Phát huy vai trò của sinh viên Công an Nhân dân trong thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bảo DTTS
Trong quá trình giáo dục, đào tạo tại các trường Công an Nhân dân, công tác thực tế chính trị - xã hội là công tác thường niên được đưa vào nội dung chương trình đào tạo hệ chính quy. Hàng năm các trường Công an Nhân dân đều tổ chức cho sinh viên đi thực tế chính trị - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc. Đây là hoạt động giúp cho sinh viên các trường Công an Nhân dân có cơ hội để trải nghiệm thực tế, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, tạo mối quan hệ bền vững, gần gũi, gắn kết với Nhân dân, là bước đầu của công tác vận động quần chúng. Qua đó góp phần làm nổi bật vai trò của sinh viên các trường Công an Nhân dân trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc.
Phát huy phẩm chất quý báu của các thế hệ, sinh viên các trường Công an Nhân dân đang nối tiếp những trang sử hào hùng của cha anh, làm tốt chức trách và nhiệm vụ của một người chiến sĩ Công an Nhân dân, đem lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân. Đây là một lực lượng nòng cốt trong tương lai của Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiều năm qua, hoạt động thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân được đặc biệt coi trọng, là hoạt động bắt buộc đối với hệ đào tạo chính quy tập trung tại các trường và là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình học tập.
Những người già yếu được các cán bộ chiến sĩ trẻ đến tận nhà cấp CCCD. Ảnh báo CAND |
1. Vai trò, tầm quan trọng của công tác thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc
Công tác thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân là một hoạt động quan trọng đối với mỗi sinh viên, là học phần bắt buộc trong chương trình giáo dục và đào tạo của nhà trường. Đây là công tác mang tính kết hợp giữa lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao kiến thức cho sinh viên, giúp sinh viên hình thành bản lĩnh chính trị, rèn luyện nhân cách nghề nghiệp, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động cũng như các kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc với Nhân dân.
Mặt khác, công tác thực tế chính trị - xã hội là việc cụ thể hóa công tác dân vận của Đảng, Nhà nước cho sinh viên các trường Công an Nhân dân, gắn với việc đổi mới phương thức đào tạo, có sự liên kết chặt chẽ giữa đào tạo lý luận tại nhà trường với thực hành tại các địa phương.
Công tác thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân được xây dựng và thực hiện trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung chính khóa trong chương trình đào tạo của nhà trường, là một hoạt động được tổ chức hàng năm đối với các khóa sinh viên hệ đào tạo chính quy trình độ đại học.
Khi thực tế chính trị - xã hội, sinh viên sẽ được trực tiếp “ba cùng” với quần chúng - cùng ăn ở, cùng lao động sản xuất, cùng sinh hoạt, giúp đỡ Nhân dân địa phương tại địa bàn thực tế chính trị - xã hội.
Mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình tồn tại, phát triển khi hướng tới sự hưng thịnh bền vững đều phải quan tâm đến việc tập hợp lực lượng thực hiện sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đối với Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân là một truyền thống cực kỳ quý báu, một giá trị tinh thần bền vững, một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
Để phát huy truyền thống quý báu đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm chăm lo đến công tác vận động quần chúng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trong đó có công tác vận động các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, các dân tộc thiểu số dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số ở Việt Nam nhưng lại cư trú trên địa bàn rộng, trong phần lớn diện tích của cả nước, chủ yếu ở các vùng cao, Trung du và ven biên giới. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, nhất là miền núi, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 24-NQ.TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc; Chính sách “Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 (theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quy định số 1722/QÐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhưng lại là một trong những địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tiềm năng, lợi thế vùng chưa được khai thác hợp lý và hiệu quả. Hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc vẫn bị đánh giá là “vùng trũng” trong phát triển và vẫn ở “lõi nghèo” của cả nước.
Không chỉ là địa bàn có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, hiện nay các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang đẩy mạnh thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, kích động ly khai, hòng chống phá cách mạng Việt Nam. Công cuộc đấu tranh giữ đất, giữ dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn hiện nay vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân và bình yên đất nước là trách nhiệm của toàn Đảng và của cả hệ thống chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Đây là Nghị quyết có tính thực tiễn cao, khi đi vào cuộc sống đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc, sinh viên các trường Công an Nhân dân có vai trò quan trọng. Sinh viên các trường Công an Nhân dân tham gia vào việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc, bước đầu làm quen với công tác dân vận.
