Nữ doanh nhân 9X giành giật sự sống để khởi nghiệp
![]() |
Đó là chia sẻ của Triệu Thị Hương – Tổng giám đốc Cty TNHH Huong Paris & I Fashion tại buổi chia sẻ về khởi nghiệp với các bạn trẻ mới đây. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn sâu về câu chuyện khởi nghiệp của cô gái sinh năm 1991 đầy tài năng và nghị lực này.
- Được nghe kể về câu chuyện khởi nghiệp của Hương, tôi rất nể. Động lực gì đã khiến cho Hương mạnh mẽ và nỗ lực đến vậy?
- Thực ra cũng chẳng phải động lực gì to tác lắm “Đời đưa thì mình đẩy”. Xuất phát điểm cô bé dân tộc Dao đến từ Lạng sơn. Hồi đó, khi thi đỗ vào ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mẹ Hương đã bán 5 con gà mới đủ tiền cho cô nhập học. Để có tiền chi trả học phí và trang trải cuộc sống, Hương phải làm thêm nhiều công việc từ rửa bát thuê, bảo vệ, trông xe… Giữa năm sinh viên thứ nhất, Hương được một người bạn dạy cách sử dụng máy tính và giới thiệu công việc đánh máy làm văn bản báo cáo. Mỗi báo cáo, mình được trả 1,8 triệu đồng. Năm thứ 2 đại học, tranh thủ cuối tuần Hương chạy xe máy 160km về quê phụ mẹ gặt hái và rồi vụ tai nan giao thông thảm khốc đã ập đến khiến Hương bị gẫy tay trái, chân trái và khâu 18 mũi ở đùi… Gần một năm sau, tôi mới bình phục, tiếp tục việc học và miệt mài với công trình. Tôi đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm công trình dự án ngành trắc địa bản đồ cho một doanh nghiệp có tiếng. Cuộc sống tạm ổn. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã bắt đầu vào tháng 2/2013. Nó thực sự thay đổi toàn bộ cuộc sống của Hương.
Triệu Thị Hương – Tổng giám đốc Cty TNHH Huong Paris & I Fashion
- Hương có thể chia sẻ rõ hơn về bước ngoặt đó được không?
- Lúc đó, Hương đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Tôi bị suy thận mãn, được bạn bè đưa vào bệnh viện trong tình trạng không còn đi tiểu được. Người tôi phù phính, các chỉ số sinh hóa lên mức báo động và huyết áp lên cao chót vót trong trạng thái mê sảng. Tôi không thể thở được, đầu tôi đau đến mức muốn đập đầu vào tường và tôi đã phải chạy thận nhân tạo ngay sau khi nhập viện.
Trong lúc vô vọng ấy, tôi đọc được tin xin hiến thận nhóm máu A. Tôi mừng rỡ, tức tưởi vay bạn 100 nghìn đồng bắt xe đi gặp người đó. Khi được đưa ra lời đề nghị cho thận và chi phí ghép lên đến tiền tỷ, tôi chết lặng. Mẹ bán căn nhà duy nhất trên quê được 150 triệu đồng, xoay sở mọi đường cũng chưa thấm vào đâu so với con số tiền tỷ. Trong lúc khốn cùng ấy, tôi đặt cược niềm tin cùng với giấy CMND vay nặng lãi với lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày để tiến hành ca phẫu thuật.
Nhiều khi kiệt sức, tôi đã định chấp nhận đầu hàng số phận nhưng có một tiếng nói nhỏ cứ dai dẳng trong tôi rằng: “Khỏe đi! Khỏe đi nào”. Tôi đã đặt mục tiêu cho mình là ra khỏi bệnh viện trước Tết Nguyên đán, trở lại trường bảo vệ luận án tốt nghiệp. Cuối cùng, tôi đã làm được. Tôi đã xuất viện trên chính hai đôi chân mình. Các bác sĩ đã nói điều đó chẳng thể xảy ra đối với trường hợp như tôi và giờ đây tôi đã trở thành một doanh nhân thực thụ.
- Từ đâu mà một cô gái nhỏ bé, trẻ tuổi như Hương lại có được nghị lực phi thường đó?
- Khi phát hiện mình bị suy thận mãn và phải chạy thận nhân tạo duy trì sự sống, tôi đã từng đau khổ, tuyệt vọng, oán trách đời, trách người, trách cha ra đi quá sớm, trách mẹ sao nhà mình lại nghèo thế, nắm cơm muối vừng đi lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Mắt tôi mờ hơn 6 tháng. Mẹ gửi tôi cho những bệnh nhân bên cạnh. Mẹ chạy về quê bán từng con gà, bó củi. Cuối giờ chiều mẹ gọi điện xuống hỏi tôi rằng: “Hôm nay con chạy thận có bị nôn không? Huyết áp lên không? Mắt con hôm nay có nhìn rõ hơn chút nào không? Sáng nay mẹ bán được 2 con gà, chiều được 3 con mẹ gom được 300 nghìn đồng rồi, sáng mai mẹ lên huyện vào ngân hàng gửi sớm, con gắng ăn vào còn lấy sức chạy và sống với mẹ…”. Quãng thời gian đó với tôi dài như một thế kỷ! Sau đợt đó, tôi trở nên trầm tính, điềm tĩnh, biết suy nghĩ, biết nhìn nhận vấn đề, biết chịu đựng và biết trân trọng hơn. Mẹ là Phật sống của đời tôi.
