Phát huy hiệu quả mô hình đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã
100% xã, phường, thị trấn có đội xung kích
Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành việc xây dựng các đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã (đội xung kích). Đây được coi là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp đầu tiên tại cơ sở. Nhờ có lực lượng này nên nhiều địa phương đã giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết: Hiện 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, với sự tham gia của 64.948 người gồm lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, đoàn thanh niên, lao động nông nhàn có sức khỏe, biết bơi...
Đội xung kích phòng chống thiên tai có nhiệm vụ hỗ trợ các cấp chính quyền sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, giúp dân sửa chữa nhà cửa vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống... Ngoài ra, trong năm 2019, 20/26 quận, huyện, thị xã có đê đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với tổng số 157 người…
Các chiến sĩ quân đội cùng người dân hộ đê tả Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội |
Nhận thức được sự nguy hiểm của thiên tai nên nhiều người dân Thủ đô đã ủng hộ chính quyền cơ sở và tự nguyện tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai bằng những việc làm cụ thể như: Tự giác chằng chống, gia cố nhà cửa, giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng sơ tán người và tài sản khi có lệnh báo động lũ trên các sông... Nhờ đó, năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng...
Tuy nhiên, có một điểm bất cập là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã trên địa bàn thành phố tuy “đông” nhưng “chưa mạnh”. Lý giải thực tiễn này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã hiện nay phần lớn đều trong độ tuổi lao động, thường đi làm ăn ở xa địa phương... Vì vậy, khi xảy ra tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã sẽ gặp khó khăn để huy động đủ lực lượng.
Mặt khác, lực lượng này chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn... nên đã ít nhiều làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã...
Tập trung kiện toàn lực lượng xung kích cơ sở
Với phương châm “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Trong đó, nhiều địa phương đã hoàn thành xây dựng các đội xung kích, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
Đơn cử như huyện Thanh Trì (Hà Nội), một trong những địa phương được đánh giá là làm tốt công phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Hà Nội trong thời gian vừa qua. Đến nay, UBND huyện Thanh Trì đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với 37 thành viên, 78 đồng chí tham gia lực lượng xung kích tập trung, lực lượng tăng cường.
Huyện cũng đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và ứng phó khẩn cấp, phương án tìm kiếm cứu nạn, phương án cứu trợ và khắc phục hậu quả mưa bão, lũ, thiên tai đảm bảo đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện…
Hà Nội tập trung phát huy hiệu quả mô hình đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã |
Cùng với đó, huyện cũng hướng dẫn các xã hoàn thành việc xây dựng, củng cố Đội phòng chống thiên tai cấp xã... đồng thời chuẩn bị đủ vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão tại các điếm canh đê. Giao vật tư cho các xã dự trữ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm: 5.400 cây, rong tre 2.500 bó, rơm 19 tấn, 2.200 bao tải, 1.000m3 đất dự trữ...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, huyện đề xuất thành phố kiểm tra và xử lý cấp bách, khắc phục sự cố lún sụt toàn bộ kè Duyên Hà; Kè chống sạt lở bờ Hữu sông Hồng đoạn từ K84+600 đến K86+389 trên địa bàn xã Vạn Phúc; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch thoát lũ các xã vùng bãi theo quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với sông Nhuệ, huyện kiến nghị thành phố kè cứng hóa toàn bộ tuyến bờ sông qua địa bàn xã Hữu Hòa và xã Tả Thanh Oai. Đắp tôn cao chống tràn, cứng hóa mặt bờ kết hợp đường giao thông, gia cố thân bờ, mái, cơ bờ đê hai phía thượng và hạ lưu đoạn qua địa bàn xã Đại Áng. Đầu tư nạo vét, kè cứng hóa hai bên bờ sông Tô Lịch đoạn qua địa bàn huyện Thanh Trì với chiều dài 7.250m...
Để nâng cao năng lực phòng, ngừa, ứng phó thiên tai từ cấp cơ sở, ông Sơn cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, rút kinh nghiệm để củng cố, kiện toàn bảo đảm về số lượng, chất lượng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã... Các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng, bảo đảm tốt nhất khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngay tại cơ sở...