Tag

Nơi không có hoa đào

Văn học 14/02/2024 08:00
aa
TTTĐ - Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Nơi không có hoa đào" của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.
Lễ hội Hoa đào Lạng Sơn 2023 - Kỳ hoa xứ Lạng, sắc màu biên cương “Hoa đào Phù Trì”: Nhãn hiệu tập thể của bà con xã Kim Hoa Đắk Lắk: “Thủ phủ" hoa đào Buôn Hồ tất bật vào Tết

Mấy hôm nay, sáng nào trước khi đi học Bống cũng bắc ghế bóc một tờ trên cuốn lịch treo tường. Bống trông mong từng ngày đến Tết, chắc còn nôn nao hơn cả bà mong đám cúc đại đóa trước nhà trổ nụ. Bống mong Tết không phải vì muốn được lẽo đẽo theo bà đi chợ phiên cuối năm để sà vào xem váy vóc tươi xinh. Mà Bống chỉ mong nhanh đến Tết để được xuống thành phố chơi với mẹ.

Mẹ Bống là lao công quét dọn đường phố. Mấy năm nay mẹ đều ở lại làm Tết để kiếm thêm thu nhập. Bống ở nhà váy vóc xúng xính mà không thấy vui. Đêm giao thừa nhớ mẹ Bống chỉ biết vùi đầu vào lòng bà mà khóc. Năm nay Bống năn nhỉ mãi cuối cùng cũng được mẹ đồng ý cho xuống phố đón Tết cùng.

Nơi không có hoa đào

Dù mẹ bảo nhà trọ chật chội lắm, mẹ bận bịu cũng không sắm sửa được gì. Những lúc mẹ đi làm, Bống xuống chơi biết ở với ai? Nhưng Bống đâu có cần chi hết, ở đâu có mẹ là có Tết đủ đầy. Mẹ đi làm thì Bống cũng đi theo. Bống không muốn mẹ buồn khi đón Tết một mình dưới phố.

Chờ đợi mãi rồi buổi học cuối cùng trong năm cũng kết thúc. Xếp gọn lại sách vở Bống chuẩn bị đồ đạc để ngày mai cậu đưa xuống phố. Trong ba lô có vài bộ quần áo, lọ tinh bột nghệ trộn mật ong bà làm cho mẹ uống chữa bệnh đau dạ dày. Một chiếc khăn len Bống mới tập đan còn vụng về rúm ró. Ba lô vẫn còn chỗ nhét vừa cuốn truyện “Lại thằng nhóc Emil” mà Bống tính sẽ đọc cho mẹ nghe trước khi đi ngủ.

Mẹ gọi điện về dặn tàu xe ngày Tết đông, cậu út đưa Bống xuống đừng xách theo nhiều đồ đạc lúc chen chúc cực lắm. Dưới Hà Nội thứ gì cũng có cứ ra chợ đầu ngõ là thịt thà bánh trái đủ đầy. Nhưng bà bảo chẳng gì bằng đồ quê vừa sạch sẽ thơm ngon lại còn rẻ nữa. Bánh chưng một cặp, gà một con, giò một khoanh ấy vậy mà bà còn định dúi thêm nải chuối. Bống vắt cặp bánh chưng lên cổ, lủng lẳng nhảy chân sáo bước theo cậu ra ngoài đường lớn bắt xe. Lúc ngoảnh lại còn thấy cánh tay bà vẫy vẫy sau tán đào già.

Nơi không có hoa đào

Phòng trọ của mẹ nằm tít trong ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Lúc mở cửa bước vào Bống cứ nhìn xung quanh căn phòng, mấy lần định hỏi mẹ sao nơi này chật thế. Còn chật hơn cái nhà kho của bà mà đồ đạc thì chồng chất. Tường trong phòng đã bong tróc từng mảng lớn, Bống vừa chạm vào đã vội rụt tay. Mùi ẩm mốc xộc vào tận mũi. Mẹ lôi chiếc bếp ga mini đã hoen rỉ mẹ đặt ra ngoài hành lang xóm trọ.

Bống ngồi nhặt rau nhìn quanh khắp xóm trọ không thấy bất cứ dấu hiệu nào của Tết. Không có hoa đào, quất cảnh. Cũng chẳng thấy bó lá dong xanh nào dựng ngoài sân. Xóm trọ vắng tanh, ngoài dây phơi vài bộ quần áo công nhân bay phất phơ trước gió. Lá cây leo rụng đầy dưới sân, gió thổi dạt về một góc. Tiếng xào xạc lẫn trong tiếng rao vọng vào từ ngoài ngõ. Chẳng như ở quê những ngày này nhìn đâu cũng tràn ngập không khí Tết. Ngoài cổng hoa cúc đã nở vàng, cỏ hoang được xới quang. Trong vườn những trái hồng chín muộn đỏ mọng như mặt trời xuống núi.

