Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn điện tử
Tìm hướng đi mới cho sản phẩm OCOP
Được biết đến là một trong những đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các loại tinh dầu lớn tại Thủ đô Hà Nội, sản lượng tiêu thụ sản phẩm luôn đạt ở mức cao song trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) đã lâm vào cảnh khó khăn khi không có đơn hàng nào được xuất đi.
Để duy trì sản xuất và giữ ổn định nguồn nguyên liệu, hợp tác xã đã phải tính đến việc tinh giảm lao động và chuyển hình thức sang làm việc luân phiên, thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn, thách thức, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé Phùng Đắc Kiêu và các thành viên đã tìm tòi và quyết định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada… để tìm kiếm thị trường mới.
Chủ thể OCOP trực tiếp tham gia livestream sản phẩm cùng “Hot TikToker” Long Chun |
Theo Giám đốc Phùng Đắc Kiêu, sản phẩm lên sàn chịu rất nhiều áp lực, ngoài cạnh tranh về giá thì việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng phải được chú trọng. Bên cạnh đó đội ngũ nhân viên phải được đầu tư, đào tạo bài bản để có các kỹ năng giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Cùng chung suy nghĩ và các làm với Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long cũng đã tìm đến với sàn thương mại Tiki và Shopee. Bước đầu, các sản phẩm của công ty đã tiếp cận được với nhóm khách hàng tiềm năng, doanh thu từ các sàn thương mại điện tử cũng dần ổn định và tăng theo từng năm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nền tảng số
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, dư địa phát triển sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội hiện còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, sản phẩm OCOP Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Sản phẩm OCOP hiện vẫn chủ yếu từ các làng nghề truyền thống; Những sản phẩm mới mang tính sáng tạo còn ít, thiếu các câu chuyện về sản phẩm, gắn với sản phẩm...
Do vậy, để sản phẩm OCOP của Thủ đô tiếp tục phát triển, mang hiệu quả kinh tế ngày càng cao, rất cần được các cấp, ngành của thành phố quan tâm hơn nữa. Bên cạnh yêu cầu phải chuẩn hóa các sản phẩm (mẫu mã, bao bì, chất lượng) thì những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm mới cần phải chú trọng.
Ngoài ra, để chương trình OCOP được thực hiện có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Nội đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số để đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Nếu giai đoạn 2018-2020, Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội tập trung vào đánh giá, phân hạng sản phẩm thì đến giai đoạn 2021-2025, xúc tiến thương mại là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số được coi là nét đặc trưng phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới.
Hà Nội tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố |
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức quảng bá, kết nối giao thương trên nền tảng số như: Sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”, mô hình thí điểm “Chợ đêm trên mây” vào tối thứ 6 hằng tuần trên nền tảng Facebook, thay đổi phương thức tiêu thụ và tiếp cận sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, vào tháng 8/2022, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác chiến lược với TikTok giúp các chủ thể OCOP ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP, như: Giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop và TikTok LIVE, tạo kênh tiêu thụ bền vững cho các chủ thể OCOP.
Cùng với ngành Nông nghiệp Thủ đô, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Sendo… Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.
Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của Hà Nội đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị thông qua các sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu, bảo đảm duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm… Do đó, để tăng cường đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, phát huy những kết quả đã làm được, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quảng bá, tiếp thị theo hướng xúc tiến thương mại.
Có thể thấy rằng, thành phố Hà Nội luôn có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của thành phố giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.