Nữ tiến sĩ trẻ và hành trình chinh phục khoa học
Nữ tiến sĩ trẻ luôn “cháy” hết mình với đam mê |
22 giờ, phòng làm việc của TS Phương tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vẫn sáng đèn. Cô gái trẻ mỉm cười cho biết: “Có những thí nghiệm không thể tính toán thời gian lúc nào xong bởi có thể phải làm đi làm lại. Vì vậy, rất nhiều lần mình kết thúc công việc khi đã gần nửa đêm”.
Hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, TS Phương sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia cùng 27 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Hướng nghiên cứu chính TS Phương theo đuổi là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống.
Tiến sĩ Lê Thị Phương |
Một trong những công trình mà nữ tiến sĩ dày công nghiên cứu là hydrogel tiêm tại chỗ. Đây là loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà. Theo TS Phương, đa số vết thương lớn hiện nay phải dùng chỉ khâu và băng gạc đồng thời đòi hỏi người thực hiện có tay nghề, hiểu biết trong ngành Y.
Tuy nhiên, hydrogel tiêm do nữ tiến sĩ trẻ nghiên cứu và phát triển, người bệnh chỉ cần tiêm vào vết thương, hydrogel sẽ bao phủ, kích thích làm lành vết thương nhanh hơn. “Việc tiêm hydrogel có thể làm tại nhà mà không cần đến bệnh viện hay cơ sở y tế. Điều này góp phần giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế”, TS Phương cho biết.
Ngoài ra, TS Phương cũng cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận nhiều bệnh nhân.
Tiễn sĩ trẻ luôn nỗ lực hết mình trong nghiên cứu khoa học |
Trong giai đoạn gửi hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, công trình này không phải chỉnh sửa quá nhiều bởi đã nêu ra được tính mới mà trước giờ chưa có nghiên cứu nào công bố. Quan trọng hơn, công trình có ý nghĩa thực tiễn cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi so sánh với các phương pháp trước đó.
Truyền lửa đam mê
Khi còn là sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, TS Phương đã dành tình yêu đặc biệt cho nghiên cứu khoa học. Càng học, cô gái trẻ càng thấy say mê và nung nấu ý định sẽ tìm cơ hội ra nước ngoài phát triển bản thân. Cơ hội đến với cô gái trẻ sau 2 năm làm việc tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và được sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh ở Đại học Ajou.
9 năm làm việc ở Hàn Quốc, TS Phương thừa nhận, đây là một chặng đường không ngắn và phải đánh đổi rất nhiều thứ. Giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất với cô đó là trong 5 năm đầu tiên khi phải làm quen môi trường sống, phong cách làm việc mới ở Hàn Quốc.
Khi đó, tình yêu, đam mê nghiên cứu khoa học đã giúp cô vượt qua. Không những vậy, cô còn sở hữu nhiều thành tích với những bài báo khoa học, công trình nghiên cứu được đăng ký bằng sáng chế, sở hữu quốc gia, quốc tế. Cơ hội làm việc ở Mỹ mở ra với cô giái trẻ.
Tuy nhiên, TS Phương quyết định từ bỏ và trở về Việt Nam làm việc. “Mình trở về mang theo khát khao xây dựng một đội ngũ với hướng nghiên cứu riêng. Còn ở Hàn hay Mỹ, mình mãi chỉ là người làm thuê và phải làm theo hướng nghiên cứu của người khác”, TS Phương chia sẻ.
TS Phương có thời gian dài làm việc tại Hàn Quốc |
Có những bỡ ngỡ, khó khăn bởi sự thay đổi môi trường làm việc nhưng TS Phương lại thấy quyết định này là đúng đắn. Biến khó khăn thành động lực, mỗi việc làm, cô đều suy nghĩ thấu đáo để trưởng thành hơn. Sẽ còn nhiều chông gai phía trước nhưng cô gái trẻ đang dần hiện thức hóa ước mơ và tiếp tục hành trình truyền đạt kiến thức, đam mê khoa học tới nhiều bạn trẻ khác.