Cây đào già của bà vẫn bền bỉ ra hoa, dù có khi chỉ lác đác vài ba bông nhỏ. Ngoài sân trải mấy tàu lá chuối chuẩn bị bày thịt lợn vừa mới mổ xong để chia phần cho từng nhà ăn đụng. Bà bận rộn với căn bếp của mình, bàn tay đưa đến đâu là vị Tết dậy hương đến đó. Bắt đầu từ mẻ mứt làm từ vỏ bưởi bà mang ngào đường. Đến món giò xào thơm mùi của hạt tiêu, mộc nhĩ.

Ngủ một giấc tỉnh dậy Bống đã được líu ríu theo sau chân mẹ đi chợ Tết. Mẹ hỏi Bống có thích mua gì không? Bống lắc đầu dù sạp hàng nào cũng muốn níu chân cô gái nhỏ. Bống đang mải ngắm nghía những chú cá bơi tung tăng trong bể kính thì bị mẹ kéo tuột vào một cửa hàng quần áo. Ôi chao! Bao nhiêu là váy đẹp, Bống nhìn hoa hết mắt. Nhưng Bống bảo:

- Con lớn chậm mà mẹ. Váy năm ngoái mẹ mua vẫn còn mới lắm.

- Không phải tiết kiệm cho mẹ đâu. Lúc còn bé, Tết nào mẹ cũng chỉ ước ao được bà mua cho áo mới. Con cứ chọn bộ nào mà con thích nhất. Con vui là mẹ vui.

Nơi không có hoa đào

Bống nghe mẹ nói lòng rưng rưng xúc động. Bao năm nay lần nào về thăm nhà mẹ cũng mặc mấy bộ quần áo cũ. Lúc gập quần áo giúp mẹ Bống bắt gặp những đường chỉ vá víu, những mảng vải rờn rách. Bống đã đủ lớn để hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ. Kể từ khi bố bỏ mẹ con Bống đi lấy vợ khác bên sông. Mẹ để Bống ở nhà với ngoại, một mình xuống thành phố vất vả mưu sinh. Bà thường nói mẹ làm việc bụi bặm ngoài đường, ngày nắng hay ngày mưa vẫn miệt mài quét rác.

Trên đường đi chợ về hai mẹ con đi qua đoạn đường bán hoa đào. Mẹ ngắm nghía từng cành, nghe người ta trả giá. Mẹ cười bảo:

- Đẹp nhưng đắt quá. Tiền đó mẹ để mua sách vở cho con.

- Con thấy trên tivi nói tối ba mươi nhiều hoa ế họ sẽ bán rẻ để về. Vậy chờ đến lúc đó mẹ con mình sẽ đi mua hoa nhé?

- Mẹ chỉ mong họ thật đắt hàng, chiều ba mươi không còn hoa để bán. Đằng sau họ cũng có bố mẹ già và những đứa con thơ. Hoa mà ế là coi như mất Tết.

Bống tựa đầu vào lưng mẹ, bình yên đến mức cảm thấy những ồn ào phố xá đã chìm tận đâu rồi. Ở với mẹ mấy ngày nhưng Bống vẫn chưa quen ngủ một mình. Hôm nay các cô trong xóm trọ đều đã đi làm, dù mẹ bảo nhà bà chủ ngay đằng sau mà Bống vẫn thấy sợ.

Nằm trên giường nghe ngóng tiếng xe đạp của mẹ khuất dần sau cánh cửa xóm trọ Bống cố nhắm mắt dỗ mình vào giấc ngủ. Nhưng từng tiếng động ngoài kia đều khiến Bống tưởng tượng ra có người nào đó. Tiếng bước chân đang mỗi lúc mỗi gần, hình như dừng ngay ngoài cánh cửa. Tim Bống đập mạnh, có lúc tưởng nghẹt thở khi nghe tiếng cánh cổng sắt kêu kèn kẹt.

Bống nghe ngóng hồi lâu rồi tự trấn an mình. Có thể là tiếng gió thổi lá khô ngoài sân. Có thể là tiếng con chuột nhắt nào đó đi kiếm ăn đêm. Hoặc tiếng chú mèo đi rình chuột cũng nên. Không ngủ được thì Bống phải tìm việc gì đó mà làm để quên đi nỗi sợ.

Bống nhìn xung quanh phòng. Bộ váy vừa mới mua sáng nay mẹ treo ở trên tường làm sáng cả căn phòng. Bống nhớ đến ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc của mẹ lúc nhìn con gái ướm bộ váy lên người. Mẹ khen Bống “mấy mà thành thiếu nữ”. Trong bóng tối Bống vẫn có thể nhìn rõ những bông hoa đào thêu trên váy. Chúng cứ hồng rực lên như những hòn than.

