Nỗ lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động du lịch
Trong những năm qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nỗ lực không ngừng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Bộ đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1 luật, 7 nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 Thông tư.
Về phía địa phương, theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Du lịch quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh”, một số địa phương đã ban hành quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh (như: Lai Châu, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu...); một số địa phương hiện nay Sở đang trong quá trình tham mưu trình Ủy ban nhân dân xem xét, ban hành (ví dụ: Quảng Ngãi); một số địa phương chưa ban hành do chưa có khu du lịch cấp tỉnh (ví dụ: Hậu Giang, Phú Yên, Tây Ninh...).
Hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch |
Bên cạnh việc ban hành văn bản quy định về mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh, nhiều địa phương đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn như: Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, An Giang, Bình Phước, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên...); Quy chế quản lý khu du lịch, điểm du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hòa Bình...);
Quy chế phối hợp trong công tác hỗ trợ khách du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế...); Chính sách hỗ trợ, phát triển du lịch (một số tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Giang, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh, Yên Bái...).
Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật về du lịch tại các địa phương như: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch (Công văn số 2608/BVHTTDL-TCDL ngày 15/6/2018); đề nghị một số địa phương xử lý nghiêm việc cung cấp dịch vụ du lịch kém chất lượng cho khách du lịch (Công văn số 2151/BVHTTDL-TCDL ngày 22/5/2018;
Đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, quản lý khách du lịch; chú trọng kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4- 1/5 và Quốc khánh 2/9; phổ biến, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật du lịch và các văn bản liên quan đến lĩnh vực du lịch;
Hướng dẫn các Sở chủ động phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; Chỉ đạo một số Sở kiểm tra, xử lý phản ánh của khách du lịch về chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...), triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua POS (Point of sale - máy chấp nhận thanh toán thẻ) trái phép ra nước ngoài; chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm tại một số địa phương (Sầm Sơn, Hải Phòng...);
Tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho nhân lực du lịch các tỉnh khu vực Tây Nguyên; lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ khách sạn tại Lâm Đồng; lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch tại Đồng Tháp, Phú Yên, Quảng Nam và Hải Phòng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ khách sạn theo chương trình Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc 2019;
Chương trình Cà phê kết nối doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau giúp hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch sinh thái |
Tổ chức Hội nghị Tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam; Hội thảo tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch tại Đà Nẵng; Hội thảo Quản lý kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch và căn hộ khách sạn; Ban hành văn bản hướng dẫn các Sở áp dụng pháp luật về du lịch (Công văn số 1615/TCDL-LH ngày 01/12/2017 của Tổng cục Du lịch về việc điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên theo quy định của Luật Du lịch 2017; Công văn số 120/TCDL-LH ngày 08/12/2018 của Tổng cục Du lịch về việc hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch...);
Thường xuyên chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm tại một số địa bàn trọng điểm du lịch liên quan đến thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, thị trường khách outbound, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép, sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch hoặc sử dụng người không có thẻ làm hướng dẫn viên du lịch, sử dụng bằng cấp giả để xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; chấn chỉnh tình trạng người Việt Nam lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại nước ngoài...; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thực thi pháp luật trong quản lý kinh doanh cấp phép lữ hành, đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, quản lý chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại các tỉnh, thành phố.
Ngay sau khi Luật Du lịch được Quốc hội thông qua, Cục Du lịch Quốc gia tổ chức 02 hội nghị phổ biến, giới thiệu Luật Du lịch (tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) đến công chức các Sở, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch và các đối tượng khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều lồng ghép để phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật về du lịch mới được ban hành trong các Hội nghị phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thường xuyên lồng ghép để phổ biến nội dung pháp luật về du lịch trong các khóa tập huấn liên quan đến lĩnh vực quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, quản lý khu điểm du lịch; Cử cán bộ giới thiệu, phổ biến Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết Luật tại các Hội nghị phổ biến pháp luật do các địa phương tổ chức trong năm 2017, 2018 (Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Bình Thuận, Lạng Sơn, Đồng Nai...) và các năm tiếp theo;
Mở chuyên mục giới thiệu Luật Du lịch trên Tạp chí Du lịch, website của Tổng cục Du lịch; Hướng dẫn các tổ chức triển khai, áp dụng pháp luật về du lịch; Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Lồng ghép nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch và các lĩnh vực khác có liên quan trong giáo trình, tài liệu của các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với các địa phương, doanh nghiệp và hướng dẫn viên.
Thừa Thiên Huế Giới thiệu và phối hợp quảng bá trên các nền tảng trực tuyến VisitHue |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai thi hành trên địa bàn: Thường xuyên cập nhập thông tin trên website của cơ quan các văn bản chỉ đạo thực thi pháp luật trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh đối với thị trường khách đặc thù; cập nhật, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch tuân thủ thực thi pháp luật liên quan đến du lịch như giao thông vận tải, xuất, nhập cảnh; hải quan, kiểm dịch và phòng dịch...