Với yêu cầu, nội dung của hoạt động thực tế chính trị - xã hội, sinh viên các trường Công an Nhân dân tuyên truyền, vận động Nhân dân bằng cách tham gia và phối hợp thực hiện, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật tại các điểm trường, các thôn, xóm trên địa bàn.
Thông qua các buổi tuyên truyền, sinh viên các trường Công an Nhân dân cung cấp cho đồng bào nhiều kiến thức cơ bản liên quan đến giáo dục pháp luật như: Luật giao thông đường bộ, luật an toàn giao thông,…; Một số kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường,…; Cách phòng tránh các tệ nạn xã hội,… Từ đó, người dân sẽ là những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, bạn bè và các thành viên khác trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc chấp hành những quy định của pháp luật, góp phần đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Khi tham gia công tác thực tế chính trị - xã hội, sinh viên các trường Công an Nhân dân xây dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp về người chiến sĩ Công an Nhân dân đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác thực tế chính trị - xã hội có ý nghĩa chiến lược, đóng vai trò to lớn trong đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, qua đó, tạo thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Do đó, trong quá trình thực tế chính trị - xã hội, những hoạt động của sinh viên các trường Công an Nhân dân cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân.
Thông qua công tác “ba cùng: cùng ăn ở, cùng sinh hoạt, cùng làm việc” đã giúp sinh viên các trường Công an Nhân dân hiểu được sâu sắc giá trị của lao động, của tình làng nghĩa xóm và cội nguồn sức mạnh của Nhân dân, được gần gũi với đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp thấm nhuần một cách sâu sắc về Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân.
Qua hoạt động thực tế chính trị - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc, người dân có thêm nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ của lực lượng Công an Nhân dân, để dân tin, dân yêu và giúp đỡ công an nhiều hơn, tạo được hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân trong lòng quần chúng Nhân dân.
Đồng thời, sinh viên tham gia công tác thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn còn cùng chính quyền, đoàn thể và công an các đơn vị, địa phương và các đoàn thể quần chúng thực hiện các chương trình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức về pháp luật và đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức chính trị - pháp luật cũng như chất lượng đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân địa phương.
Sinh viên khi đi thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn sẽ góp phần vận động có hiệu quả các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình, tích cực, tự giác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, củng cố lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với lực lượng công an Nhân dân.
Đặc biệt, thông qua công tác thực tế chính trị - xã hội sẽ giúp cho sinh viên các trường Công an Nhân dân sẽ bước đầu làm quen với công tác dân vận của Đảng và công tác vận động quần chúng của lực lượng Công an Nhân dân. Thông qua đó, sinh viên sẽ nâng cao được bản lĩnh chính trị, nhận thức thực tiễn, rèn luyện tác phong nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trang bị những kiến thức, kỹ năng thực tiễn quan trọng cho sinh viên trước khi sinh viên bước vào thực tiễn công tác sau khi tốt nghiệp.
Vượt qua những con đèo, dốc đá cheo leo, CBCS Công an huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đến xã Chim Vàn đến tận nhà làm CCCD cho bà con. Ảnh báo CAND |
2. Một số giải pháp phát huy vai trò của sinh viên trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc
Để phát huy vai trò của sinh viên các trường Công an Nhân dân trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm của Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các trường Công an Nhân dân, tiếp tục nâng cao nhận thức cho sinh viên các trường Công an Nhân dân, tích cực phát huy vai trò trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc. Đúng theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về công tác vận động quần chúng, Đảng ta chỉ rõ: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; Có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”, “Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận”.
Trong triển khai công tác thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quần chúng. Công tác giáo dục sinh viên khi tham gia hoạt động thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn phải đa dạng hóa về nội dung và hình thức học tập, tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Đảng đối với sinh viên; Phải cụ thể trong từng nếp nghĩ, từng hành vi ứng xử có chuẩn mực.
Sinh viên các trường Công an Nhân dân cũng phải làm tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”.