Một ý tưởng lóe lên trong đầu. Bống ngồi bật dậy nhìn chằm chằm vào khoảng tường bong tróc rồi tự hỏi tại sao mình không khiến căn phòng tràn ngập hoa đào chứ? Bống bật điện, lục tìm những tờ giấy trắng mẹ xin ở đâu đó cất gọn gàng phần Bống làm giấy nháp. Bống lôi hộp bút chì màu trong ba lô và bắt đầu hí hoáy vẽ. Một bông hoa, hai bông hoa.

Nơi không có hoa đào

Bống càng vẽ càng vui. Bàn tay nhỏ như có phép màu chạm đến đâu là hoa bừng cánh thắm. Từng tờ giấy ghép lại, chẳng mấy chốc những cành đào đều đã nở hoa. Bống bắt đầu vẽ đến gốc cây, mường tượng ra lớp vỏ xù xì hệt như cây đào già trước sân nhà bà vậy. Sẽ có một tay đang vẫy, chắc là bà ngoại đấy mà…

Bống dán từng tờ giấy lên mảng tường bong tróc. Bức tường nở ra hoa. Một cây đào hiện ra rực rỡ. Bống đứng ngắm thành quả của mình mong cho trời mau sáng. Cơn buồn ngủ ập đến, Bống ngủ quên bên những chiếc bút màu. Những xanh, đỏ, tím, vàng còn lăn lóc trên giường đã vỗ về một giấc mơ bé bỏng cho đến khi mẹ về gọi cửa.

Tiếng “Bống ơi” ấm ran cả buổi sáng mùa xuân. Mẹ bước vào phòng ngỡ ngàng nhìn bức tường. Chỉ qua một đêm thôi mà bức tường cũ mốc đã có hoa đào nở. Mẹ đứng đó hồi lâu kìm nén cơn xúc động. Mẹ như thấy quê nhà và mảnh sân thân thuộc. Thấy người mẹ già vào ra sớm tối. Thấy ánh nhìn mong mỏi sau cánh tay nhăn nheo gầy gò vừa đưa lên vẫy. Mẹ quay lại ôm chầm lấy Bống:

- Bao năm nay căn phòng này không có hoa đào. Giờ nhờ có con mà thành ra có Tết. Con gái mẹ đã lớn thật rồi. Cảm ơn con.

- Mẹ có ngửi thấy mùi thơm từ những cánh hoa đào không ạ?

- Có chứ. Có chứ. Mẹ còn nghe thấy cả những tiếng chim ríu rít.

Mẹ vừa nói vừa cầm bút chì vẽ thêm những cánh chim lấp ló trong tán hoa đào. Bống mở toang cửa sổ đón những ánh nắng đầu tiên chiếu vào phòng. Bống như thấy cành đào rung rinh và những chú chim vừa cất cánh bay lên bầu trời xanh thẳm. Ở trên tường còn treo lủng lẳng cặp bánh chưng bà gói. Tết đã về tràn ngập trong lòng Bống, nhất là khi nhìn thấy mẹ cười. Hôm nay đã là ngày cuối cùng trong năm. Nhanh thật…

Mẹ đã hứa trước rồi, đêm giao thừa sẽ cho Bống đến chỗ làm cùng. Bống mặc chiếc váy mới thơm tho, đi đôi giày cô phòng bên mua tặng. Mẹ tết tóc thật xinh cho Bống. Quàng khăn ấm, đội thêm chiếc mũ len là Bống được ngồi sau xe mẹ đi làm. Đường phố Hà Nội thênh thang đến lạ thường. Bống ngửa cổ ngắm hàng trăm chiếc đèn lồng đủ màu sắc treo trên không trung. Xe trôi qua những cổng chào lộng lẫy, những cột đèn trang trí lung linh soi bóng xuống mặt hồ huyền ảo. Tất cả đều khiến Bống thích thú và choáng ngợp. Bống biết mình sẽ lưu giữ thật lâu những khoảnh khắc này để về kể cho bà, cho cậu, cho bạn bè còn chưa được một lần xuống phố vào ngày Tết.

Đẩy xe rác lọc cọc trên đường, mẹ dặn Bống ngồi đợi dưới gốc cây xà cừ cổ thụ. Nhưng Bống ngồi không thì buồn lắm nên lon ton chạy theo đòi phụ mẹ một tay. Bống thích thú quét vun những chiếc lá xà cừ để nghe tiếng lao xao trong từng nhát chổi. Cứ như lá muốn kể cho Bống nghe về phần đời của nó. Trên phố lác đác người qua lại, có ai đó đang vẫy tay chào, có ai đó vừa mỉm cười với Bống.

