“Hoa đào Phù Trì”: Nhãn hiệu tập thể của bà con xã Kim Hoa
Sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Mê Linh
Bén rễ trên mảnh đất Phù Trì từ những năm 2000, sản phẩm hoa đào ở thôn Phù Trì (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đã được đông đảo khách thập phương biết đến. Ông Nguyễn Thế Lực, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Trì (xã Kim Hoa), cho biết trên địa bàn xã hiện có khoảng 85ha trồng hoa đào, tập trung tại thôn Phù Trì. Khoảng 600 hộ dân đang tham gia trồng và chăm sóc hoa đào.
“Những năm qua, cây đào trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân trên địa bàn xã. Trung bình mỗi sào trồng đào, các hộ dân có thể thu về khoảng 70 triệu đồng. So với canh tác lúa và rau màu truyền thống thì giá trị kinh tế mang lại là vượt trội…”, ông Nguyễn Thế Lực thông tin thêm.
Điều đáng khích lệ, hoa đào Phù Trì đã tham gia dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là thành quả xứng đáng, niềm động viên, khích lệ lớn đối với người trồng đào nói chung và thương hiệu hoa đào Phù Trì nói riêng.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây đào, ông Nguyễn Văn Bào, chủ vườn đào lâu năm tại thôn Phù Trì cho biết: Để có một cây đào đẹp thì việc chăm sóc cây là hết sức quan trọng. Để hoa đào nở vào đúng dịp Tết đòi hỏi người trồng đào phải có kinh nghiệm, nắm bắt diễn biến của thời tiết để có chế độ chăm sóc cây, người trồng đào không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây.
Hoa đào Phù Trì đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao |
Ngoài các biện pháp chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán... muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào cần phải thực hiện thêm các biện pháp kỹ thuật như: Khoanh vỏ hoặc đảo cây, vặt lá (tuốt lá)…
Đào thuộc loại cây rụng lá hàng năm về mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển và lớn nhanh. Nếu cứ để tự nhiên thì đào rụng lá vào cuối tháng chạp và hoa nở vào cuối tháng Giêng hoặc tháng Hai năm tới. Cho nên muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, đi đôi với việc hãm cây nói trên thì người trồng cần phải tuốt lá trước một thời gian. Thời gian đó dài, ngắn tùy giống, tùy cây mạnh hay yếu, cây tơ hay già. Người trồng thường tuốt lá đào bích từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch, đào bạch từ mùng đến 15/10 âm lịch. Những cây già, yếu thời gian tuốt lá chậm hơn so với những cây to khỏe.
Để cây đào ra hoa đẹp, người trồng đào cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá, nên bứt từng lá. Không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, làm như vậy tổn thương đến mầm hoa… Bên cạnh đó, người trồng đào cần dựa vào yếu tố thời tiết để lựa chọn quy trình chăm sóc, bón phân làm sao để cây đào sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Sử dụng địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì”
Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nghề trồng đào ở thôn Phù Trì, mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Trì sử dụng địa danh “Phù Trì” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Phù Trì” cho sản phẩm và dịch vụ mua bán cây và hoa đào ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Theo đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Trì có trách nhiệm xây dựng bộ công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể, gồm: Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; Quy định sử dụng tem nhãn.
Người dân xã Kim Hoa chăm sóc đào |
Cùng với đó, tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy chế, quy định, quy trình do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Trì ban hành.
Trường hợp địa danh “Phù Trì” bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của hợp tác xã hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc cây, hoa đào Phù Trì chuyển sang đăng ký bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý”, UBND thành phố Hà Nội có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép tại quyết định này.
Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Chủ tịch UBND huyện Mê Linh; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phù Trì và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Trong thời gian tới, để phát triển hiệu quả diện tích, mô hình trồng đào tại thôn Phù Trì, chính quyền xã đang tiếp tục vận động chủ nhà vườn đầu tư khoa học, công nghệ, đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật mới cho người dân để áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng để các vùng trồng đào của xã Kim Hoa ngày càng phát triển thương hiệu, đem lại thu nhập cao bền vững hơn cho người dân.