và khách quan của UNESCO. Bên cạnh đó, những di sản này đáp ứng tốt tiêu chí về bảo vệ và phát huy giá trị, đóng góp một cách thực chất, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO khẳng định.