Bống nghỉ tay, mải ngó theo một chiếc xích lô chở một chậu mai vàng rực rỡ. Mẹ vén những sợi tóc mai trên trán Bống, mỉm cười. Hai mẹ con cùng nhau đẩy xe rác về nơi tập kết. Bỗng một chiếc xe máy từ phía sau đi chậm lại, rồi dừng sát ngay bên mẹ con Bống. Người đàn ông bước xuống, lục từ trong túi áo một chiếc phong bao đỏ, nhìn Bống trìu mến:

- Năm mới chú lì xì. Chúc con luôn mạnh khỏe và chăm ngoan, hiếu thảo.

Rồi quay sang phía mẹ, người đàn ông cười bảo:

- Chị là một người mẹ hạnh phúc. Chúc chị nhiều sức khỏe để nuôi con.

Bống cầm bao lì xì trên tay còn chưa hết bất ngờ. Lời cảm ơn còn lí nhí trên môi mà bóng người đã hòa vào lòng phố. Đúng lúc ấy nhà bên đường reo vang, năm mới đã đến rồi. Bống nhìn theo hướng tay mẹ chỉ, thấy những chùm pháo hoa sáng rực ở phía xa. Bống chỉ muốn kéo dài khoảnh khắc này mãi thôi. Cùng mẹ ngắm bầu trời nở hoa giữa phố phường Hà Nội.

Đọc thêm

Thực tế sống động “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ” Văn học

Thực tế sống động “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ”

TTTĐ - “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ” là tác phẩm tâm huyết của tác giả Lưu Trọng Lân. Tác phẩm nằm trong bộ sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của NXB Trẻ.
Bộ sách về Điện Biên Phủ dành cho bạn đọc trẻ Văn học

Bộ sách về Điện Biên Phủ dành cho bạn đọc trẻ

TTTĐ - Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), Nhà xuất bản Trẻ phát hành bộ sách tuyệt đẹp với thiết kế bìa đồng bộ của họa sĩ Mai Quế Vũ.
Xuất bản cuốn sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử” Văn học

Xuất bản cuốn sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”

TTTĐ - Thông qua hàng trăm bức ảnh được sưu tầm và lựa chọn công phu, chân thực, cuốn sách “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử” cho thấy những khoảnh khắc từ bên trong, từ nhiều góc nhìn của những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến một trong những trận chiến nổi tiếng nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất đến thời cuộc toàn cầu thế kỷ XX.
Những tác phẩm vẽ nên bức tranh toàn cảnh chiến dịch lịch sử Văn học

Những tác phẩm vẽ nên bức tranh toàn cảnh chiến dịch lịch sử

TTTĐ - Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng hình thức và thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kí, nhật kí, truyện tranh... Mỗi ấn phẩm như một mảnh ghép đưa bạn đọc đến với bức tranh toàn cảnh về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024 Văn học

Nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024

TTTĐ - Chiều 22/4, Trường Đại học Hòa Bình (Mỹ Đình, Hà Nội) đã tổ chức tọa đàm “Sách và khát vọng phát triển”.
"ZOOKiZ và Trường Khoa học bí ẩn" đến với thiếu nhi Việt Văn học

"ZOOKiZ và Trường Khoa học bí ẩn" đến với thiếu nhi Việt

TTTĐ - Sáng 21/4, nhân dịp Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu 3 tập đầu tiên - khởi đầu cho một xê-ri truyện tranh dài hơi "ZOOKiZ và Trường Khoa học bí ẩn".
Đọc sách hôm nay, thành công mai sau Văn học

Đọc sách hôm nay, thành công mai sau

TTTĐ - Ngày 20/4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chính thức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 với chủ đề “Thế giới tôi đọc”. Đây là sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4).
Hàng ngàn người yêu sách có mặt tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Văn học

Hàng ngàn người yêu sách có mặt tại Ngày Sách và Văn hóa đọc

TTTĐ - Sáng 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024.
Tình yêu là sự sống Văn học

Tình yêu là sự sống

TTTĐ - Tình yêu là sự đồng điệu giữa hai con tim; nói cách khác là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trong nghĩ suy về cuộc đời, cùng tự nguyện sẻ chia mọi vui buồn nhân thế, dù có xa xôi, cách trở, dù gặp mưa nắng, bão dông.
Sôi động các hoạt động giao lưu, giới thiệu tác phẩm Văn học

Sôi động các hoạt động giao lưu, giới thiệu tác phẩm

TTTĐ - Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều tựa sách mới, nội dung và hình thức đặc sắc thuộc nhiều thể loại: truyện kể cho lứa tuổi mẫu giáo, văn học thiếu nhi, sách kiến thức, khoa học, kĩ năng gợi mở tư duy, truyền tải năng lượng tích cực... Nhiều hoạt động giao lưu ra mắt, giới thiệu sách với công chúng cũng được NXB Kim Đồng tổ chức trong dịp này.
Xem thêm