Nữ doanh nhân Cao Nga - thành công là con đường không trải hoa hồng
Bài liên quan
Bà Thái Hương nhận giải thưởng nữ doanh nhân quyền lực ASEAN
CEO Vietjet xuất hiện nổi bật trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019 của Forbes
Chữ “tâm” và “tín” của nữ doanh nhân Hà thành
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho nữ doanh nhân
Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2019: Tái định nghĩa thành công của giới nữ
Nữ doanh nhân Nga sinh năm 1983, quê gốc ở huyện Giao Thủy, Nam Định nhưng bố mẹ lên vùng kinh tế mới ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Từ nhỏ chị đã cố gắng học tập, chinh phục giảng đường Đại học Thương mại tại Thủ đô và không ngừng bồi đắp hoài bão trở thành một doanh nhân thành đạt.
Ra trường với tấm bằng đại học, cô nữ sinh trẻ trung năng động đã khởi nghiệp trong ngành bất động sản từ năm 2007, đối mặt với đầy rẫy sự khó khăn, thách thức mà có lúc tưởng chừng khó vượt qua. Tuy nhiên, bằng nghị lực và quyết tâm bền bỉ, chị từng bước vượt qua những giai đoạn thăng trầm, dần đi lên bằng năng lực của bản thân mình. Gắn bó với lĩnh vực bất động sản một thời gian, Cao Nga phát hiện niềm đam mê thực sự về những đôi giày dành cho phụ nữ. Tình yêu đó đủ lớn để thôi thúc chị tiếp tục dấn thân và thử thách thêm một lần nữa với thương hiệu giày Việt tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt - Evashoes. Rẽ sang bước ngoặt khác đồng nghĩa với những khó khăn mới hình thành. Bằng kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, Cao Nga vững tin tạo lập thành công đồng thời cả hai doanh nghiệp phát triển bền vững cho đến thời điểm hiện tại.
Chia sẻ về những khó khăn của thị trường giày da, sau này thêm các mặt hàng khác như túi xách, giày thể thao, doanh nhân Cao Nga phân tích: “Đó là một thị trường vô cùng phức tạp, có sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt tại Việt Nam, riêng về giày dép, từ giày thủ công hàng trăm năm đến những đôi giày sản xuất hàng loạt bởi máy móc hiện đại, đâu cũng đều có những vị thế riêng, tranh chấp nhóm khách hàng của mình. Nhưng với sự thích ứng nhanh chóng, cùng việc nghiên cứu, chọn lọc kỹ càng cho từng sản phẩm sao cho phù hợp với từng đối tượng, chị và Evashoes đã tạo nên đế chế riêng cho mình với một nhóm khách hàng trung thành lớn”.
Khởi nghiệp bằng hai showroom nhỏ tại Hà Nội vào 2012, hiện nay, chỉ trong vòng 7 năm, Evashoes đã sở hữu gần 100 showroom lan tỏa không chỉ tại Hà Nội mà còn khắp cả nước. Trung bình mỗi ngày, Evashoes phục vụ hơn 4.000 phụ nữ tìm ra đôi giày phù hơp. Đây có thể coi là một sự phát triển nhanh chóng, đáng ghi nhận, nắm bắt đúng xu hướng, cơ hội trên thị trường ở một nữ doanh nhân đầy bản lĩnh.
Khi được hỏi về bí quyết phía sau thành công, doanh nhân Cao Nga nhận định, một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng thì kim chỉ nam của chị suốt từ ngày ấy đến bây giờ chính là hai chữ “khiêm tốn”. Thoạt nghe, tưởng chừng hai chữ thật giản dị, quen thuộc với tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng sống và làm việc theo đúng tinh thần đó. Với Cao Nga, phẩm chất khiêm tốn có thể tạo cho những người lãnh đạo, nhất là các nữ doanh nhân một phong thái, một cách làm việc chuyên nghiệp, hướng tới giá trị bền vững. Trong kinh doanh, khiêm tốn giúp con người bình tĩnh nhìn nhận sự việc, tăng cường học hỏi để hoàn thiện và phát triển bản thân. Theo chị, đó cũng là điểm thiếu sót mà hầu hết các bạn trẻ mắc phải trong quá trình khởi nghiệp.