Đồng thời, các Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (trước đây là Tổng cục Du lịch), các Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh, an toàn; phòng chống cháy nổ; phòng chống tệ nạn xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; ngăn ngừa, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm trên địa bàn.
Ở địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch luôn được các Sở quan tâm, thực hiện thường xuyên, thông qua tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn, đăng tải nội dung các văn bản trên Trang thông tin điện tử của Sở, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, văn bản trả lời vướng mắc của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đăng tải các văn bản mới ban hành trên Cổng thông tin điện tử của Sở và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội; tổ các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật về du lịch; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình thực hiện 20 chuyên mục chương trình Ống kính Du lịch nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật, quảng bá truyền thông văn hóa du lịch, văn minh, lịch sự của Cố đô Huế gắn với đất nước con người Việt Nam, phản ánh kịp thời các hiện tượng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch, đồng thời lồng ghép phổ biến những nội dung, quy định mới để người dân được nắm bắt kịp thời.
Năm du lịch quốc gia tại các địa phương hàng năm được tổ chức thành công, mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy tăng trưởng lượng khách tới các địa phương đăng cai, đạt mức tăng trưởng trên 20%. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai tích cực, mở rộng cả về phạm vi và quy mô, dưới nhiều hình thức, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Cầu Vàng - Đà Nẵng |
Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động hướng dẫn du lịch được thực hiện nghiêm; Bộ, các Sở đã thực hiện quản lý, cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, hoạt động hướng dẫn du lịch của các hướng dẫn viên du lịch trên phạm vi các địa phương và trong phạm vi toàn quốc.
Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 3.718 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 1.600 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 36.207 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trong đó có 21.069 hướng dẫn viên quốc tế, 13.545 hướng dẫn viên nội địa, 1.593 hướng dẫn viên tại điểm.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch đã được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ; nhiều sản phẩm du lịch được bổ sung đa dạng tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 571 điểm du lịch, 64 khu du lịch cấp tỉnh và 7 khu du lịch quốc gia đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch; có 244 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 80.276 buồng và 365 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 49.569 buồng.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư phát triển, hệ thống các tuyến đường cao tốc kết nối các khu, điểm du lịch làm tăng yếu tố hấp dẫn và khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.
Du lịch Việt Nam tham gia đầy đủ và hoạt động tích cực trong các Tổ chức du lịch quốc tế với tư cách là thành viên quốc gia chính thức của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Sáng kiến Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 (2015) lên hạng 67/136 (2017) và hạng 63/140 nền kinh tế (2019), trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới. Việt Nam vinh dự nhận được nhiều giải thưởng về du lịch danh giá đẳng cấp khu vực và thế giới. Nhiều thương hiệu du lịch của Việt Nam được trao tặng giải thưởng mang tính toàn cầu.
Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tăng trưởng mạnh mẽ |
Trước dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đây là mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%).
Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5%/năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%.
Du lịch góp phần xóa đói, giảm ngh o, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia. Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam.
Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.
Lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế tăng đáng kể và nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế sau thời gian hơn 2 năm dịch bệnh có chuyển biến tích cực:
Thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và tăng trưởng ngoạn mục, là bệ đỡ khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam, khẳng định vai trò đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế phạm vi toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019.
Du lịch tăng trưởng ấn tượng, Quy Nhơn thành điểm đến hút khách |
Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng đầu năm 2023 ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước do từ đầu năm các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Một số địa phương có doanh thu cao từ du lịch gồm có: Khánh Hòa tăng 138%; Đà Nẵng tăng 134,7%; Cần Thơ tăng 129,9%; Quảng Ninh tăng 87,5%; TP HCM tăng 68%; Hà Nội tăng 52,9%; Hải Phòng tăng 44%...
Tính chung trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%. Con số này cũng cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 - trước đại dịch COVID-19. Tổng lượng khách 11 tháng của năm 2023 đạt 103,2 triệu, lượng khách nội địa tháng 11/2023 ước đạt 4,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú.
Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm, tiêu biểu sôi động và có nhiều tín hiệu khởi sắc nhất là trong dịp nghỉ lễ. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước. Các địa phương đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng và bước đầu ghi nhận kết quả tích cực.
Có thể nói, sự chủ động chuẩn bị và triển khai nhiều sự kiện, hoạt động du lịch quy mô lớn của các tỉnh/thành phố, sự vào cuộc tích cực, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp, điểm đến trên cả nước đã tạo nên sự bùng nổ của khách du lịch nội địa, vượt xa mục tiêu của khách nội địa năm 2022
Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú chủ động trong việc mở cửa đón khách trở lại, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ khách, xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ,…là những yếu tố thu hút đông đảo lượng khách du lịch nội địa. Doanh số bán các tour nội địa và tour đi nước ngoài đều ghi nhận tín hiệu khả quan.