Đồng thời, thông qua những đợt sinh hoạt thực tế chính trị - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc, cần chú trọng giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho sinh viên các trường Công an Nhân dân. Tập trung giáo dục cho sinh viên truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, nghĩa tình thông qua những bài học lịch sử có giá trị trong quá trình đấu tranh dựng và giữ nước, qua những tấm gương chiến đấu hy sinh quên mình của những anh hùng trẻ tuổi như Nguyễn Bá Ngọc, Tô Vĩnh Diện, Lý Tự Trọng và nhiều tấm gương tiêu biểu khác, để các thế hệ sinh viên Công an Nhân dân luôn có lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tăng cường hoạt động thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình Nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhận thức và năng lực của sinh viên các trường Công an Nhân dân. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp Nhân dân; Chủ động nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc, nhất là ở những địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Qua đó, chủ động dự báo, đánh giá xu hướng của dư luận xã hội; Vận động Nhân dân nhận thức đúng, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với Nhân dân tại địa bàn.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn thanh niên các trường Công an Nhân dân, trở thành bộ phận quan trọng trong tổ chức công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc cho sinh viên. Đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn nhằm thu hút sự tham gia và hưởng ứng mạnh mẽ của tất cả sinh viên các trường Công an Nhân dân. Tăng cường sự tương tác, quan tâm tới nguyện vọng, nhu cầu của sinh viên, tạo môi trường hoạt động lý tưởng trong rèn luyện đội ngũ sinh viên, xây dựng thế hệ thanh niên vừa “hồng”, vừa “chuyên” sẵn sàng thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc và đơn vị giao phó.
Đoàn Thanh niên còn phải trở thành môi trường thử thách để cán bộ đoàn và các sinh viên trường Công an Nhân dân thường xuyên được rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để tạo nguồn cán bộ trẻ, chất lượng, vừa có tài vừa có tâm cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đoàn Thanh niên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, có uy tín và tích cực trong công tác Đoàn, gần gũi với quần chúng để trực tiếp tham mưu, hướng dẫn sinh viên là đoàn viên của trường thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao khi tiến hành thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn, trao đổi kinh nghiệm giúp sinh viên có mối quan hệ tốt với đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại địa bàn.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ động, tích cực của sinh viên các trường Công an Nhân dân bám sát nhiệm vụ được giao phó khi tham gia công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc; Xung kích, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Ban tổ chức công tác thực tế chính trị - xã hội phát động, từ đó xây dựng kế hoạch cá nhân phù hợp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, tham mưu để tổ chức tốt và có chất lượng các chương trình đồng hành cùng thanh niên “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần”... tại địa bàn được tham gia thực tế chính trị - xã hội.
Thứ năm, phát huy vai trò của các chủ thể quản lý công tác thực tế chính trị - xã hội của sinh viên các trường Công an Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu các trường Công an Nhân dân, lãnh đạo Khoa, Bộ môn giảng dạy Lý luận chính trị, lãnh đạo phòng Quản lý đào tạo, Quản lý học viên và các phòng ban khác cần có sự chỉ đạo, phối hợp để xác định vai trò, nhiệm vụ trong phát huy vai trò của sinh viên trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa bàn quan trọng.
Tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng các hoạt động thực tế chính trị - xã hội cho sinh viên các trường Công an Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc như tổ chức sinh hoạt chính trị cho sinh viên trước khi đi thực tế chính trị - xã hội tại địa bàn, tổ chức các buổi họp tổng kết, rút kinh nghiệm giúp sinh viên và các cán bộ, giảng viên trong nhà trường có cơ hội trao đổi với nhau để phát huy vai trò sinh viên các trường Công an Nhân dân trong công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc.
Như vậy, mỗi sinh viên Công an Nhân dân trong giai đoạn hiện nay luôn cần sự nỗ lực, tích cực, tự giác trong tham gia các hoạt động thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc, phát huy năng lực, khả năng và niềm tin tuyệt đối vào đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, các trường Công an Nhân dân cần tổ chức cho sinh viên tham gia góp ý công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc. Khi thực hiện được những nhiệm vụ cao cả như vậy, sinh viên các trường Công an Nhân dân mới thực sự là lực lượng xung kích, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác thực tế chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung du và miền núi phía Bắc.
TS Mai Diệu Anh, Phạm Tiến Trung Am - Học viện An ninh Nhân dân