Song song với kinh doanh, không ngừng phát triển thương hiệu, nữ doanh nhân gốc Nam Định luôn trăn trở cống hiến cho cộng đồng, xã hội bằng tấm lòng trắc ẩn, yêu thương. Doanh nghiệp của chị thường xuyên tham gia hoạt động từ thiện, chia sẻ với những số phận kém may mắn. Mới nhất, thông qua một cơ quan báo chí, Evashoes trực tiếp nộp tiền viện phí, trao quà tặng 30 triệu đồng tới gia đình một em bé mổ tim bẩm sinh. Cô bé đó là Trần Hà My, 12 tháng tuổi, quê ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Các bác sĩ Bệnh viên Tim cho biết, cháu Trần Hà My bị bệnh tim bẩm sinh cần phải mổ gấp. Chi phí cho ca phẫu thuật này lên tới gần 100 triệu đồng. Dù được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng vẫn còn tới 30 triệu đồng gia đình phải tự chi trả. Đó là số tiền quá lớn đối với gia đình cháu. Biết được hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, tình huống quá nguy cấp, chị Cao Nga sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với gia đình cháu Hà My với hi vọng sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu được cải thiện, tương lai tươi sáng hơn. Đó chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện của Cao Nga.
Tiếp xúc với Cao Nga, chúng tôi nhận thấy sự lặng lẽ, chăm chỉ và kiệm lời. Dù công việc bận rộn, chị vẫn luôn chủ động liên hệ với các tổ chức, cá nhân đang có thông tin chính xác về những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, hỗ trợ để kịp thời chia sẻ. Có một kỷ niệm chúng tôi chẳng thể nào quên trước ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 năm nay, một Câu lạc bộ yêu biển đảo dự định tổ chức tặng quà cho những người mẹ, người vợ lính Hải quân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Khi ý tưởng còn đang được trao đổi, bàn luận, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của Cao Nga. Giọng chị ấm nồng, có phần sốt sắng. Chị muốn tặng những sản phẩm giày dép, túi xách của công ty mình tới những người mẹ, người vợ đang tận tụy, vất vả nơi đất liền mà trong lòng vẫn ngóng chờ tin tức người ở đảo xa.
“Chỉ cần chúng ta lấy được kích cỡ, màu sắc, thông tin phù hợp với từng người thì tôi sẵn sàng cùng với nhân viên của mình tự tay chọn từng sản phẩm, đóng gói thật trang nhã và trao gửi tới các bà, các chị”, Cao Nga nói với giọng điệu thật thiết tha.
Thật tiếc, vì một số lý do khách quan mà riêng món quà của chị lại chưa thể triển khai được. Cao Nga có vẻ buồn, tiếc nuối bởi tấm lòng chị luôn đau đáu, tận tâm. Đã nhiều lần, chị cùng nhân viên chọn từng đôi giày với những kích cỡ, màu sắc khác nhau để tặng những người phụ nữ tảo tần khuya sớm trong những dịp 8/3, 20/10 hay lễ Tết. Khi là những cô giáo vùng cao, quanh năm gắn bó với lớp học vỏn vẹn trên dưới chục em phải ghép lớp; khi thì là những người phụ nữ quanh năm lao động, chẳng biết đến ngày dành cho mình…
Phía sau sự thành công của mỗi doanh nhân là những bí quyết, câu chuyện rất riêng. Với Cao Nga, có lẽ đó là một con đường không trải hoa hồng. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, chị nhắc mãi về người cha, người mẹ của mình hiện vẫn sống trên vùng Tây Bắc. Họ đã yêu nhau, đã sinh ra những đứa con và chăm sóc, dạy dỗ, mong chờ con cái nên người, trở thành công dân có ích. Bốn năm học đại học, Cao Nga đi làm thuê hết cửa hàng này tới cửa hàng khác để phụ vào tiền bố mẹ nuôi mình ăn học. Tới bây giờ, khi tiếp xúc với chị, chúng tôi vẫn nhận rõ sự cần cù lao động, khiêm tốn trong đời sống và sự sâu lắng ở người phụ nữ từng trải qua bao khó khăn vất vả. Phía sau cánh cửa gia đình, Cao Nga là người mẹ tuyệt vời của hai cô con gái ngoan ngoãn, giỏi giang và là người vợ chu đáo, người con dâu hiếu thảo, sống cuộc sống hạnh phúc bên đại gia đình có cả bố mẹ chồng, các cháu từ quê xuống Hà Nội học.