- Ở độ tuổi 23 với tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật và áp lực số nợ khổng lồ đó, Hương làm cách nào để vượt qua?
- Sau khi ra viện, để kiếm tiền trả món nợ hàng tỉ đồng, tôi làm đủ mọi nghề từ tư vấn bảo hiểm, môi giới bất động sản, làm luận án thuê, công trình… Đặc biệt hơn là nghề tay trái tôi kinh doanh online nước hoa, đêm về ship hàng đi khắp nơi. Có những ngày, chạy quảng cáo tôi chốt được hơn 100 đơn hàng, đem lại khoản thu nhập khá cao.
- Quay trở lại về câu chuyện sáng lập thương hiệu Huong Paris & I Fashion, Hương có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng ban đầu?
- Trước đây, tôi thường tự may những bộ vest để mặc. Một đêm giá lạnh mùa đông năm 2015, trong buổi hẹn chị cộng tác viên trò chuyện về sản phẩm và chính sách nước hoa. Tôi mặc chiếc váy sát nách body dáng bút trì kết hợp một chiếc áo choàng mới được tôi lên bản vẽ và nhờ thợ tiệm may cắt tuần trước. Tôi diện chúng và chị khách hàng rất thích chiếc áo choàng mà tôi đang mặc. Chị đã đề nghị tôi bán lại với lí do ngày mai sinh nhật chị, chị muốn diện nó… Thế là tôi đã bán chiếc áo với giá 2,8 triệu đồng. Tôi nảy sinh ý tưởng lấn sân sang thời trang. Tôi bắt đầu tìm tòi về thời trang, cách thức thiết kế. Đầu năm 2016, tôi thành lập công ty TNHH Huong Paris & I Fashion.
- Từ một kỹ sư công trình sang thiết kế và kinh doanh, Hương gặp những khó khăn gì?
- Đầu năm 2017, giai đoạn đầu mở xưởng, công ty mới thành lập khó khăn chồng chất khó khăn như vốn, kinh nghiệm nghành, tư duy và chiến lược… Tôi còn nhớ như in hôm đó giao một bộ vest cho chị khách, chị mặc thử rồi bảo: “Vest hay bao tải đây em?”. Tôi ngượng không nói lên lời. Tôi tiếp tục dày công tìm hiểu, khảo sát ý kiến khách hàng, từ đó đưa ra phương án định hình phong cách, phân khúc khách hàng, nâng cấp chất lượng và sản phẩm để có sức cạnh tranh. Xin ý kiến và lắng nghe khách hàng nhiều hơn. Dần dần, I Fashion ngày càng chiếm được cảm tình của những khách hàng tầm cỡ chủ doanh nghiệp, công chức. Dù là một thương hiệu mới nhưng Hương không phải dày công tìm kiếm mà khách hàng tự tìm đến.
Năm 2016, I Fashion vượt qua 800 doanh nghiệp giành vị trí Top 10 thương hiệu dẫn đầu thời trang thiết kế. Năm 2017, I Fashion tiếp tục vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp nhận giải thưởng Gương mặt Doanh nhân xuất sắc 3 miền.
Tính đến tháng 8/2017, công ty đã mở được 2 showroom với lượng khách đông đảo và 6 mặt bằng đã được duyệt để mở cửa trong 3 tháng tới. Mục tiêu năm 2018, công ty sẽ mở rộng dự án thương hiệu thời trang I Fashion theo mô hình nhượng quyền thương hiệu trên 54 tỉnh thành.
- Để có được những thành công trên, Hương có thể bật mí về bí quyết kinh doanh của mình?
- Trong kinh doanh tôi luôn áp dụng công thức 3B “Bạn – Bàn – Bán” và “Cho đi”. Chăm sóc khách hàng không đơn thuần chỉ từ ngôn từ, thái độ mà cách nói chuyện, tư vấn cho khách hàng phải chân thật và tự nhiên. Tôi luôn đặt câu hỏi để khách hàng nói ra tâm tư, ý nguyện của họ. Trong nhiều trường hợp, khách hàng sai nhưng tôi vẫn nhận mình sai và xin lỗi họ. Với tôi, sự lựa chọn và hài lòng là quyền của khách hàng, việc còn lại thuộc về trách nhiệm chúng tôi.
- Cảm ơn Hương. Chúc Hương sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Giải pháp nào để xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường theo Nghị quyết 68?

Tái định nghĩa nguồn vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp

TP Hồ Chí Minh hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

TP Hồ Chí Minh thăng hạng trên bảng xếp hạng khởi nghiệp toàn cầu

Trong 7 năm, Hà Nội có hơn 5.000 phụ nữ khởi nghiệp

Kinh tế tư nhân - “Vùng đất hứa” cho khát vọng khởi nghiệp

Quảng Nam chuẩn bị cho Tuần lễ Khởi nghiệp Sáng tạo TechFest 2025

10.000 người tham gia ngày hội kết nối giáo dục nghề nghiệp Hà Nội

Tôn vinh giá trị khoa học, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo
