Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Sáng 28/11, Huyện ủy Sóc Sơn tổ chức tổng kết Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 02 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, Huyện ủy Sóc Sơn đã triển khai và đạt được nhiều kết quả cao. Nổi bật là trong xây dựng Nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Đến hết năm 2024, huyện Sóc Sơn có 18/25 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao, vượt 48% và 11/25 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 28% chỉ tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy giao.
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể. Ảnh: Hoàng Sơn |
Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngày càng được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển và xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ…; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết.
Trên địa bàn huyện hiện có 146 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP (bằng 146% chỉ tiêu cả giai đoạn). Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm với thị trường, có nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được các chủ thể coi trọng, sản phẩm thực sự đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2024 đạt 76 triệu đồng. Hết năm 2024, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung đạt 95%; số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%; 93,5% thôn, làng công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa…
Để đạt được kết quả trên, trong giai đoạn 2021 - 2024, huyện Sóc Sơn đã huy động được hơn 5.260 tỷ đồng để triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới…
Phó Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Tất Thanh tặng Giấy khen cho các tập thể. Ảnh: Hoàng Sơn |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường khẳng định: Xây dựng Nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, do vậy các địa phương tiếp tục bám sát quy định, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố để triển khai hiệu quả các chương trình của Thành ủy và Huyện ủy.
Phấn đấu trong giai đoạn 2025 - 2030, toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 xã Nông thôn mới thông minh và hoàn thành xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc hưởng thụ cũng như trách nhiệm duy trì nâng cao các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, UBND huyện tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp bảo đảm nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩn nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương theo chuỗi giá trị, kết hợp với thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Các phòng, ban, đơn vị trong huyện cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý đất đai và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, cấp thoát nước để xây dựng huyện Sóc Sơn theo hướng đô thị văn minh, hiện đại…
Nhân dịp này, huyện Sóc Sơn biểu dương khen thưởng nhiều tập thể, cả nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 02 của Huyện ủy.